Thị trấn Cổ Lễ phát huy thế mạnh thương mại dịch vụ

09:11, 20/11/2019

Là trung tâm của huyện Trực Ninh, thị trấn Cổ Lễ có Quốc lộ 21A, tỉnh lộ 489 và sông Hồng chạy qua địa bàn, thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển thương mại dịch vụ. Những năm qua, UBND thị trấn Cổ Lễ đã tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng đô thị và hỗ trợ phát huy lợi thế này để thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.

Sản xuất bánh kẹo tại cơ sở Thanh Hương, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Sản xuất bánh kẹo tại cơ sở Thanh Hương, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Trong đó, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cơ sở kinh tế biết để tuân thủ hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại đúng hướng cũng như đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ trang thiết bị kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo phát triển sản xuất gắn với giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đảng ủy, UBND thị trấn chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đẩy mạnh hoạt động ủy thác tín dụng tín chấp cho hội viên vay vốn từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Cổ Lễ để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện tại tổng dư nợ hỗ trợ phát triển sản xuất của các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn đạt hơn 140 tỷ đồng. Thị trấn quy hoạch xây dựng các tuyến phố thương mại ven các Quốc lộ 21A, tỉnh lộ 489 và quanh khu vực trung tâm. Năm 2017, thị trấn đầu tư trên 1 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp chợ Cổ Lễ đạt chuẩn chợ cấp II, với không gian thông thoáng, các dãy ki-ốt bán hàng cao ráo, sạch sẽ, hệ thống các công trình phụ trợ đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Chợ Cổ Lễ cùng với các tuyến phố chính đã tạo thành khu trung tâm dịch vụ thương mại đầu mối thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hóa của nhân dân thị trấn và các xã lân cận, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn đóng góp ổn định cho ngân sách địa phương. Việc đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp, làng nghề được thị trấn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách. Đến nay, trên địa bàn thị trấn phát triển 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và 2 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp; 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 20 doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp tập trung; 300 cơ sở sản xuất đồ gỗ gia dụng, gỗ mỹ nghệ và hơn 1.300 hộ hoạt động dịch vụ thương mại. Hoạt động sản xuất, dịch vụ thương mại đã giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, riêng làng nghề chuyên sản xuất đồ mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ Mộc Kênh thu hút trên 300 hộ ở 2 tổ dân phố Đông Bắc Đồng, Tây Kênh tham gia, sản phẩm chủ yếu là các loại đồ gia dụng bàn, ghế, tủ, kệ và phục dựng nhà cổ. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề đã đầu tư máy móc thiết bị giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm công lao động nặng nhọc, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường. Doanh thu hàng năm làng nghề khoảng 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Tại làng nghề đã có các doanh nghiệp làm đầu mối các khâu chuyên cung cấp gỗ nguyên liệu và nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất như: Doanh nghiệp tư nhân Đoàn Cầu, doanh nghiệp Quốc Doanh và các cơ sở sản xuất: Lương Văn Giáp, Hoài Hương, Minh Nghĩa… Trong sản xuất nông nghiệp, thị trấn chỉ đạo và tạo các điều kiện để người dân tổ chức sản xuất hàng hóa theo quy mô trang trại, gia trại tại vùng đất chuyển đổi và vùng đất bãi ven sông Hồng. Gia đình anh Vũ Ngọc Diệp ở tổ dân phố Nghĩa Sơn đã xây dựng trang trại tổng hợp rộng trên 3.000m2 trồng cây thanh long ruột đỏ xen kẽ với cây chanh bốn mùa, kết hợp nuôi thủy sản, nuôi gia súc, gia cầm... Không chỉ mang lại nguồn thu ổn định hàng trăm triệu đồng/năm cho mỗi hộ gia đình; các trang trại, gia trại đã tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa ổn định về chất lượng và số lượng thu hút bạn hàng các nơi tìm đến trao đổi giao thương.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của thị trấn Cổ Lễ đạt bình quân hơn 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và phù hợp với mô hình phát triển thị trấn, trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - ngành nghề chiếm tỷ trọng 43,6%, dịch vụ - thương mại chiếm tỷ trọng 48,4% và sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 8%. Số hộ khá và giàu của thị trấn ngày càng tăng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com