Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm

07:09, 28/09/2017

Trước thực trạng kinh doanh thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường cùng Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm vi phạm về xuất xứ hàng hóa sản phẩm nhằm ổn định thị trường nhóm hàng hóa thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xuất xứ hàng hóa tiêu dùng bán tại một cửa hàng ăn uống trên địa bàn Thành phố Nam Định.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra xuất xứ hàng hóa tiêu dùng bán tại một cửa hàng ăn uống trên địa bàn Thành phố Nam Định.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho phép người tiêu dùng, các cơ quan chức năng thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm hàng hóa từ việc xác định thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu đến rà soát từng công đoạn trong quá trình chế biến, phân phối sản phẩm. Qua việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng biết được sản phẩm mình quan tâm có đảm bảo sự tin cậy hay không và kịp thời xử lý khi có sự cố ATTP xảy ra. Theo quy định của pháp luật, bất cứ sản phẩm hàng hóa nào được lưu thông, tiêu dùng trên thị trường đều phải có đầy đủ tem nhãn hàng hóa; thông tin về sản phẩm để có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, trên thực tế việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm không được tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đầu mối cung ứng thực phẩm thực hiện nghiêm túc gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng. Thực hiện chức năng quản lý hoạt động thương mại, kiểm soát thị trường, Sở Công thương đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố, Chi cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp với ban quản lý các chợ tổ chức tuyên truyền các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATTP; tổ chức ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh về chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATTP không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo ATTP… Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (Công thương, Y tế, Công an) để kiểm tra việc thực hiện minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong cả khâu sản xuất, lưu thông và tại các điểm kinh doanh cố định trên phạm vi toàn tỉnh. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ATTP được Chi cục Quản lý thị trường triển khai thường xuyên cả trong khâu lưu thông để ngăn chặn, xử lý các hoạt động vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo chất lượng tại các cơ sở, hộ kinh doanh thực phẩm cố định trong và ngoài chợ trên địa bàn. Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra độc lập; phối hợp liên ngành kiểm tra 4 cơ sở sản xuất rượu, 15 nhà hàng kinh doanh rượu trên địa bàn các huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Ý Yên và hầu hết đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Trong đó đã xử lý 247 vụ vi phạm với số tiền phạt vi phạm hành chính là 316 triệu đồng, tịch thu hàng hóa có giá trị là 152,7 triệu đồng... Hàng hóa vi phạm gồm: mỳ chính, hạt nêm, rượu, bánh kẹo, nguyên liệu sản xuất bánh kẹo các loại, ngũ cốc… Đặc biệt đã phát hiện tịch thu, tiêu hủy một số thực phẩm không hợp pháp như vụ vận chuyển 1.120kg mỡ lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ tại huyện Trực Ninh; 100kg xương động vật nhập khẩu không có thủ tục hợp pháp, không đảm bảo điều kiện bảo quản trong quá trình lưu thông trên địa bàn huyện Ý Yên; 720 lít rượu hoa quả ngâm các loại không thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm... Ngay trong dịp cao điểm trước Tết Trung thu 2017, lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp với Cảnh sát giao thông phát hiện gần 5 tấn mứt dừa, mứt bí đang được vận chuyển trên đường không đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP và không truy xuất được nguồn gốc thực phẩm. Với số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ này nếu vận chuyển trót lọt và đưa ra lưu thông sẽ trở thành mối nguy lớn cho thị trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Để tiếp tục siết chặt kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, các đơn vị trực thuộc Sở Công thương chủ động phối hợp với các ngành Y tế, NN và PTNT tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện đầy đủ, sâu rộng các quy định của Nhà nước về ATVSTP đến các cơ quan quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn nắm được và tự giác thực hiện, tố cáo hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thành phố và Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng mở đợt cao điểm kiểm tra chuyên đề về VSATTP trên địa bàn tập trung vào: kiểm tra chất lượng VSATTP, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là đối với các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm sạch. Quản lý chặt chẽ các vật tư, nguyên liệu, phụ gia liên quan đến ATTP. Đối với mặt hàng rau, củ, quả… có dán tem, yêu cầu kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, tránh tình trạng dán tem nhãn giả không đúng quy định để đánh lừa người tiêu dùng. Xử lý nghiêm có tính răn đe các hành vi vi phạm và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, tẩy chay không mua bán hàng hóa ở những cơ sở này. Bên cạnh công tác kiểm soát việc thực hiện minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các phòng chức năng của Sở Công thương như: Phòng Kỹ thuật An toàn môi trường, Phòng Quản lý thương mại tổ chức các lớp tập huấn kiến thức và các quy định của Nhà nước về ATTP, hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. UBND các huyện, Thành phố Nam Định, Sở NN và PTNT, Sở Y tế tổ chức tập huấn kiến thức về ATTP cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm nông sản, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, đồng thời thường xuyên đánh giá, kiểm tra các điều kiện kinh doanh và hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh thực phẩm nông sản sạch chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Sở NN và PTNT đã hướng dẫn các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sạch; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định nhằm quản lý chất lượng VSATTP, tạo khối lượng lớn thực phẩm sạch an toàn cung ứng cho người tiêu dùng. Kiểm tra, đánh giá, xếp loại đối với 100% số cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch đang hoạt động. Đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch chủ động giám sát chất lượng sản phẩm kinh doanh thông qua truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập về. Phấn đấu trong thời gian tới sẽ mở rộng việc kiểm soát truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ dân sinh.

Với sự nỗ lực của các ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, chất lượng thị trường thực phẩm tin rằng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, thì mỗi người dân cũng phải nâng cao kiến thức tiêu dùng, tuyệt đối không lựa chọn sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe của gia đình mình và tố cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện những biểu hiện vi phạm pháp luật về việc không minh bạch nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với cơ quan chức năng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com