Tiện ích của ví điện tử

04:09, 13/09/2019

Ví điện tử hiện nay đang là một hình thức thanh toán trực tuyến phổ biến với nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Giờ đây, người dùng không chỉ dùng ví điện tử để chi trả cho các hóa đơn trực tuyến, mua sắm trên các trang thương mại điện tử mà còn có thể sử dụng tại các cửa hàng, siêu thị có giao dịch trực tuyến.

Khách hàng thanh toán bằng dịch vụ ví điện tử tại Siêu thị Điện máy Xanh, Khu đô thị Hòa Vượng (thành phố Nam Định).
Khách hàng thanh toán bằng dịch vụ ví điện tử tại Siêu thị Điện máy Xanh, Khu đô thị Hòa Vượng (thành phố Nam Định).

Ví điện tử hay còn gọi là ví số là một tài khoản điện tử thường được tích hợp trong các ứng dụng điện thoại hoặc sử dụng qua website có công dụng như một chiếc ví giúp người dùng đựng tiền từ các tài khoản ngân hàng, có chức năng thanh toán và giao dịch trực tuyến với các trang web điện tử hoặc các loại phí trên internet mà không cần sử dụng đến tiền mặt. Thông thường để sử dụng được các loại ví điện tử, người sử dụng cần có tài khoản ngân hàng đã kích hoạt chức năng ngân hàng điện tử hoặc thẻ tín dụng. Sau khi đăng ký tài khoản tại ví điện tử, người sử dụng sẽ thực hiện lệnh chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của mình vào ví dành để thanh toán cho các giao dịch. Hiện nay, ví điện tử có một số chức năng chính như: thanh toán trực tuyến các loại hóa đơn tiền nước, điện, cước internet, truyền hình cáp, mua vé máy bay, thanh toán vay tiêu dùng… Với ví điện tử, người dùng có thể chuyển tiền qua lại giữa các ví với nhau, chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng hay thẻ quốc tế sang ví điện tử, điều này mang lại rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Không những thế việc sử dụng ví điện tử khá dễ dàng, với các thao tác đơn giản, nhanh chóng. Chị Nguyễn Thị Mến ở phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định) thường xuyên chọn thanh toán hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ qua Mobile Banking và quét mã QR. Những ngày lễ, tết chị thường đến mua sắm tại các trung tâm thương mại và sử dụng trả tiền qua Mobile Banking vì được giảm giá nhiều. Chị thấy hiện trên địa bàn thành phố Nam Định nhiều cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng quét mã QR qua ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng sẽ giảm thêm 10% trên tổng hóa đơn. “Vừa mua được hàng hiệu giá tốt, lại được giảm thêm nhờ thanh toán không dùng tiền mặt, xu hướng tích cực, tiện ích nên tôi thường xuyên sử dụng mỗi khi đi mua sắm ở các trung tâm thương mại” chị Mến cho biết. Hay trường hợp của chị Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban Trắng, phường Hạ Long (thành phố Nam Định) cũng hay sử dụng dịch vụ ví Momo cho công việc mua sắm của bản thân, chị cho biết: “Do tính chất công việc không có thời gian đi mua sắm nên những lúc được nghỉ, tôi lại tranh thủ lên trên mạng tìm hiểu về các sản phẩm mình đang cần mua, rồi đặt hàng qua mạng, thanh toán qua ví điện tử. Chỉ cần ngồi tại nhà bằng những thao tác đơn giản là tôi đã mua được sản phẩm ưng ý như: quần áo, đồ gia dụng, mỹ phẩm...”.

Ngày 1-1-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán điện tử trong dịch vụ công, trong đó yêu cầu UBND cấp tỉnh: “Ban hành kế hoạch thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4, đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ cộng với tiện ích của loại hình ví điện tử đã bùng nổ nhiều dịch vụ thanh toán bằng ví điện tử cho khách hàng lựa chọn như: Momo, Moca, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng nhập cuộc với ứng dụng ví điện tử, ngân hàng số như Sacombank, BIDV, Vietcombank, LienVietPostBank, VPBank… Việc ví điện tử được sử dụng ngày càng phổ biến được xem là một trong những yếu tố góp phần giúp thương mại điện tử phát triển. Bên cạnh đó, sự tiện lợi mà ví điện tử mang lại sẽ góp phần tạo nên thói quen tiêu dùng không sử dụng tiền mặt. Với số lượng người sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng cao, ví điện tử đang có một thị trường tiềm năng rộng lớn để phát triển. Theo các chuyên gia, đây cũng là một xu thế tất yếu trong thanh toán trực tuyến nói riêng cũng như trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ví điện tử đang trở thành công cụ hiệu quả giúp cuộc sống trở nên kết nối và tiện lợi hơn. Song để phát huy được hết những tiện ích, đảm bảo sự an toàn trong giao dịch bằng ví điện tử, người dùng không nên chia sẻ thông tin tài khoản của mình cho người khác, không đăng nhập vào tài khoản bằng wifi công cộng. Bên cạnh đó, không nên dùng chung một tài khoản để thanh toán nhiều dịch vụ khác nhau vì rủi ro để tin tặc tấn công chủ tài khoản sẽ cao hơn. Đối với các thiết bị dùng để sử dụng ví điện tử như điện thoại di động hay máy tính xách tay, người dùng hãy cài đặt phần mềm chống virus. Ngoài ra, cũng như bất kỳ tài khoản nào khác, nên thay đổi mật khẩu ít nhất 3 tháng/lần và đảm bảo mật khẩu có số, có chữ, có những ký tự để tăng độ bảo mật./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com