Việt Nam tham gia Hội chợ Sách quốc tế La Habana

04:02, 14/02/2020

Hội chợ Sách quốc tế La Habana lần thứ 29 là hoạt động văn hóa có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động tiến tới kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cuba.

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel thăm gian hàng của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel thăm gian hàng của Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tham gia hội chợ sách quốc tế lần, các nhà xuất bản Việt Nam mang tới hội chợ hơn 700 đầu sách và 2.000 ấn bản với các ngôn ngữ: Việt, Tây Ban Nha, Anh, Pháp - là các tác phẩm tôn vinh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Cuba; các tác phẩm giới thiệu lịch sử nước ta qua các thời kỳ; các tác phẩm văn học tiêu biểu; các công trình nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật dân gian cùng hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Theo số liệu của ban tổ chức, tại hội chợ, hàng trăm nhà xuất bản và nhà phân phối sẽ giới thiệu khoảng 4.000 đầu sách, với hơn 4 triệu bản về các đề tài văn học, xã hội, chính trị, khoa học - kỹ thuật và sách cho thiếu nhi. 

Hỗ trợ phục dựng lễ hội các dân tộc thiểu số

Bộ VH, TT và DL vừa có Văn bản số 458/BVHTTDL-VHDT về việc hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phục dựng lễ hội các dân tộc thiểu số thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2020. 

Theo đó, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ VH, TT và DL hỗ trợ phục dựng, bảo tồn một loạt lễ hội truyền thống của các dân tộc, như: Lào (tỉnh Điện Biên); La Chí, Nùng (tỉnh Hà Giang); Thái (tỉnh Yên Bái); Shi La (tỉnh Lai Châu); Gia Rai (tỉnh Kon Tum)... Để việc hỗ trợ bảo đảm mục tiêu, tiến độ, VH, TT và DL đề nghị Sở VH, TT và DL, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh tiến hành khảo sát, lập hồ sơ khoa học về lễ hội, gồm: Tên lễ hội, thời điểm diễn ra lễ hội, mục đích, ý nghĩa của việc bảo tồn, phục dựng lễ hội…, gửi về Vụ Dân tộc (Bộ VH, TT và DL) để tổng hợp trước ngày 20-2; xây dựng chi tiết báo cáo khảo sát lễ hội gửi về Bộ VH, TT và DL để thẩm định trước thời điểm diễn ra lễ hội ít nhất 20 ngày. Các lễ hội cần diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia và thụ hưởng; chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội.

Khởi động Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2020”

Tiếp nối thành công của cuộc thi năm 2019, Bộ VH, TT và DL tiếp tục tổ chức Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2020” trên phạm vi toàn quốc.

Đây là hoạt động nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh, thiếu niên, nhi đồng trên toàn quốc. Các thí sinh dự thi có thể chọn 1 trong 3 đề, chủ yếu về các nội dung: Chia sẻ về một cuốn sách yêu thích hoặc một cuốn sách đã làm thay đổi nhận thức hoặc cuộc sống của bản thân; sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách; viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà bản thân đã đọc… Cuộc thi sẽ được tổ chức hai vòng. Vòng sơ khảo tại các tỉnh, thành phố và các trường đại học, học viện từ tháng 2 này đến hết ngày 15-7. Các bài dự thi xuất sắc của vòng sơ khảo sẽ được chọn vào vòng chung kết toàn quốc để chọn và trao giải tại Hà Nội vào đầu tháng 9.

Công chiếu 7 bộ phim trong Tuần lễ phim tình yêu

7 bộ phim lãng mạn, hài hước cũng là 7 câu chuyện khác nhau về tình yêu thương giữa con người với con người được trình chiếu trong Tuần lễ phim tình yêu, diễn ra từ ngày 10 đến 16-2, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, do Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức.

Tình yêu là những xúc cảm thiêng liêng nhất gắn kết con người lại gần với nhau. Không đơn thuần khai thác tình cảm đôi lứa, những bộ phim còn chú trọng vào nhiều góc độ khác nhau của tình yêu và đặt nó trong những bối cảnh riêng. Những câu chuyện vui vẻ, những phút giây trầm lắng, những khoảnh khắc lãng mạn cùng những giằng xé đan xen sẽ hội tụ trong những bộ phim về đề tài tình yêu.

Phục hồi kỷ niệm để thương để nhớ

Sau 2 cuốn sách Sài Gòn dòng sông tuổi thơ và Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, nhà văn Lê Văn Nghĩa ở tuổi 67 tiếp tục ra mắt tạp bút Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành đầu xuân Canh Tý. Hơn 400 trang sách là những ký ức vừa rộn ràng vừa xôn xao về đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam. Lối viết tạp bút sở trường của nhà văn Lê Văn Nghĩa là nhân sự kiện đang diễn ra mà khơi gợi lại những điều chìm khuất trong quá khứ. Mặt khác, nhà văn Lê Văn Nghĩa biết đối chiếu các nguồn tài liệu, để tài liệu báo chí và tài liệu văn học được tương tác và tôn vinh nhau.

Tuy nhiên, vẫn phải nhấn mạnh, tạp bút của nhà văn Lê Văn Nghĩa chỉ thực sự phô diễn hết bản sắc khi giá trị tài liệu được kết hợp với giá trị nhân chứng. Cuốn Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ, độc giả có cảm giác bâng khuâng về vẻ đẹp năng động và hào hiệp của TP Hồ Chí Minh khi hoài niệm Hương gây mùi tết hoặc Bữa cơm bình dân./.

PV (tổng hợp)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com