Chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ - Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp và người tiêu dùng

08:12, 31/12/2019

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh nỗ lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn nạn hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội, quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Công an thành phố Nam Định kiểm tra sản phẩm rượu nhập khẩu lưu thông trên thị trường.
Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Công an thành phố Nam Định kiểm tra sản phẩm rượu nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Năm 2019, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện phạt hành chính 22 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, phạt hành chính 55,15 triệu đồng, tịch thu hàng hoá trị giá gần 78 triệu đồng. Điển hình như vụ việc ngày 2-7, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an thành phố Nam Định kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồng hồ của ông Đặng Thế Lợi, số 224 Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định có dấu hiệu kinh doanh đồng hồ giả nhãn mác các hãng nổi tiếng. Tại thời điểm kiểm tra, ông Lợi chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan đến hàng hóa. Sau khi thẩm tra, xác minh, lực lượng chức năng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng về các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; kinh doanh hàng hóa nhập lậu và tịch thu 10 chiếc đồng hồ trị giá gần 18 triệu đồng. Ngày 20-12, Đội Quản lý thị trường khu vực thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc đã kiểm tra, phát hiện cửa hàng kinh doanh thiết bị xe máy Bình Mai, đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) vi phạm kinh doanh hàng hóa nhái nhãn hiệu của hãng Honda. Trong cuộc kiểm tra chuyên đề về xe điện, xe máy dưới 50cc đồng loạt tại 10 huyện, thành phố, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, ngày 28-6-2019, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện lô xe máy điện tại một cửa hàng trên đường Điện Biên (thành phố Nam Định) được lắp ráp thủ công tại hộ cá thể, sản phẩm không có giấy chứng nhận hợp quy. Trong tháng 9-2019, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một số sản phẩm xe máy dưới 50cc tại cửa hàng Trọng Sơn, đường Đặng Xuân Bảng (thành phố Nam Định) vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa, không ghi đủ các nội dung bắt buộc theo tính chất hàng hóa, thiếu số khung, năm sản xuất. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện một cửa hàng kinh doanh xe máy dưới 50cc được sản xuất trong nước với nhiều sản phẩm có kiểu dáng, nhãn hiệu tương tự các dòng xe nổi tiếng của thương hiệu Honda để đánh lừa người tiêu dùng. Cụ thể xe máy dưới 50cc có hình dáng, màu sắc giống như xe Cub của hãng Honda với nhãn hiệu CUBJIPAND 50 khiến người tiêu dùng dễ nhầm với xe Cub được sản xuất tại Nhật Bản; xe máy dưới 50cc có hình dáng, màu sắc giống như xe Wave của hãng Honda được ghi nhãn hiệu WAYEINDONA 50… Ngoài những vụ việc trên, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt sản phẩm như túi xách, quần áo, giầy dép, mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu, được nhập lậu vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau vi phạm nghiêm trọng bản quyền hàng hóa các hãng Louis Vuitton, Dior, Chanel… Nghiêm trọng hơn là tình trạng các tổ chức, cá nhân móc nối để đặt hàng, in ấn bao bì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để tiêu thụ hoặc để sản xuất hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước, ảnh hưởng xấu đến sự nỗ lực đầu tư, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính, đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh. Hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ thường tập trung vào rất nhiều nhóm sản phẩm phụ tùng xe máy, quần áo, phụ kiện điện tử, giày dép, giấy ăn được bán với giá chỉ bằng 50-70% hàng chính hiệu nên sức tiêu thụ khá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, sản phẩm làm giả ngày càng giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất. Một số người tiêu dùng còn chấp nhận dùng hàng giả do chuộng giá rẻ hoặc bỏ qua khi phát hiện hàng giả do ngại thủ tục khiếu kiện. Việc kiểm tra, xử lý hàng giả gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: chủ bán hàng thường khai không biết đó là hàng giả, hàng nhái nên mới kinh doanh trong khi cơ quan điều tra không chứng minh được hành vi vi phạm của đối tượng nên buộc phải tiến hành xử lý hành chính hoặc đổi tội danh. Bên cạnh đó, để kết luận một sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng cần phải lấy mẫu để kiểm định, đối chứng và có giám định của cơ quan chuyên môn kết luận hàng giả. Quy trình này vừa tốn thời gian, kinh phí, còn phải có sự hợp tác từ chính doanh nghiệp có hàng hóa bị xâm phạm. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp có hàng bị xâm phạm lại thiếu quan tâm, thậm chí từ chối phối hợp trong quá trình điều tra, đấu tranh và xử lý vi phạm để bảo vệ thương hiệu của mình.

Sự tồn tại của hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, ảnh hưởng tới sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính. Tình hình này đòi hỏi công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ đi vào thực chất mới có thể bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp hiệu quả cũng như tạo dựng môi trường đầu tư an toàn và hấp dẫn. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xây dựng chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh, trung tâm thương mại ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng hàng rào bảo vệ sản phẩm của mình cũng như phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao trách nhiệm, không tiêu dùng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; ủng hộ đấu tranh chống tiêu dùng hàng giả, sẵn sàng thông báo với cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả lưu thông trên thị trường./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com