Mập mờ xuất xứ hàng hóa đánh lừa người tiêu dùng

04:11, 29/11/2019

Những ngày gần đây, các tín đồ thời trang trong nước không khỏi bất ngờ trước thông tin thương hiệu thời trang Seven.AM đóng cửa hàng loạt cửa hàng sau khi bị Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) bất ngờ kiểm tra và tạm giữ hơn 9.000 sản phẩm. Việc kiểm tra được thực hiện sau khi báo chí phản ánh chuỗi cửa hàng thời trang Seven.AM có nhập thêm hàng hóa Trung Quốc nhưng thay nhãn mác thành "made in Vietnam" trên một số sản phẩm như khăn, quần áo, đồ lót. Khi kiểm tra, cơ quan quản lý thị trường ghi nhận chủ 5 cửa hàng Seven.AM xuất trình đăng ký nhãn hiệu Seven.AM còn hạn sử dụng; giấy chứng nhận hợp quy nhưng "nợ" hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và bản công bố hợp quy của sản phẩm. Thương hiệu thời trang Seven.AM ra mắt vào năm 2009, đến nay đã phát triển 24 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Thương hiệu này từng nhận được nhiều giải thưởng danh giá như Top 20 doanh nghiệp toàn quốc có sản phẩm và dịch vụ được tin dùng; Bằng khen vinh danh thương hiệu cấp Nhà nước - Top 15 doanh nghiệp hội nhập và phát triển toàn quốc và được nhiều khách hàng tin dùng. Đó chỉ là một trường hợp điển hình về việc hàng ngoại gắn mác “made in Vietnam” bị phát hiện trong thời gian qua, ngoài ra, nhiều mặt hàng khác có sự gian lận xuất xứ như thực phẩm, giày dép, đồ chơi trẻ em... Điều đáng nói nhiều mặt hàng bị phát phiện chứa độc tố hoặc có hàm lượng vượt mức cho phép, đặc biệt là chất phụ gia nằm ngoài danh mục trong sản phẩm liên quan đến thực phẩm. Phương thức gian lận xuất xứ khá tinh vi, thường là luồn lách, sản xuất bên Trung Quốc, in bao bì nhãn mác hoặc nhập nguyên liệu, linh kiện vào Việt Nam sản xuất, sau đó dán nhãn tại Việt Nam. Theo quy định việc gia công ở nước ngoài là được phép nhưng khi nhập về Việt Nam cần ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc nhiều thương hiệu tự ý gắn mác "made in Vietnam" trong khi hàng hóa lại được gia công ở nước ngoài là sai quy định.

Hiện nay Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới và thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã có các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước đối tác, điều này đang mang lại những cơ hội cho hàng hóa trong nước tăng trưởng về xuất khẩu. Tuy nhiên, với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện khác trong tiếp cận thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm đội lốt xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan trong xuất khẩu sang các thị trường đối tác. Việc này gây tổn hại tới thị trường nội địa, tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người tiêu dùng. Đặc biệt điều này còn gây tổn hại không nhỏ đối với nền kinh tế trong nước, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. Trước thực trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ". Đặc biệt là tập trung đấu tranh những hành động gian lận xuất xứ thương mại và gian lận thương mại nói chung, trong đó là - gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính được giao cho các cơ quan chức năng, các bộ quản lý Nhà nước: Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong đó Bộ Công Thương đã có sự chủ động phối hợp Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan là cơ quan chịu trách nhiệm trong quản lý hoạt động về xuất khẩu hàng hóa để thực hiện Đề án này. Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin với các nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, mỗi người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trước sự mập mờ về xuất xứ nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và hàng hóa sản xuất trong nước./.

Phương Mai

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com