Kỳ vọng ngao xuất khẩu

07:02, 15/02/2018

Với diện tích bờ biển trải dài suốt 72km cùng hàng nghìn ha đất ngập nước ven biển, bãi triều cửa sông nên nghề nuôi ngao ở tỉnh ta phát triển và tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng. Điểm nhấn quan trọng mở ra cơ hội lớn cho nghề nuôi ngao của tỉnh là trong năm 2017, lô hàng 22 tấn ngao đầu tiên của tỉnh ta được xuất khẩu trực tiếp sang I-ta-li-a, một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu. Sau đó sản phẩm ngao Nam Định tiếp tục hành trình sang một số nước châu Âu khác như: Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp với sản lượng khoảng 5.000 tấn mỗi năm và 4,5 triệu lon ngao đóng hộp. Ngao đã khẳng định vị thế đối tượng con nuôi thủy sản chủ lực trên địa bàn tỉnh và là đối tượng nuôi xuất khẩu thứ ba ở Việt Nam, sau tôm sú, cá ba sa.

I. Hành trình đưa ngao ra thị trường thế giới

Nghề nuôi ngao đến với người dân trong tỉnh chậm hơn so với nhiều địa phương trong toàn quốc song lại sớm trở thành vựa ngao lớn nhất nhì cả nước với sản lượng cung ứng ra thị trường mỗi năm khoảng 32 nghìn tấn. Để có thành công này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp: quy hoạch phát triển vùng nuôi ổn định đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển sản xuất; xúc tiến thương mại và kêu gọi đầu tư cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp giám sát chất lượng sản phẩm… Trong câu chuyện với chúng tôi, những “đại thụ” trong nghề nuôi ngao cho biết: khởi thủy nghề nuôi ngao được bắt đầu từ xã Giao Xuân (Giao Thủy) vào năm 1989, giống ngao được khai thác ngoài tự nhiên về vây thả. Ngao được mùa ngay từ vụ nuôi đầu tiên, thị trường tiêu thụ thuận lợi nhưng băn khoăn lớn của người nuôi ngao là nguồn giống khai thác tự nhiên không nhiều và không đồng đều nên rất vất vả trong khâu thu hoạch, phân loại. Người dân vùng nuôi ngao lại cất công đi nơi khác tìm mua giống. Qua bao lần thử nghiệm đưa vào nuôi các loại ngao giống ở Thanh Hóa, Tiền Giang, Bến Tre và cả giống nhập từ Trung Quốc nhưng chỉ có ngao Bến Tre là hợp với bãi triều địa phương. Tuy nhiên chi phí mua giống quá lớn, quá trình vận chuyển xa khiến tỷ lệ ngao giống hao hụt nhiều. Vậy là người nuôi vẫn chưa thể yên tâm khi nhu cầu ngao giống thì tăng và diện tích vùng nuôi ngày càng mở rộng. Tại thời điểm đó, do thiếu con giống, mật độ thả ngao thưa, làm giảm tới 50% sản lượng và năng suất hằng năm. Một quyết tâm chiến lược thôi thúc người nuôi ngao là phải sản xuất được giống ngao để đảm bảo chủ động phát triển nghề nuôi ngao lớn mạnh.

