Xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá

07:12, 28/12/2017

Theo báo cáo của Sở Công thương, tháng 11-2017, kim ngạch xuất khẩu tỉnh ta ước đạt 126,6 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 1,243 tỷ USD, tăng 26,9% so cùng kỳ, vượt 4% kế hoạch năm. Trong đó, khối doanh nghiệp địa phương đạt 541,6 triệu USD, tăng 26,4%. Các mặt hàng chủ yếu có tăng trưởng so với cùng kỳ là dệt may tăng 26,5%; chế biến gỗ tăng 38,7%...

Sản xuất các loại khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định).
Sản xuất các loại khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định).

Toàn tỉnh hiện có trên 140 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu thuộc nhiều thành phần kinh tế và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá theo hình thức ký gửi, ủy thác sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN… Có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch 10 triệu USD trở lên. Hàng hóa xuất khẩu đa dạng, phong phú, tập trung ở 6 ngành hàng chủ yếu là nông sản, lâm sản, may mặc, thủ công mỹ nghệ và cơ khí chế tạo. Những tháng đầu năm 2017, tình hình sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ta gặp nhiều khó khăn do các biến động chính trị lớn trên thế giới khiến nhiều doanh nghiệp không ký kết được hợp đồng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành nghề chủ lực, có thế mạnh của tỉnh ta gặp rất nhiều khó khăn. Nhằm duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đã chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp, liên tục đổi mới công nghệ sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế (các bộ tiêu chuẩn của ISO; hệ thống phân tích các nguy cơ và kiểm soát các điểm trọng yếu trong lĩnh vực nông sản HACCP, quy chế hoàn thành sản xuất tốt trong lĩnh vực dược và thực phẩm GMP...) trong quản lý doanh nghiệp, tổ chức sản xuất nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu. Bên cạnh sự năng động nhạy bén của các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thì tác động quan trọng làm nên đột biến giá trị xuất khẩu tăng là sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của tỉnh, các ban, ngành chức năng trong công tác dự báo về thị trường hàng hóa xuất khẩu, tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp dệt may, lĩnh vực xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã tập trung phát triển chuyên sâu một số dòng sản phẩm có thế mạnh tạo dựng được uy tín thương hiệu như Cty CP May Nam Hà; Cty CP Thời trang Thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy; Cty CP May Sông Hồng; Cty CP Dệt may Sơn Nam; Cty CP Thúy Đạt; Cty CP Nam Tiệp... Đặc biệt, trong năm 2017 Cty CP May Sông Hồng được Tổng cục Hải quan đưa vào danh sách doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan tạo cho Cty rất nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị thương hiệu. Không chỉ các doanh nghiệp dệt may, khối các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: chế biến gỗ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu; sản xuất thuốc và hóa dược... cũng không ngừng nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh để giữ vững tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Cty Thủy sản Lenger Việt Nam đã xuất khẩu trực tiếp lô hàng đầu tiên 22 tấn ngao sạch sang I-ta-li-a và khoảng 10 công-ten-nơ ngao sạch sang thị trường châu Âu. Dự kiến, Cty sẽ tiếp tục triển khai các đơn hàng xuất sang các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp với sản lượng khoảng 5.000 tấn ngao sạch, 4,5 triệu lon ngao đóng hộp mỗi năm. Bên cạnh đó, Cty cũng chú trọng xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu hướng đến các thị trường ngoài châu Âu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...  Để có được các hợp đồng xuất khẩu trực tiếp, Cty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu; toàn bộ máy móc, trang thiết bị đều được nhập trực tiếp từ Hà Lan, có công suất thiết kế lên tới 300 tấn ngao/ngày, cho ra nhiều sản phẩm đa dạng từ ngao tươi sống, đến các sản phẩm ngao chế biến sâu. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng chuyển dần từ gia công theo đơn đặt hàng sang chủ động thiết kế sáng tạo mẫu sản phẩm mới để chào bán. Thành công ở hướng đi này, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ đạt giá trị gia tăng cao, chủ động được kế hoạch sản xuất, nguyên liệu, kỹ thuật mà còn thu hút được nhiều bạn hàng ở các thị trường khác quan tâm tìm hiểu, hợp tác. Cty TNHH Nam Hải (Ý Yên) đã nghiên cứu và áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến trong việc ngâm ủ xử lý nguyên liệu tre nứa trong các bể chứa có sử dụng phụ gia để rút ngắn thời gian ở khâu này xuống còn từ 7-10 ngày. Cty còn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà xưởng rộng trên 2.000m2 được trang bị các loại máy móc hiện đại như: máy sấy, máy phun sơn, máy chà giấy ráp, cải thiện môi trường làm việc bảo vệ sức khỏe công nhân. Nhà xưởng được bố trí hệ thống quạt hút công suất lớn để hút bụi, riêng khu vực chà giấy ráp gồm 15 máy được thiết kế 15 quạt hút, hầu hết lượng bụi trong quá trình sản xuất được gom vào đường ống dẫn xuống bể chứa có thể tích trên 100m3. Khu vực buồng sơn được bố trí hệ thống “tường nước” để hút bụi sơn, lắng đọng và xử lý bằng hóa chất chuyên dụng trước khi thải. Năm 2017, ước tính doanh thu của Cty đạt khoảng 70 tỷ đồng, tạo việc làm cho 100 lao động tập trung và trên 100 hộ (2-3 lao động/hộ) nhận gia công sản phẩm tại nhà. Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Sơn (Vụ Bản) chuyên sản xuất các loại hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre, nứa chắp; sơn mài (sơn son, thếp vàng các loại tượng, đồ thờ) đang thu hút 70 lao động tập trung với mức thu nhập khoảng 3-3,5 triệu đồng người/tháng. Mỗi tháng, doanh nghiệp sản xuất được khoảng 45-50 nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa chắp và trên 20 nghìn sản phẩm khay, hộp, sọt nhựa khung sắt xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản...

Với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp xuất khẩu, dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của toàn tỉnh sẽ đạt 1 tỷ 360 triệu USD, tăng 23,7% so với năm 2016. Dự báo năm 2018 tiếp tục là một năm nhiều thách thức song cũng đầy cơ hội cho hoạt động xuất khẩu khi quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại kết thúc với các kết quả khả quan. Với nền tảng kết quả đã đạt được và kinh nghiệm rút ra, kết hợp sự định hướng chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các doanh nghiệp tỉnh ta có thể lạc quan về mục tiêu giữ vững mức độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com