Đẩy mạnh liên kết, hợp tác tiêu thụ hàng hóa

08:11, 23/11/2017

 

Khởi động từ năm 2013, đến nay chương trình phối hợp xúc tiến thương mại và liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp giữa tỉnh ta với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng đã có nhiều khởi sắc với hàng loạt hợp đồng tiêu thụ hàng hóa được ký kết. Tỉnh ta được đánh giá là “vùng hậu cần” cung cấp khối lượng hàng hóa lớn cho thị trường Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong khu vực.

Khách hàng tham quan không gian trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Nam Định năm 2017.
Khách hàng tham quan không gian trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Nam Định năm 2017.

 

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, người dân cần cù chịu khó, tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất hàng hóa với những sản phẩm đặc trưng ở cả lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: hàng dệt may, sản phẩm cơ khí, đồ gỗ nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ các chất liệu, nhóm hàng thực phẩm chế biến và các sản phẩm thuốc, hóa dược, dược liệu đã được thị trường tín nhiệm. Bên cạnh đó, tỉnh ta hiện có trên 100 làng nghề và làng có nghề, chủ yếu là các nghề mây tre đan mỹ nghệ, chế biến nông sản, thực phẩm; đúc đồng… Nhóm mặt hàng nông sản với sản lượng khoảng 129,2 nghìn tấn thủy sản nuôi trồng và đánh bắt mỗi năm; 145 nghìn tấn thịt lợn hơi; trên 10 nghìn tấn thịt gia cầm cùng 924 nghìn tấn lúa chất lượng cao… Nhiều sản phẩm mang thương hiệu địa phương đặc trưng như gạo tám xoan, nước mắm, ngao, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá bống bớp, muối sạch… Bên cạnh đó, tỉnh ta đã xây dựng được các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản trong cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cũng như các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch trên thị trường cả nội địa và xuất khẩu. Hiện toàn tỉnh đã có 11 địa chỉ được Bộ NN và PTNT công nhận cung ứng nông sản an toàn; 7 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) công nhận chứng nhận tập thể và 280 cơ sở sản xuất nông sản, thủy sản được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Thực hiện chương trình hợp tác cung cấp thực phẩm sạch giữa tỉnh ta và các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng, công tác xúc tiến thương mại đã được tỉnh ta quan tâm và tích cực triển khai. Động thái rõ nét nhất là tỉnh đã tổ chức cho các doanh nghiệp thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, giới thiệu năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm… thông qua các hội chợ thương mại; hội chợ “chuyên đề” nông sản sạch; hội nghị giao thương, kết nối cung cầu và tổ chức cho các doanh nghiệp tham quan trực tiếp các cơ sở sản xuất nông sản, hàng CN-TTCN uy tín của tỉnh để mở rộng giao thương. Qua đó, các doanh nghiệp của tỉnh ta nắm bắt được thông tin thị trường, nhu cầu cung ứng về cả số lượng, chất lượng và chủng loại hàng hóa cũng như nhiều thông tin bổ ích về chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển sản xuất, thông tin thị trường sản phẩm nông nghiệp và giá cả một số mặt hàng vật tư nông nghiệp. Tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Nam Định năm 2017, 12 doanh nghiệp trong tỉnh đã ký kết hợp đồng nguyên tắc, hợp tác kinh doanh, hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ hàng hóa trong khu vực với các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh ta như: gạo sạch Toản Xuân (Ý Yên), rau sạch Ngọc Anh (Trực Ninh), thịt chế biến của Cty TNHH một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (TP Nam Định); muối nhạt của Cty CP Chế biến muối Nam Định; nông sản sấy khô Minh Dương (TP Nam Định); hàng thủy hải sản của Cty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương (Giao Thủy)… Đồng chí Đinh Trương Vịnh, Giám đốc Cty TNHH một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành (TP Nam Định) cho biết: Sản phẩm mang thương hiệu thực phẩm sạch Minh Long của chúng tôi gồm có sản phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt lợn mảnh và lợn sữa đã được khách hàng trong khu vực quan tâm qua các kỳ hội chợ, xúc tiến thương mại trong khu vực do Sở Công thương hỗ trợ. Ngay tại hội nghị, kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Nam Định năm 2017, nhiều doanh nghiệp của Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh đã đến tham quan khu nhà xưởng sản xuất của Cty và ký cam kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay sản phẩm của Cty đã phủ khắp thị trường khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây là điều kiện tốt để chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường. Những kết quả khả quan trên đã cho thấy những nỗ lực thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của tỉnh ta là đúng hướng, có trọng điểm. Tuy nhiên qua theo dõi của ngành chức năng thì mặt hàng được kết nối tiêu thụ nhiều nhất vẫn là nông, thủy sản; sản phẩm CN-TTCN còn ít. Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng. Thực tế là mặc dù có điều kiện phát triển sản xuất nông sản sạch nhưng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh còn chưa đa dạng, sản lượng hằng năm, hằng vụ còn khiêm tốn và thấp so với tiềm năng. Thêm vào đó là sự liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, số lượng sản phẩm lớn với độ đồng đều cao để đưa vào siêu thị, bếp ăn tập thể… nên sự liên kết giữa người sản xuất, cung ứng và các doanh nghiệp thu mua thường bị gián đoạn.

Thúc đẩy liên kết tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh là hoạt động thiết thực góp phần phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước, vấn đề đặc biệt quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp nội đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập ngay trên “sân nhà”. Để tăng cường hợp tác tiêu thụ hàng hóa giữa tỉnh ta với các tỉnh, thành phố trong khu vực, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp của tỉnh vẫn rất cần các giải pháp hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; kỹ năng khi tổ chức đưa hàng hóa đi tham gia hội chợ thương mại cũng như kinh nghiệm phát triển mối quan hệ hợp tác liên kết, đầu tư sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối sản phẩm của các tỉnh, thành phố trong khu vực./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com