Tiên phong trong sản xuất ngao giống là ông Nguyễn Văn Cửu, hộ nuôi ngao đầu tiên ở Giao Xuân. Năm 2005, ông được Sở KH và CN hỗ trợ tham gia Dự án “Xây dựng mô hình nuôi ngao M.meretrix thương phẩm từ nguồn giống sinh sản nhân tạo tại Nam Định” do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng hải sản (Bộ NN và PTNT) hướng dẫn. Kết thúc dự án, 3,5 triệu con ngao giống M.meretrix đầu tiên được sinh sản nhân tạo thành công ở vùng nuôi Giao Xuân, được đưa vào nuôi thử nghiệm trên 1ha bãi triều, bước đầu cho kết quả khả quan đã cho ông động lực quan trọng để tiếp tục hướng đi. Ông Cửu tiếp tục sang Trung Quốc học nghề và mời các chuyên gia sang sản xuất thử nghiệm tại vùng triều Giao Xuân và chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Cty cũng như các hộ nuôi ngao quanh vùng. Đến năm 2009 nghề sản xuất giống ngao mới thực sự “chính quy”, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh mới làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất với chất lượng con giống tốt hơn hẳn giống nhập từ nơi khác. Không chỉ chủ động được số lượng giống ngao mà người nuôi còn kiểm soát được chất lượng con giống, giảm thiểu chi phí cũng như hao hụt trong quá trình vận chuyển, tạo nền tảng cho nghề nuôi ngao phát triển bền vững. “Đi sau nhưng đến sớm”, từ chỗ phải nhập giống, đến nay toàn tỉnh đã có 104 cơ sở sản xuất ngao giống, cung ứng ra thị trường mỗi năm trên 10 tỷ con ngao giống các loại, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người nuôi trong tỉnh mà còn xuất bán cho người nuôi ở Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, thậm chí xuất ngược sang Trung Quốc.

Phân loại ngao trước khi xuất bán tại khu vực nuôi xã Giao Lạc (Giao Thủy).
Phân loại ngao trước khi xuất bán tại khu vực nuôi xã Giao Lạc (Giao Thủy).

“Đầu xuôi đuôi lọt”. Giải quyết được khâu đầu quan trọng là giống cho sản xuất, tỉnh đã đi tiếp những bước chiến lược cho nghề nuôi ngao bền vững hơn. Đó là chỉ đạo triển khai thiết lập các vùng kiểm soát, giám sát ATVSTP trong thu hoạch ngao theo tiêu chuẩn châu Âu. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã tổ chức triển khai Chương trình giám sát vệ sinh an toàn trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Chương trình được triển khai trình tự, bài bản đến các đối tượng liên quan. Năm 2004, vùng nuôi ngao Giao Thủy được Liên minh châu Âu (EU) công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B, sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Đây là vùng nuôi ngao duy nhất ở miền Bắc đạt và duy trì chất lượng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm từ năm 2004 đến nay. Đến năm 2008, Nam Định được ghi nhận là địa phương xây dựng thành công thương hiệu thủy sản đầu tiên của miền Bắc. Thành công này đã giúp ngao Nam Định tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại toàn quốc và là điều kiện tiên quyết để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư nâng tầm giá trị sản phẩm, đưa con ngao Nam Định ghi danh vào chuỗi danh sách thực phẩm an toàn được ưa chuộng tiêu thụ trên thị trường thế giới. Sản phẩm ngao Nam Định được người tiêu dùng thế giới biết đến, đầu tư cho nghề nuôi ngao được đảm bảo. Đồng thời đây cũng là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm về đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi, xây dựng nhà máy chế biến ngao xuất khẩu mở ra những cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương.

II. Cơ hội phát triển vùng nguyên liệu ngao xuất khẩu

Sau khi tìm hiểu thị trường và vùng nuôi, Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan lựa chọn Nam Định để đầu tư nhà máy chế biến thủy sản bởi đáp ứng những tiêu chí như có vùng nuôi ngao rộng lớn với điều kiện tự nhiên thuận lợi, được EU công nhận là vùng nuôi an toàn thực phẩm cấp độ B. Toàn bộ máy móc, trang thiết bị của nhà máy chế biến đều được nhập từ Hà Lan, công suất thiết kế 300 tấn ngao/ngày, sản phẩm đa dạng từ ngao tươi sống, đến đóng hộp và đông lạnh. Cty đã đầu tư thêm dây chuyền đóng hộp ngao tách vỏ và cấp đông nhanh bằng nitơ lỏng để phục vụ khách hàng các thị trường châu Âu, Nga, Mỹ, Nhật Bản. Toàn bộ cán bộ, công nhân của nhà máy đã được tham gia các lớp đào tạo đảm bảo quy định trong sản xuất, chế biến và ATVSTP. Nguyên liệu được Cty Lenger thu mua từ những vùng nuôi đã được chứng nhận là vùng nuôi an toàn. Ngao sau khi thu hoạch được đưa về nhà máy chế biến trên dây chuyền khép kín từ khâu làm sạch đến ra sản phẩm cuối cùng dựa trên đặc tính tự đào thải của ngao. Tại đây, trong 24 giờ, ngao được làm sạch bởi dòng nước mát lạnh, chảy liên tục để sạch khuẩn, nội tạng, tạp chất; rồi tiếp tục được chuyển sang hệ thống khử khuẩn và khử mặn, làm sạch hoàn toàn và đóng gói.

