Từ phong trào bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập

08:09, 07/09/2018

 

Ngày 3-9-1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã đề ra 6 việc cấp bách phải giải quyết, trong đó có việc chống nạn mù chữ. Ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để trông coi việc học trên toàn cõi Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 8-9 đã trở thành ngày khai sinh ra hệ thống Giáo dục thường xuyên (GDTX) hiện nay.

Cùng với cả nước, phong trào bình dân học vụ ở tỉnh ta phát triển mạnh. Phong trào “Đi học là yêu nước - Dạy học là yêu nước”, “Mỗi lớp học là một tổ tuyên truyền kháng chiến”, “Tiền tuyến diệt giặc xâm lăng, hậu phương diệt giặc dốt”, “Chống nạn mù chữ đi đôi với sản xuất tăng gia”… bước đầu đã động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ. Mọi người dân đều nô nức đi học các lớp xóa mù chữ, người biết chữ dạy người không biết chữ, chỉ trong 3 tháng toàn tỉnh đã xác nhận xóa mù chữ cho hàng nghìn học viên khóa đầu của tỉnh. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhiều giáo viên và học sinh lớn trong tỉnh đã tham gia tự vệ thành, vệ quốc đoàn, gan dạ chiến đấu trên từng đường phố quê hương, nhiều lớp học đến nơi tản cư tại nông thôn và tiếp tục mở thêm lớp dạy cho con em và người dân trong vùng. Trong một thời gian ngắn, giáo dục của tỉnh đã có bước đi chập chững ban đầu, từ bỏ học chính ngu dân, lạc hậu của chế độ cũ, đi vào xây dựng nền giáo dục mới trong tình hình cuộc kháng chiến của dân tộc ngày càng ác liệt. Trong thập kỷ 60, 70, với nhiệm vụ tiếp tục phát triển quy mô và chất lượng giáo dục đồng đều các ngành học, bậc học, vùng miền, đã xuất hiện điển hình tiên tiến của ngọn cờ bổ túc văn hóa Yên Cường (Ý Yên). Để xóa mù chữ, song song với giáo dục chính quy, bồi dưỡng học sinh giỏi, phong trào bổ túc văn hóa được đưa vào nhiệm vụ trọng tâm. Theo kinh nghiệm lá cờ đầu Yên Cường trong việc vận động nhân dân đi học có hiệu quả, các xã trong tỉnh đều bố trí giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa. Học bổ túc văn hóa lúc này học viên được bồi dưỡng về văn hóa và kiến thức sản xuất, trở về làm phong trào ở thôn xã, dạy chữ và kiến thức cho nhân dân để góp phần vào việc nâng cao dân trí và tăng gia sản xuất. Thời kỳ này đã xuất hiện thêm nhiều điển hình bổ túc văn hóa ở xã Yên Bình (Ý Yên), Liên Minh (Vụ Bản), Nam Hải (Nam Trực), Hải Cường, Hải Châu (Hải Hậu)… với hàng chục nghìn người biết chữ gắn với việc tăng gia sản xuất giỏi tại địa phương.

Một giờ học nấu ăn ở Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề tỉnh.
Một giờ học nấu ăn ở Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề tỉnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, từ bổ túc văn hóa, hệ thống trung tâm GDTX, hướng nghiệp dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng của tỉnh được thành lập, củng cố và đi vào hoạt động ổn định, tạo cơ hội cho mọi người được đi học. Năm 1999, tỉnh ta đã là một trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tháng 10-2001, tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, tạo nền móng cho công tác phổ cập bậc trung học của tỉnh. Nhằm giúp cho mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt, có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện việc xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; ưu tiên các đối tượng chính sách, lao động nông thôn. Toàn tỉnh đã nhận được sự ủng hộ, tham gia và cộng đồng trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt là sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân thông qua các mô hình xã hội học tập, qua đó từng bước nâng cao nhận thức, mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập. Các hoạt động học tập suốt đời được thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục. Mở rộng, hoàn thiện nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở nhằm cung cấp kiến thức cho người dân. Đẩy mạnh hình thức học từ xa, học qua mạng. Triển khai các biện pháp hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong quá trình xây dựng xã hội học tập… Đến nay, việc triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2012-2020 đã mang lại hiệu quả thiết thực, tiếp tục thúc đẩy phong trào học tập cho người dân trong tỉnh. Toàn tỉnh đã có 221.692 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, 2.465 dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”, 2.057 thôn làng được công nhận “Cộng đồng học tập” và 757 đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố và duy trì, nâng cao tỷ lệ, chất lượng các tiêu chuẩn phổ cập các cấp. 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, 10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn giáo dục mầm non 5 tuổi và tỉnh ta đã được Bộ GD và ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi tiếp tục được củng cố; phổ cập giáo dục THCS được nâng cao, việc phân luồng học sinh sau THCS đã có những chuyển biến tích cực. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh đã có 6.599 học viên học tại các Trung tâm GDTX. Các Trung tâm học tập cộng đồng ở tất cả các xã, thị trấn đã tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học tập của học viên để tổ chức các lớp học chuyên đề về bồi dưỡng kiến thức pháp luật, sức khỏe, môi trường, thực hiện an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp… cho hàng nghìn lượt người tham gia ở các lớp học. Loại hình học văn hóa - nghề thu hút được hơn 3.000 học viên tham gia. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc mạnh mẽ, nhằm tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước phát triển, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tích cực xây dựng xã hội học tập gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”…


Phát huy truyền thống phong trào bình dân học vụ, việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập”của tỉnh với những nội dung thiết thực gắn với đời sống của nhân dân đã góp phần nâng cao nhận thức về đời sống xã hội, tăng thu nhập, giảm nghèo, chất lượng cuộc sống được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com