Tăng cường quản lý giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm

08:01, 24/01/2018

Theo thống kê của Sở NN và PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở giết mổ lợn xuất khẩu là Cty TNHH Công Danh ở CCN An Xá (TP Nam Định) chuyên giết mổ lợn sữa, lợn choai và Cty TNHH Trường Huy, xã Hải Phong (Hải Hậu) chuyên giết mổ lợn sữa. Công tác quản lý giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại 2 cơ sở trên do Cục Thú y (Bộ NN và PTNT) quản lý. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 2.046 điểm giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) nhỏ lẻ tiêu thụ nội địa; trong đó 1.806 điểm giết mổ lợn, 190 điểm giết mổ gia cầm và 50 điểm giết mổ trâu, bò. Công tác quản lý giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các điểm giết mổ nhỏ động vật tiêu thụ trong nước trên địa bàn tỉnh do Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý. Hầu hết các hộ giết mổ nhỏ lẻ thực hiện giết mổ thủ công, không đạt yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP). Ngoài ra, vẫn còn tình trạng giết mổ gia cầm tại chợ, không đảm bảo VSATTP, dễ lây lan mầm bệnh khi có dịch bệnh GSGC xảy ra.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại một cơ sở giết mổ ở xã Nghĩa An (Nam Trực).
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại một cơ sở giết mổ ở xã Nghĩa An (Nam Trực).

Để công tác quản lý giết mổ GSGC trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, ngành NN và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý hoạt động giết mổ GSGC. Tổ chức 12 lớp tập huấn về Luật Thú y và các văn bản liên quan trong lĩnh vực giết mổ GSGC, điều kiện vệ sinh thú y, VSATTP cho trên 600 đối tượng là các hộ giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật, cán bộ thú y cơ sở nhằm nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của các hộ về điều kiện giết mổ (trang thiết bị, dụng cụ, địa điểm giết mổ…); xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường; người tham gia giết mổ phải có giấy khám sức khỏe theo quy định… Trong năm 2017, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các lực lượng chức năng như: Công an, Quản lý thị trường, TN và MT, Y tế và chính quyền các địa phương thành lập đoàn công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giết mổ động vật và điều kiện vệ sinh thú y tại 115 điểm giết mổ GSGC, gồm 75 điểm giết mổ lợn, 14 điểm giết mổ trâu, bò, 26 điểm giết mổ gia cầm. Qua kiểm tra cho thấy, đa phần các khu vực giết mổ tạm bợ, nằm trong khuôn viên sinh hoạt của gia đình và thực hiện giết mổ ngay trên nền sân. Nước, chất thải trong quá trình giết mổ phần lớn không được thu gom để ủ hoặc xử lý theo quy định trước khi xả ra môi trường. Không thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực giết mổ và dụng cụ trước, sau khi giết mổ. Phần lớn người trực tiếp tham gia giết mổ chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ, chưa được tập huấn kiến thức ATTP. Một số huyện như Hải Hậu, Trực Ninh còn tập quán giết mổ ngay tại hộ chăn nuôi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, chất lượng VSATTP, sức khỏe con người và an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Trên toàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra, thẩm định cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y cho 55 điểm giết mổ GSGC; các điểm giết mổ này chủ yếu cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý giết mổ GSGC nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện lực lượng thú y mới chỉ kiểm tra, kiểm soát được điều kiện cơ sở giết mổ mà chưa thực hiện được công tác quản lý giết mổ. Việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hiện được thực hiện theo quy trình 3 bước. Tại các cơ sở giết mổ tập trung và nhỏ lẻ, nhân viên thú y địa bàn sẽ kiểm tra GSGC sống trước khi được đưa vào cơ sở giết mổ. Sau khi giết mổ, nhân viên thú y kiểm tra phụ tạng, nếu đảm bảo sẽ đóng dấu kiểm dịch; đồng thời, tiến hành phúc kiểm tại các chợ. Tuy nhiên, với số lượng điểm giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều và phân bố rải rác khắp các khu dân cư, đặc biệt là ở khu vực ven đô và vùng nông thôn; trong khi đó, lực lượng thú y cơ sở lại quá mỏng, chưa được đào tạo chuyên môn về kiểm soát giết mổ; thời gian giết mổ bắt đầu vào lúc nửa đêm và kết thúc vào buổi sáng sớm nên rất khó khăn đảm bảo quản lý, giám sát hết hoạt động giết mổ. Bên cạnh đó, do thói quen, tập quán sinh hoạt và ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của người sản xuất, người tiêu dùng, đặc biệt là người giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật còn hạn chế. UBND các cấp chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý giết mổ GSGC. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý giết mổ GSGC chưa chặt chẽ. Với mục tiêu từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ và hình thành cơ sở giết mổ GSGC tập trung nhằm tăng cường quản lý Nhà nước kiểm soát hoạt động giết mổ GSGC, cung cấp sản phẩm động vật ATVSTP cho tiêu dùng; góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm chăn nuôi của Nam Định trên thị trường, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh cho GSGC; từ năm 2015, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch giết mổ GSGC tập trung của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng số cơ sở giết mổ tập trung là 28 cơ sở. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có Cty CP Đầu tư và thương mại Biển Đông đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ lợn tập trung loại I tại xã Hải Nam (Hải Hậu), công suất giết mổ 200 con/giờ, hiện tại đã lắp đặt xong khoảng 90% dây chuyền giết mổ. Ngoài ra, Cty CP Minh Long giết mổ tập trung thành chuỗi, tự phân phối sản phẩm cho cửa hàng của Cty nhưng số lượng chưa nhiều. Có thể thấy, việc triển khai thực hiện Quyết định 72 còn rất chậm do các địa phương chưa quyết tâm, các doanh nghiệp cũng chưa “mặn mà” đầu tư vào giết mổ do tỉnh cũng chưa có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể.

