Học tập, rèn luyện nêu gương cho thế hệ sau

09:10, 02/10/2017

Thực hiện kế hoạch tổ chức Tuần lễ Học tập suốt đời năm 2017 của Bộ GD và ĐT (từ 2 đến 8-10-2017) Sở GD và ĐT đã xác định chủ đề “Học tập rèn luyện nêu gương cho thế hệ sau” để triển khai tới các địa phương và các cơ sở giáo dục. Đây là hoạt động góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người về ý nghĩa của việc học tập, rèn luyện suốt đời, qua đó góp phần xây dựng một xã hội học tập, tạo cơ hội cho mọi người dân, mọi lứa tuổi cùng tham gia học tập.

Người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề xã Nam Hoa (Nam Trực).
Người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề xã Nam Hoa (Nam Trực).

Xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tập suốt đời là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Để khuyến khích người dân học tập, rèn luyện và lao động thoát nghèo, vươn lên làm giàu, từ nhiều năm nay tỉnh ta đã có nhiều chính sách như: đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ vốn… Đặc biệt, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) được mở rộng, củng cố, đáp ứng nhu cầu học tập văn hóa của nhân dân. Các Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) ở các xã, phường, thị trấn đã đưa các chương trình phát triển kinh tế - xã hội đến nhân dân một cách thiết thực nhất. Từ đó, nhiều người dân đã nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Điều này khẳng định tính thiết thực của việc trang bị kiến thức, trang bị nghề cho người lao động. Để tạo điền kiện tốt nhất cho người lao động có cơ hội được học văn hóa và đào tạo nghề, tỉnh đã quan tâm phát triển hệ thống GDTX. Đến nay, hệ thống các Trung tâm GDTX, các cơ sở thực hiện chương trình GDTX cấp THPT trên địa bàn tỉnh đã phát triển và phát huy hiệu quả trong việc triển khai thực hiện việc dạy học văn hoá kết hợp với học nghề đối với học sinh THPT, từng bước gắn kết việc đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các ngành kinh tế và thị trường lao động. Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 Trung tâm GDTX, 1 cơ sở thực hiện chương trình GDTX cấp THPT; 229 trung tâm HTCĐ; 4 Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học thuộc Sở KH và CN  và các trường chuyên nghiệp. Với việc chú trọng xây dựng và đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, về cơ sở vật chất, về chế độ chính sách cho phát triển GDTX, đến nay, 229/229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đạt chuẩn xóa mù chữ - phổ cập tiểu học. Hằng năm, số lượng học viên theo học chương trình GDTX cấp THCS và THPT tương đối ổn định; trong đó học sinh học liên kết nghề và văn hóa tăng. Một số Trung tâm GDTX như: Trần Phú, Liên Minh, Hải Hậu, Nghĩa Tân, Ý Yên B,... đã thực hiện có hiệu quả phương thức liên kết vừa học văn hoá, vừa học nghề. Công tác liên kết đào tạo không chính quy, từ xa tiếp tục được duy trì, góp phần nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Việc tiếp tục duy trì dạy nghề cho học sinh trong các Trung tâm GDTX đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, ngành GD và ĐT đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 tỉnh Nam Định và triển khai việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm HTCĐ ở các xã, phường, thị trấn. Đến nay, quy mô các loại hình học tập tại các Trung tâm HTCĐ tương đối ổn định. Trong năm học 2016-2017 vừa qua, toàn tỉnh có 1.131.752 lượt người tham gia 2.897 lớp học với các chuyên đề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, pháp luật, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội... Các lớp học chuyên đề đã góp phần duy trì kết quả xóa mù chữ, giúp nông dân biết lựa chọn cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chăm sóc sức khoẻ, phòng chống tệ nạn xã hội... Nhờ đó đã nâng cao nhận thức cho nhân dân về đời sống xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo; chất lượng cuộc sống được nâng lên. Phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập cũng được triển khai thực hiện ở các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 3.367 cộng đồng học tập ở các thôn, làng, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học, nhà chùa, xứ, họ đạo. Mỗi cộng đồng khuyến học đều có cách làm, thế mạnh và thành tích nổi trội riêng nhưng đều có vai trò rất quan trọng trong xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thực tế cho thấy, phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập đã góp phần gắn kết giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội. Đồng thời, là nhân tố mới trong cuộc vận động giảm nghèo, làm kinh tế giỏi và xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư.

Trong “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2017 với chủ đề “Học tập, rèn luyện nêu gương cho thế hệ mai sau” các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn, các Trung tâm GDTX, Trung tâm HTCĐ, các trung tâm dạy nghề, các trường trung cấp, cao đẳng kỹ thuật, nghiệp vụ đồng loạt triển khai nhiều nội dung hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các hoạt động giáo dục, học tập như: hội thảo, tọa đàm tham quan, văn nghệ, ngày hội đọc sách… Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động; bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học; các lớp học nghề cho lao động nông thôn; các lớp giáo dục kỹ năng sống; các lớp học theo chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức kỹ năng, chuyển giao công nghệ, xóa mù chữ… Tiếp tục triển khai chương trình xây dựng tủ sách lớp học, xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng… Để hoạt động của “Tuần lễ học tập suốt đời” năm 2017 đạt được hiệu quả thiết thực, bên cạnh các hoạt động bề nổi cần có sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, với những phương pháp tổ chức, triển khai phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng trong xã hội, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com