Bạch Long phát triển sản xuất hàng hóa

08:12, 03/12/2020

Xã Bạch Long (Giao Thủy) có lợi thế về điều kiện tự nhiên với bờ biển dài, sinh thái đa dạng, đất đai màu mỡ, nhiều bãi triều, đầm phá có tiềm năng cho phát triển kinh tế biển. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Bạch Long đã chỉ đạo thực hiện các chương trình khai thác tiềm năng kinh tế biển, phát triển các lĩnh vực theo hướng sản xuất hàng hóa đối với sản xuất, chế biến muối, nuôi trồng thủy hải sản, tạo việc làm, thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Với sản lượng trung bình mỗi năm gần 8.000 tấn muối và trên 2.000 tấn thủy hải sản, Bạch Long không chỉ cung ứng ra thị trường tiêu dùng nội địa sản phẩm muối thô, muối chế biến mà còn là vùng nguyên liệu thủy sản mặn, lợ, rau câu chỉ vàng lớn trong tỉnh.

Chế biến muối theo công nghệ rửa trôi tại Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải, xã Bạch Long.
Chế biến muối theo công nghệ rửa trôi tại Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải, xã Bạch Long.

Do thị trường sản phẩm muối có nhiều thay đổi, xã đã giữ lại 54ha đồng muối có điều kiện sản xuất tốt nhất để diêm dân tiếp tục sản xuất, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng muối. Các diện tích khác xã khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang trồng hoa màu, nuôi thủy hải sản, phát triển trang trại tổng hợp. Bên cạnh đó, xã khuyến khích diêm dân cải tạo ô nề, thống chạt, ứng dụng công nghệ cao sản xuất muối sạch và xây dựng chuỗi cung ứng thu mua, chế biến muối. Hiện tại, toàn xã có hơn 30 đại lý của tư nhân và 7 doanh nghiệp đang thu mua, chế biến muối sạch. Trong đó, các doanh nghiệp chế biến muối lớn như: Công ty Cổ phần Muối Bạch Long; Doanh nghiệp tư nhân Thanh Quyết... đã đầu tư dây chuyền trị giá hàng chục tỷ đồng để chế biến muối. Công ty TNHH Muối và Thương mại Nam Hải đã ứng dụng thành công mô hình khép kín từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến muối do Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ muối biển (Bộ NN và PTNT) hỗ trợ chuyển giao. Điểm đột phá trong công nghệ này là áp dụng quy trình rửa trôi loại bỏ tạp chất, tạo ra sản phẩm muối sạch không dùng hóa chất. Theo đó, muối được đưa vào dây chuyền rửa bão hòa trong nước với độ văng lớn để loại bỏ tạp chất. Toàn bộ nước trong quá trình rửa được quay trở lại hệ thống, muối hạt đưa ra ngoài xuất bán thô hoặc tiếp tục bổ sung thêm các dưỡng chất để sản xuất muối i-ốt, bột canh i-ốt. Sau khi chế biến, chất lượng muối sạch cao hơn tiêu chuẩn muối thô Việt Nam TCVN 3973-84; chất lượng muối tinh của dự án cao hơn tiêu chuẩn ngành TCN 402-99 và vượt tiêu chuẩn muối tinh quốc tế do Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) quy định. Do vậy sản phẩm muối của Bạch Long có giá bán cao gấp 1,5 lần so với sản phẩm muối cùng loại trên thị trường nên mặc dù sản lượng muối của xã có giảm nhưng giá trị thu nhập từ nghề muối vẫn cao, đảm bảo đời sống cho diêm dân. Trung bình mỗi năm thu nhập từ nghề muối của toàn xã đạt 15 tỷ đồng. Ngoài sản xuất, chế biến muối, xã Bạch Long còn đang hướng người dân tham gia mô hình khai thác sản phẩm du lịch cánh đồng muối bởi đây là vùng muối lớn nhất miền Bắc vẫn giữ nguyên phương thức sản xuất truyền thống với ô, nề, thống chạt, dụng cụ làm muối, nhà bổi, kho bãi đang được ưa chuộng với loại hình du lịch trải nghiệm. Du khách vừa trải nghiệm quá trình sản xuất muối cũng như tham gia vào các hoạt động văn hóa bản địa đặc sắc như lễ cầu ngư, bơi chải, đi cà kheo… Phấn đấu đưa điểm du lịch đồng muối Bạch Long kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như: rừng ngập mặn Xuân Thủy, cửa Ba Lạt (Giao Thủy), cầu Ngói - Chùa Lương (Hải Hậu), Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh (Xuân Trường)…

Không chỉ đổi mới phát triển sản xuất muối, xã Bạch Long tranh thủ chủ trương khuyến khích chuyển đổi sản xuất để biến vùng bất lợi về sản xuất muối thành vùng nuôi thủy sản mặn lợ hiệu quả với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá mú, ngao. Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của xã đạt gần 370ha. Các hộ nuôi thủy sản trong xã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi, cải tạo ao, đầm; áp dụng công nghệ, quy trình kỹ thuật nuôi, phòng bệnh cho các đối tượng nuôi nên sản lượng nuôi trồng luôn ổn định ở mức trên 2.100 tấn/năm. Trong đó có 1.400 tấn thủy sản nước lợ; 400 tấn thủy sản ngọt; 250-300 tấn ngao vạng và 100 tấn rau câu. Nhiều hộ nuôi thủy sản có diện tích lớn, đầu tư bài bản đã đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm như hộ các ông: Nguyễn Văn Đô, Vũ Văn Thiệu đều ở xóm Hoành Tiến; Đỗ Văn Mại, xóm Liên Hoan... Anh Đinh Trí Hướng, xóm Liên Hoan, cho biết: Trước đây gia đình tôi chỉ chuyên làm muối, năm 2015 được sự khuyến khích chuyển đổi sản xuất của xã, gia đình tôi đầu tư 1ha ao đầm nuôi vạng giống và nuôi tôm. Toàn bộ diện tích được thiết kế khép kín đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cao. Trung bình mỗi năm gia đình đã xuất bán 200-500 triệu con vạng giống. Ngoài thời gian ương vạng, gia đình tôi nuôi tôm thẻ chân trắng theo phương thức quảng canh để tăng thêm thu nhập và cải tạo ao đầm cho mùa vụ mới.

Sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa kéo theo các loại hình dịch vụ thương mại phát triển. Hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 1.000 hộ kinh doanh dịch vụ cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất muối, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, thu gom hàng hóa, vận tải và dịch vụ tiêu dùng… tạo nên thị trường thương mại sôi động ở vùng ven biển. Từ kết quả thực tế, xã Bạch Long đang tiếp tục đề xuất chuyển đổi hơn 170ha ruộng muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản, phát triển dịch vụ thương mại. Đồng thời khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Xã Bạch Long phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác đạt 240 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm còn dưới 0,15%./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com