Hiện nay, các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ thông qua chủ yếu tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Một lượng lớn sản phẩm chăn nuôi được vận chuyển thủ công sang các tỉnh lân cận Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương để tiêu thụ… Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 167 chợ các loại, mỗi chợ có từ 10-40 quầy bán thịt lợn, 5-10 hộ buôn bán thịt gia cầm. Việc buôn bán sản phẩm GSGC ở các chợ hầu hết ít khi qua kiểm dịch hàng hóa trước khi bán. Tại chợ, các quầy bán nhìn chung chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định, quầy sạp bán thịt chủ yếu làm bằng gỗ, chỉ một số ít được làm bằng thép không rỉ; các điểm bán trong chợ phần lớn chưa được quy hoạch gọn theo khu vực. Ngoài ra tại nông thôn cũng còn nhiều trường hợp buôn bán sản phẩm động vật tại các khu vực đông dân cư, ven đường (chợ chiều). Việc vận chuyển thịt GSGC bằng phương tiện thô sơ, không được bao gói, không đảm bảo VSATTP trong nhiều năm qua tại các huyện, thành phố đã gây khó khăn cho công tác quản lý, bức xúc trong dư luận xã hội và mất mỹ quan đô thị. Đối với GSGC sống, vì là buôn bán tự phát và nhỏ lẻ nên việc vận chuyển GSGC thường rất tùy tiện, các phương tiện vận chuyển đều không được thiết kế cấu trúc đảm bảo vệ sinh an toàn cho gia súc, gia cầm; ngăn chặn chất thải động vật rơi vãi trên đường vận chuyển, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dễ dàng làm phát tán và lây truyền mầm bệnh ra môi trường xung quanh.

Trước thực tế trên, để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc giết mổ, kinh doanh GSGC, tỉnh cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung. Có biện pháp hữu hiệu tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ, kinh doanh GSGC tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ, chợ dân sinh, chợ cóc. Đặc biệt chính quyền cấp xã cần phải tăng cường trách nhiệm chỉ đạo lực lượng thú y xã, trưởng thôn, trưởng xóm kiên quyết xử lý theo chức năng luật định đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh GSGC mất vệ sinh thú y, VSATTP. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen trong việc sử dụng GSGC giết mổ không đảm bảo VSATTP tại các chợ, các điểm giết mổ GSGC nhỏ lẻ./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com