Khát vọng bình minh bên bờ Biển Đông

07:02, 07/02/2021

Trước nhu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, với mục tiêu đưa Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã khẳng định: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực, là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh; sớm hình thành đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng thành trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang lớn của miền Bắc nước ta.

Mô hình khu đô thị Rạng Đông.
Mô hình khu đô thị Rạng Đông.

I. Tiềm năng vùng đất hai cửa sông

Khu vực bãi bồi phía nam huyện Nghĩa Hưng được đánh giá là vùng tiềm năng quý giá của tỉnh có khả năng phát triển các ngành kinh tế gắn với nguồn lợi từ biển như: du lịch sinh thái biển, nuôi trồng thủy hải sản, du lịch sinh thái rừng ngập mặn… Khu vực này có đường bờ biển dài 15,6km, kéo dài từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy, được bồi tụ lâu dài bằng phù sa của 2 phụ lưu sông Hồng là sông Đáy và sông Ninh Cơ. Trong 4-5 thập kỷ qua, vùng bãi bồi phía nam huyện Nghĩa Hưng có diễn biến lấn biển ngày càng nhanh và bền vững; những năm vừa qua, phía sông Đáy lấn ra biển được khoảng 9km, toàn đất thịt nặng phù sa; phía sông Ninh Cơ bồi được khoảng 4km đất cát. Nhờ đó khu vực này đã được mở rộng hàng nghìn ha đất sử dụng tốt và ổn định cho sản xuất và đời sống. Khu vực có vị trí thuận lợi được tiếp cận từ nhiều hướng như: Quốc lộ 21, tỉnh lộ 490C, tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; có hệ thống cảng sông Ninh Cơ; cách thành phố Nam Định - trung tâm công nghiệp của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và của tỉnh khoảng 45km, cách  thành phố Hải Phòng khoảng 60km, cách thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) khoảng 80km theo đường biển; gần tuyến đường bộ ven biển và cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng - Quảng Ninh dự kiến. Vùng bãi bồi phía nam huyện Nghĩa Hưng được hội tụ đầy đủ các điều kiện để hình thành và phát triển một khu chức năng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, có các trọng tâm và chuyên sâu về công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; gắn kết phát triển với các đô thị lớn trong cực tăng trưởng phía nam tỉnh là Thịnh Long và Rạng Đông. Về công nghiệp, có thể phát triển dịch vụ trên trục kinh tế Hải Phòng - Hạ Long, Móng Cái, đặc biệt là các ngành công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, du lịch ở Hải Phòng và Hạ Long. Hợp tác phát triển công nghiệp đóng tàu, chế biển thủy hải sản, nông sản, văn hóa, giáo dục và đào tạo, dịch vụ, du lịch với các đô thị và ven biển đang phát triển (Diêm Điền, Tiền Hải của tỉnh Thái Bình; Thịnh Long của tỉnh Nam Định và Phát Diệm của tỉnh Ninh Bình), các đô thị mới ở khu vực có tiềm năng phát triển (Hùng Thắng, Ngô Đồng, Quất Lâm, Cồn, Rạng Đông) gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Thủy và Rừng quốc gia Cúc Phương, khu Tràng An của tỉnh Ninh Bình. Hợp tác và nhận được sự phát triển lan tỏa từ các đô thị trung tâm tỉnh trên trục không gian Quốc lộ 10, trục không gian tuyến đường bộ ven biển vùng Duyên hải Bắc Bộ, trục không gian Đông Tây nối vùng châu thổ sông Hồng và vùng Thủ đô Hà Nội, hành lang Đường Hồ Chí Minh.

Đổi thay vùng ven biển Nghĩa Hưng. Ảnh: Việt Thắng

Đổi thay vùng ven biển Nghĩa Hưng.

Ảnh: Việt Thắng

II. Đánh thức tiềm năng vùng đất mới

Theo Quyết định số 1060/QĐ-UBND được UBND tỉnh phê duyệt, Khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông bao gồm toàn bộ khu vực quy hoạch Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông giai đoạn II và mở rộng đến hết vùng bãi bồi phía nam huyện Nghĩa Hưng; có quy mô diện tích khoảng 4.896ha (trong đó diện tích đất liền khoảng 3.714ha và diện tích quy hoạch khai thác mặt nước biển khoảng 1.182ha). Hiện tại, trong Khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông đã hoàn thành một số dự án như Khu du lịch sinh thái biển Rạng Đông và đê biển Nghĩa Hưng. Khu du lịch Rạng Đông nằm trải dài theo bãi bồi của xã Phúc Thắng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng. Hiện nay khu du lịch đã được xây dựng xong hệ thống hạ tầng khung và đã được khai thác; mỗi năm lượng khách du lịch tìm về ngày một nhiều. Hệ thống đê biển Nghĩa Hưng có vai trò chống biển xâm thực, chặn sóng, đảm bảo an toàn cho thuyền bè và người dân sinh sống khu vực ven biển. Để đánh thức tiềm năng vùng bãi bồi Rạng Đông, hàng loạt quy hoạch, dự án đầu tư tại khu vực này đã được phê duyệt và triển khai như đô thị Rạng Đông, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (giai đoạn I); tuyến đường bộ ven biển và cầu vượt sông Đáy liên kết khu vực với hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị của các Quốc lộ 10, 1A; tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình... Trong đó, đô thị Rạng Đông với tính chất là đô thị công nghiệp, dịch vụ gắn với kinh tế và sinh thái biển; có hệ thống hạ tầng đồng bộ và môi trường phát triển bền vững; định hướng trở thành đô thị loại IV trước năm 2025. Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (giai đoạn I) với diện tích 519ha trong năm 2020 đã thu hút được 2 nhà đầu tư thứ cấp xây dựng các dự án dệt, nhuộm công nghệ cao với tổng mức đầu tư lên tới hơn 200 triệu USD. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng cấp vùng phục vụ công nghiệp, dịch vụ, đô thị của khu vực cũng đang được triển khai đồng bộ. Trong đó dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với tổng chiều dài 46km từ nút giao thông Cao Bồ thuộc xã Yên Bằng (Ý Yên) đến trạm đèn biển Lạch Giang, đô thị Rạng Đông, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng). Hiện nay toàn tuyến đã được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành trước năm 2022. Trong năm 2020, dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đã được khởi công xây dựng; cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác; dự án cầu vượt sông Đáy liên kết khu vực với hành lang kinh tế - kỹ thuật - đô thị của các Quốc lộ 10, 1A đang được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới...

Trải qua một năm đầu thập kỷ với vô vàn khó khăn về thiên tai, dịch bệnh song với quyết tâm nỗ lực thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ tỉnh đến cơ sở, nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được hoàn thành. Xuân Tân Sửu 2021 mang theo nhiều kỳ vọng thể hiện ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ, quân và dân trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh ta ngày càng giàu đẹp, văn minh. Với những tiền đề, dự án đang triển khai, trong tương lai gần, vùng đất giàu tiềm năng này sẽ trở thành đô thị hiện đại bên bờ Biển Đông, tạo nền tảng, đột phá quan trọng để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025./.

Thành Trung


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com