"Sắc hoa"

08:12, 27/12/2019

Là chủ đề các hoạt động đón năm mới 2020 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 1-12-2019 đến ngày 2-1-2020 với sự tham gia của khoảng 150 đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên. Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động là không gian “Phiên chợ vùng cao chào đón năm mới 2020”.

Sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn chào mừng năm mới 2020 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn chào mừng năm mới 2020 tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tại đây, Ban tổ chức tái hiện không gian chợ đậm sắc màu văn hóa của vùng cao phía Bắc; giới thiệu nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông, dân tộc Cống tỉnh Điện Biên; tôn vinh văn hóa trà và thưởng trà của tỉnh Thái Nguyên. Không gian “Trà Thái Nguyên” có sự hội tụ sắc màu văn hóa của tỉnh Thái Nguyên với sự kết nối giữa văn hóa trà, thưởng trà, không cầu kỳ mà là đơn giản, tình cảm và giao lưu văn hóa độc đáo, kết hợp với giới thiệu nghệ thuật đàn tính, hát Then. Đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên sẽ tái hiện “Tết hoa”- một loại hình Tết của đồng bào diễn ra khi đã xong công việc mùa vụ…

Ra mắt sách kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga

Nhà xuất bản Kim Đồng đã giới thiệu bộ sách “Xung và Cung - Đôi bạn voi dũng cảm”, nhân dịp năm chéo hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (2019-2020) và hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga (1950-2020).

Đây là bản sách tranh đặc biệt của hai tác giả người Nga Vitali Bianki và Vladimia Sevchenko, kể câu chuyện có thật về hành trình từ nước Việt Nam xa xôi đến nước Nga của hai chú voi có tên Xung và Cung. Đôi bạn voi này sinh năm 1907 tại Việt Nam, lớn lên và trưởng thành dưới tán rừng già nhiệt đới và trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước Việt Nam, qua các cuộc đấu tranh giành độc lập... Năm 1954, hai chú voi lên đường đến Liên Xô (cũ) như một món quà của tình hữu nghị, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam tặng thiếu nhi và nhân dân thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg). Đôi voi đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị, đoàn kết sâu sắc giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga do Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công xây đắp. Cuốn sách được dịch giả Nguyễn Quốc Hùng và tiến sĩ ngôn ngữ, giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh dịch sang tiếng Việt để độc giả Việt Nam biết đến cuộc phiêu lưu thú vị của hai chú voi cách đây nửa thế kỷ.

Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020

Cuộc thi và triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2020, do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Đối tượng tham dự là công dân Việt Nam và người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài (từ 18 tuổi trở lên).

Tác phẩm dự thi ở hai thể loại: ảnh hiện thực với chủ đề “Việt Nam - truyền thống - hiện đại - phát triển” và ảnh ý tưởng theo chủ đề tự do. Các tác phẩm được sáng tác trong hai năm 2019-2020. Cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam là dịp để tập hợp lực lượng sáng tác nhiếp ảnh, giới thiệu đến công chúng trong nước và quốc tế các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật xuất sắc; tổng kết và đánh giá các thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật của giới nhiếp ảnh Việt Nam trong hai năm 2019-2020…

Triển lãm chuyên đề “Một thời bút nghiên”

Nhân kỷ niệm 100 năm kết thúc nền giáo dục Nho học tại Việt Nam (1919-2019), chiều 23-12, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm chuyên đề “Một thời bút nghiên”.

Triển lãm đã giới thiệu đến công chúng nhiều tư liệu và hiện vật quý như: đề thi vòng thứ ba, khoa Ất Dậu niên hiệu Tự Đức năm thứ 8 (1855), nghiên mực bằng đá, bằng đồng, ống cắm bút bằng bạc, án thư bằng gỗ, ấn triện bằng đồng của Quốc Sử quán, hộp đựng sắc phong…

Những tư liệu và hiện vật trưng bày tại triển lãm giúp tái hiện một phần bức tranh nền giáo dục và khoa cử thời Nguyễn; những quan điểm của nhà nước quân chủ về giáo dục khoa cử trong lịch sử; những danh nhân khoa bảng của quốc gia thời kỳ này được lưu giữ trong Châu bản, các nguồn tư liệu Hán Nôm và hiện vật của gia đình các vị Tiến sĩ Nho học thời Nguyễn.

Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nền giáo dục Nho học ở Việt Nam suy yếu bởi nền giáo dục Tây học thay thế từng bước và đi đến chiếm lĩnh toàn bộ xã hội. Năm 1906, thực dân Pháp bắt đầu cải cách nền giáo dục, khoa cử trên toàn Đông Dương. Ở Kinh đô Huế, khoa thi Hương cuối cùng diễn ra vào năm 1918 và năm 1919 là khoa thi Hội cuối cùng, sau đó Hoàng đế Khải Định ban Dụ tuyên bố về việc áp dụng Luật “Giáo dục mới” vào ngày 14-7-1919, chính thức đặt dấu chấm hết cho khoa cử Nho học để chuyển sang hệ thống giáo dục Tây học.

Trưng bày chuyên đề “Một thời bút nghiên” mở cửa đến ngày 23-3-2020./.

PV (tổng hợp)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com