Sau đó ngao được làm lạnh đột ngột để bắt đầu chế độ ngủ đông khi đưa ra thị trường. Nhờ chế độ bảo quản này cùng với việc đóng trong hộp nhựa PP chuyên dụng, đã giúp ngao sống được nhiều ngày trong tủ lạnh, kho mát ở nhiệt độ 4-8 độ C. Còn ở nhiệt độ 7-8 độ C, có thể bảo quản được từ 14 đến 15 ngày mà chất lượng vẫn tốt (ngao bảo quản thông thường đang bán trên thị trường chỉ sống được 3-4 ngày). Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Cty Thủy sản Lenger Việt Nam cho biết: Sau lô hàng đầu tiên xuất sang I-ta-li-a, Cty sẽ xuất khoảng 10 công-ten-nơ ngao sạch sang thị trường châu Âu. Dự kiến, Cty sẽ xuất sang các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp với sản lượng khoảng 5.000 tấn ngao sạch mỗi năm... Bên cạnh đó, Cty cũng chú trọng xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu hướng đến các thị trường ngoài châu Âu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... Kế hoạch của Cty mở ra một cơ hội lớn cho người nuôi ngao tỉnh ta. Vùng nuôi ngao của tỉnh có diện tích trên 2.000ha, tập trung tại 2 huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng. Chỉ cần tiếp tục đáp ứng các yêu cầu về đảm bảo ATVSTP, sản phẩm ngao nuôi không còn phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc hay tiêu thụ nội địa mà sản phẩm được nâng cao giá trị hơn gấp nhiều lần nhờ xuất khẩu trực tiếp. Bên cạnh xuất khẩu sản phẩm ngao đông lạnh, ngao tách vỏ, Cty Thủy sản Lenger Việt Nam còn có kế hoạch phát triển cơ cấu sản phẩm đa dạng với hơn 10 mặt hàng trong đó có cả ngao ăn liền, ứng dụng công nghệ chế biến các phụ phẩm nước cốt ngao, vỏ ngao làm mỹ phẩm, nước giải khát, thức ăn chăn nuôi… nhằm gia tăng giá trị và hạn chế thải loại ra môi trường. Những bước phát triển mới này mở ra tín hiệu tích cực cho ngành nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản Nam Định và cơ hội lớn cho nghề nuôi ngao trên địa bàn.

Cơ hội lớn song cũng là thách thức không nhỏ đối với chính quyền, ngành quản lý kỹ thuật cũng như người nuôi ngao trên địa bàn tỉnh bởi thị trường yêu cầu rất khắt khe về vấn đề chất lượng, đặc biệt là vấn đề đảm bảo ATVSTP. Bởi lẽ nhiều người nuôi ngao còn chưa ý thức hết được những mối nguy ô nhiễm môi trường nuôi do chính con người gây ra. Để tiếp tục phát triển bền vững nghề nuôi ngao và có thể mở rộng sản xuất các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ tiềm năng khác, các ngành chức năng cần tiếp tục triển khai củng cố, hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các hộ nuôi về quy trình nuôi trồng thủy sản bền vững, quy trình kiểm soát nhuyễn thể, quy chuẩn kỹ thuật VSATTP trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình tại cơ sở, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý vùng nuôi, giám sát thu hoạch và cấp giấy chứng nhận xuất xứ… Tích cực thúc đẩy xây dựng thành công thương hiệu ngao sạch Nam Định vào năm 2020./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com