Đẩy mạnh thực thi quyền sở hữu trí tuệ để hội nhập kinh tế quốc tế

08:05, 14/05/2016

Bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ là công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập quốc tế, thì việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là yếu tố chủ lực quyết định sự thành bại trong kinh doanh. Tuy nhiên công tác này hiện mới chỉ được quan tâm từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước mà chưa được cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh quan tâm đúng mức.

Doanh nghiệp thờ ơ

Trên địa bàn tỉnh ta có hơn 5.000 doanh nghiệp, trên 100 làng nghề truyền thống, tương ứng với con số đó là hàng chục nghìn thương hiệu, sản phẩm hàng hóa cần được đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, theo Sở KH và CN, đến nay toàn tỉnh mới có 1.909 đơn đăng ký xác lập quyền SHTT. Trong đó có 1.205 đơn đăng ký hợp lệ đã được cấp văn bằng chứng nhận quyền SHTT. Tỉnh ta xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về số lượng đơn và văn bằng SHTT. Tuy nhiên số văn bằng SHTT được cấp đa phần thuộc về các doanh nghiệp tư nhân, rất ít doanh nghiệp Nhà nước tham gia. Hầu hết các doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của đăng ký bảo hộ cũng như là bảo vệ quyền SHTT của mình. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn không phân biệt được sự khác biệt giữa một nhãn hiệu với bản quyền kiểu dáng nên không biết áp dụng như thế nào cho đúng. Trong khi số lượng doanh nghiệp và sản phẩm địa phương chưa đăng ký xác lập quyền SHTT thì trong quá trình triển khai các chương trình hỗ trợ xác lập quyền SHTT, cơ quan quản lý Nhà nước lại rất khó khăn trong tìm doanh nghiệp thực hiện chương trình. Đây là một thực tế ngược quy trình bởi lẽ ra doanh nghiệp phải chủ động tìm đến các cơ quan Nhà nước để tìm hiểu chương trình hỗ trợ và nhận hỗ trợ. Việc thờ ơ, lơ là với vấn đề SHTT đã dẫn đến hậu quả là nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã vi phạm SHTT mà không biết. Tình trạng quyền SHTT bị xâm phạm ngày càng phức tạp; trên thị trường hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… được bày bán công khai ở mọi nơi. Gánh chịu thiệt hại trước hết là người tiêu dùng, các cá nhân, doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả. Chi phí để lấy lại các nhãn hiệu này là rất tốn kém; hay khi có sản phẩm nhái xuất hiện, quyền lợi của doanh nghiệp sẽ không được bảo đảm, người tiêu dùng biết có hàng nhái, giả sẽ quay lưng với thương hiệu... gây mất mát quá lớn cho doanh nghiệp.

Cán bộ Trung tâm phát triển nông thôn Việt hướng dẫn các hộ dân làng nghề La Xuyên (Ý Yên) quy trình xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đồ gỗ La Xuyên.
Cán bộ Trung tâm phát triển nông thôn Việt hướng dẫn các hộ dân làng nghề La Xuyên (Ý Yên) quy trình xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đồ gỗ La Xuyên.

Sự  nỗ lực vào cuộc của các cơ quan chức năng

Để kịp thời khắc phục yếu điểm trong việc xác lập và thực thi quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, Sở KH và CN đã triển khai “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015” nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các tổ chức về xác lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ để các tổ chức, cá nhân chủ động xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ thông qua việc hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức của tỉnh có sản phẩm tiềm năng. Chương trình được triển khai bài bản chặt chẽ với 5 nội dung chính gồm: Tuyên truyền, đào tạo về SHTT và hỗ trợ quản lý hoạt động SHTT;  Hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ khai thác và áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác thông tin khoa học công nghệ và SHTT phục vụ nghiên cứu, triển khai, sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền SHTT, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép các đối tượng SHTT. Sở KH và CN đã tập trung khảo sát thực trạng thực thi SHTT trên địa bàn, thu thập thông tin về nhu cầu và nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về SHTT để làm căn cứ triển khai các hoạt động hỗ trợ tư vấn, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp, đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố xác định thông tin về sản phẩm truyền thống của địa phương làm cơ sở xây dựng và đề xuất hỗ trợ phát triển thành sản phẩm chủ lực có giá trị cạnh tranh cao. Qua 5 năm, toàn tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về SHTT cho hơn 700 lượt cán bộ các tổ chức hiệp hội, hội, đoàn thể, cơ quan thực thi, sở, ngành có liên quan và 330 doanh nghiệp trên địa bàn; biên soạn 3.000 cuốn sổ tay hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và sáng chế; 1.000 cuốn đăng bạ nhãn hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, chương trình SHTT đã xây dựng thành công phần mềm cơ sở dữ liệu và khai thác thông tin KHCN và SHTT phục vụ quản lý, nghiên cứu và phát triển tài sản trí tuệ. Đây là cơ sở quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, chủ động đề xuất hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển cho 2 nhãn hiệu tập thể (nước mắm Giao Châu, cá bống bớp Nghĩa Hưng), 1 nhãn hiệu chứng nhận (đồ gỗ La Xuyên); đăng ký bản quyền cho 5 chương trình phần mềm; 20 lượt tổ chức, doanh nghiệp tham dự hội chợ nhằm khuyến khích phát triển tài sản trí tuệ, quảng bá thương hiệu, giới thiệu quy trình, sản phẩm công nghệ góp phần nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa; đăng ký bảo hộ 100 nhãn hiệu, 10 kiểu dáng công nghiệp, 3 sáng chế cho các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương. Hầu hết các sản phẩm khi được hỗ trợ bảo hộ đã gia tăng đáng kể giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân và lợi thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh. Huy động được gần 6,1 tỷ đồng thực hiện Chương trình. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ 892 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 4.287 triệu đồng, kinh phí đối ứng 2.591 triệu đồng.

Cùng với tuyên truyền, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ còn tiến hành các hoạt động hỗ trợ bảo vệ quyền SHTT nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm và sử dụng trái phép quyền SHTT. Sở KH và CN đã phối hợp với Sở Công thương, Công an tỉnh thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước trong việc chống hàng giả, hàng nhái, chống sử dụng trái phép các quyền SHTT tại 25 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra, kiểm tra, đoàn công tác đã chỉ ra những vi phạm trong việc thực thi quyền SHTT và những sơ hở của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện bảo vệ quyền SHTT cho sản phẩm của mình, đồng thời khuyến cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về thực trạng thực thi quyền SHTT tại các doanh nghiệp, làm căn cứ xác định nhiệm vụ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong thời gian tới.

Giai đoạn 2016-2022, Sở KH và CN tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về SHTT, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về SHTT theo các Điều ước, Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: mở rộng đào tạo, tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT đến các đối tượng như: các hội viên, giáo viên và sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức cá nhân, đồng thời bảo vệ những sản phẩm truyền thống của tỉnh. Xây dựng một số thương hiệu mạnh của Nam Định, giữ gìn và duy trì phát triển các đặc sản có tính chất vùng miền. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, thương mại hóa các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao đã được bảo hộ SHTT. Quảng bá và giới thiệu sản phẩm, thiết lập kênh tiêu thụ cho các sản phẩm đã xác lập quyền SHTT ở trong nước và quốc tế. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế cho một số sản phẩm có sản lượng xuất khẩu cao tại một số nước ASEAN. Hỗ trợ triển khai các chương trình thực thi quyền SHTT. Đảm bảo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, công tác phối hợp khi Hiệp định TPP có hiệu lực và hỗ trợ khai thác thông tin sáng chế, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng tầm hình ảnh của tỉnh trong thời kỳ hội nhập./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com