Cây bàng nơi bến sông quê

06:09, 29/09/2017

Bến sông quê thuở trước, bờ bên này sừng sững một cây gạo, mỗi mùa xuân bung nở những chùm hoa thắp lửa đỏ rực một góc trời, bờ bên kia là cây bàng cổ thụ, lá đổ vàng mỗi lúc thu về. Đó không chỉ là chỗ dừng chân hóng mát của khách chờ sang đò mà còn là nơi diễn ra bao trò vui của đám trẻ con trong làng.

Suốt từ cuối xuân cho đến hết mùa hè, tán lá xanh mướt của cây bàng tỏa rộng như chiếc ô khổng lồ, trùm che cả một khoảng bến sông. Ngồi trong những quán cóc gần bến đò, nhấm nháp miếng bánh đa vừng bùi ngậy, uống bát nước nụ vối thơm nồng, tận hưởng bóng mát của cây bàng và những cơn gió lồng lộng từ sông thổi lên khiến mọi người quên cả thời gian đợi đò. Cây bàng mùa nào cũng đẹp đến nao lòng. Mùa xuân, búp non trổ ra xanh óng ả như muôn nghìn ngọn nến vừa được thắp lên. Mùa hạ, hoa bàng trắng ngà, nhỏ xíu bay phơi phới, rụng đầy mặt đất. Ngay cả mùa đông, khi những chiếc lá đỏ ối đã rụng hết, chỉ còn trơ ra những cành cây khẳng khiu trong giá lạnh, cây bàng vẫn toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn, kiên cường. Đối với đám trẻ con chúng tôi, cây bàng đẹp nhất, rực rỡ nhất là khi thu đến. Trong nắng thu vàng sánh như mật ong, những chiếc lá xanh biếc dần chuyển sang sắc vàng tươi rồi đỏ cam. Sau một đêm ngủ dậy, chạy ra bến đò, chúng tôi ngỡ ngàng ngước lên vòm cao và tưởng tượng bàn tay của một họa sĩ tài hoa cả đêm qua đã miệt mài tô màu cho từng chiếc lá. Gió heo may xao xác thỉnh thoảng lại làm cho vài chiếc lá vàng ruộm lìa cành, xoay tròn trong gió. Lũ trẻ chúng tôi sung sướng nhảy cẫng cả lên, thi nhau bắt lấy những chiếc lá trước khi chúng chạm mặt đất và cười vang cả bến sông. Mùa thu cũng là thời điểm bàng chín rộ. Từng chùm quả vàng óng, sai trĩu, lấp ló trong vòm lá, tỏa hương thơm dìu dịu. Chiều nào nghỉ học, bọn trẻ cũng chạy ra bến đò, dùng chiếc sào dài chọc cho những quả bàng chín mọng rơi xuống, nhặt đầy vạt áo mang về. Ăn hết lớp thịt quả mềm thơm, ngọt lịm, chúng tôi còn hì hục đập vỡ hạt bàng, lấy nhân để rang. Hương bàng chín bao năm rồi vẫn thoảng bay trong nỗi nhớ.

Bến cũ đò xưa giờ không còn nữa. Một chiếc cầu phao bồng bềnh trên sóng, nối gần khoảng cách đôi bờ khiến cho việc đi lại thuận tiện hơn. Cây bàng cổ thụ cũng bị chặt đi, tạo mặt đường thoáng rộng cho ngày càng nhiều ô tô, xe máy. Mỗi lần về quê, chầm chậm dạo bước ra bờ sông, nhìn khoảng trống nơi cây bàng từng đứng đó, chợt thấy rưng rưng như mất đi một cái gì thân thiết lắm./.

Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com