Tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp

03:09, 06/09/2019

Bán hàng đa cấp là hình thức phân phối hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia tiếp thị gồm nhiều cấp khác nhau, trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng. Người tham gia mạng lưới được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích khác từ kết quả hoạt động tiếp thị bán hàng của mình. Đây là hình thức bán hàng hiện đại, mang lại hiệu quả cao ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên khi vào Việt Nam đã có nhiều biến tướng nhằm trục lợi, thậm chí là lừa đảo những người thiếu kiến thức, ham lợi gây thiệt hại lớn tới đời sống sinh hoạt và kinh tế của người dân, an ninh trật tự trên địa bàn. Để hoạt động kinh doanh theo phương thức này diễn ra đúng quy định, ngăn ngừa biến tướng lừa đảo, Sở Công thương, các ngành chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp siết chặt quản lý về bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Quản lý thị trường huyện Xuân Trường thu giữ sản phẩm không rõ nguồn gốc của các đơn vị bán hàng đa cấp.
Lực lượng Quản lý thị trường huyện Xuân Trường thu giữ sản phẩm không rõ nguồn gốc của các đơn vị bán hàng đa cấp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 công ty được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Những đơn vị này đã gửi hồ sơ thông báo tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp đến Sở Công thương, trong đó có 4 công ty đăng ký 8 địa điểm hoạt động (đại lý), 16 công ty không đăng ký địa điểm hoạt động trên địa bàn. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND tỉnh, các ngành chức năng gồm: Sở Công thương, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tỉnh ta tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, lừa đảo người tiêu dùng của các gian thương núp bóng kinh doanh đa cấp. Qua đó đã phát hiện nhiều sai sót cả về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hóa cung ứng. Tại đại lý kinh doanh hàng đa cấp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy, số 73 Lương Thế Vinh, thị trấn Gôi (Vụ Bản) và cơ sở Hoàng Phi tại số 55, khu phố 3, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) đã cung ứng sản phẩm bếp điện từ, thực phẩm chức năng cho người tiêu dùng theo hình thức kinh doanh đa cấp. Toàn bộ sản phẩm đều vi phạm về nhãn hàng hóa, không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện nguồn gốc xuất xứ, nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm. Sau khi có sự vào cuộc của các ngành chức năng, hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh hiện đã giảm cả về số lượng doanh nghiệp lẫn số người tham gia. Nhiều đơn vị tạm dừng hoạt động để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng nhưng thực tế người bán hàng đa cấp vẫn hoạt động lén lút và chưa thay đổi cả về hình thức, đối tượng thu hút và nhóm sản phẩm hàng hóa: yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng; không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại; cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa nhằm thu hút người khác tham gia. Mặt hàng chủ yếu được kinh doanh là các loại thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng; đối tượng khách hàng chủ yếu nhắm vào là phụ nữ, người già, người bệnh: họ vừa là khách hàng, vừa là thành viên của mạng lưới bán hàng đa cấp. Địa bàn hoạt động chuyển hướng về vùng nông thôn lợi dụng thực trạng người dân thiếu thông tin để phát triển thành viên. Trước tình hình đó, Sở Công thương ban hành văn bản số 493/SCT-QLTM về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp. Trong đó yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc bán hàng đa cấp theo các quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, chương trình đào tạo, danh mục hàng hóa được Bộ Công thương chấp thuận và các quy định của pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ, thông tin về doanh nghiệp, tên và số điện thoại của người liên hệ, kết quả hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương (doanh thu bán hàng đa cấp, thống kê các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia bán hàng đa cấp…). Chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ hoạt động bán hàng của các thành viên trong hệ thống đảm bảo người tham gia thực hiện đúng quy định của pháp luật, nghiêm cấm tình trạng nhà phân phối chạy theo lợi nhuận nói sai sự thật về công dụng sản phẩm, chính sách hoa hồng… lừa dối người tiêu dùng. Đối với các đơn vị ủy quyền cho người đại diện tại địa phương thì người đó phải đảm bảo trách nhiệm có thể đại diện doanh nghiệp làm việc với các cơ quan chức năng khi có các vấn đề liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn, ngoài thông tin về người đại diện tại địa phương, các doanh nghiệp cần cung cấp thêm thông tin liên lạc của người đại diện theo pháp luật hoặc cán bộ, nhân viên (phụ trách pháp chế hoặc kinh doanh) của doanh nghiệp để liên lạc, giải quyết các vấn đề liên quan trong trường hợp cần thiết; đồng thời vận hành hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp, bao gồm điện thoại, email và địa chỉ tiếp nhận. Cung cấp quyền truy cập vào tài khoản quản lý hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động trên địa bàn thực hiện đúng quy định của pháp luật. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể phản ánh kịp thời các dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp và các trường hợp kinh doanh đa cấp trái phép... Lực lượng Công an phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh theo quy định; tập trung công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp; tuyên truyền cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội để nâng cao ý thức cảnh giác của doanh nghiệp, người dân. Cục Thuế tỉnh công khai thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp tại địa bàn. UBND các huyện, thành phố chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp; những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng như trách nhiệm và quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp; tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xác minh, điều tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp...

Để hoạt động kinh doanh đa cấp đúng pháp luật, đi vào nền nếp, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, người dân phải cảnh giác tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến hàng hóa; đặc biệt là chủ động tố giác nếu phát hiện thấy những biểu hiện vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp với chính quyền địa phương, Sở Công thương hoặc cơ quan công an gần nhất./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com