Thước đo SEA Games

08:08, 25/08/2017

Quá nửa chặng đường, thể thao Ma-lai-xi-a vẫn đang dẫn đầu với cách biệt khá xa với các đoàn còn lại tại SEA Games 29. Lý do không hẳn vì họ có sự tiến bộ vượt bậc mà vì… là nước chủ nhà.

 Đó cũng là thông lệ, là “thước đo” của làng thể thao Đông Nam Á qua các kỳ SEA Games gần đây.

Có nhiều cách để các nước chủ nhà trở thành quán quân bảng tổng sắp huy chương SEA Games, nhưng đầu tiên và quan trọng nhất là lựa chọn các môn thi đấu để đưa vào chương trình. Chính vì SEA Games cho phép chủ nhà có quyền đưa ra danh sách các môn thi đấu, có thể bỏ hẳn các môn thể thao thế mạnh của nước khác và đưa môn thế mạnh của mình vào. Điều đáng nói nhất là ngay cả các nội dung nằm trong chương trình Ô-lim-pích cũng dễ dàng bị loại khỏi danh sách tại SEA Games, một khi chủ nhà cảm thấy đó là “món ngon” cho đối thủ. Ở SEA Games 29 đang diễn ra, nhiều nội dung thế mạnh của điền kinh đã bị loại bỏ, nhưng cũng xuất hiện các môn xa lạ, được gọi là “món độc” của chủ nhà như: bóng lưới, trượt ván nước, bóng quần… Do là hàng “độc” nên mỗi môn chỉ vài vận động viên tham gia, hoặc chỉ nhiều nhất là 3 đội đăng ký để tranh nhau vàng, bạc, đồng!

Biết là vậy nhưng mọi thứ vẫn diễn ra theo… đúng quy trình. Đầu tiên là chủ nhà sẽ đề xuất danh sách các môn thi đấu, sau đó sẽ có cuộc họp của hội đồng SEA Games bao gồm thành viên các nước để xem xét thông qua. Dù nhiều nước phản ứng nhưng rồi danh sách được thông qua đó vẫn cơ bản theo đề xuất của chủ nhà bởi họ đều giải thích là đã làm đúng… quy trình, phương châm và hướng chương SEA Games. Đôi khi gặp sự phản ứng của quá đông thành viên, có thể có những môn thuộc thế yếu của chủ nhà buộc phải đưa vào chương trình thi đấu thì khi đó, họ sẽ “điều chỉnh” huy chương bằng lịch thi đấu sao cho gây khó khăn lớn nhất cho đối thủ. Chỉ cần xếp lịch trái giờ, di chuyển đến địa điểm thi đấu thật xa hoặc thay đổi điểm vào giờ chót, coi như VĐV đã mất đi một nửa khả năng chiến thắng.

Biết đó là cuộc chơi của sự xếp đặt nhưng nó vẫn diễn ra bởi… ai nắm vai trò chủ nhà cũng làm vậy, chỉ có ít hay nhiều mà thôi. Mỗi lần gần đến cuộc họp thông qua danh sách thi đấu đều nghe các nước phản ứng, nhưng cũng khá yếu ớt, bởi nếu tự trọng thì tự thân các thành viên cũng thấy mình đã từng thực hiện như vậy! Các lý do khác được đưa ra là để phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, thời tiết của chủ nhà; phù hợp và cân bằng với số lượng VĐV tham gia; phù hợp với điều kiện và thể trạng người Đông Nam Á; phục hồi các môn thể thao truyền thống, du nhập và phát triển các môn thể thao phổ biến của các nước… Nói chung là các lý do đưa ra đều hợp lý, các lời giải thích đều vừa tai, duy chỉ có thực tế là kéo lùi sự phát triển thể thao nói chung.

Đoàn thể thao Việt Nam cũng đã quá thấm với cách làm ấy nên chủ trương ngay từ đầu của lần này là bỏ “ao làng” để tập trung cho các môn Ô-lim-pích, mà cụ thể là hướng đến Asiad và Ô-lim-pích. VĐV những môn trọng điểm như điền kinh, bơi lội, teakwondo… nhận trọng trách thi đấu nằm trong tốp đầu, với thành tích cao để chuẩn bị cho Asiad 2018 và Ô-lim-pích 2020. Đó là cách để có thể vừa tham gia “ao làng” nhưng cũng có thể tích lũy và nâng cao thành tích cho những mục tiêu xa hơn mà chúng ta cần hướng đến./.

Theo SGGP

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com