Tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách tài chính công

08:10, 07/10/2020

Cải cách tài chính công là 1 trong 6 nhiệm vụ quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, vì vậy UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chú trọng thực hiện các quy định quản lý, chịu trách nhiệm trong sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ tài chính và chuyển đổi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cán bộ Trung tâm giao dịch hành chính "một cửa" huyện Giao Thủy giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ Trung tâm giao dịch hành chính "một cửa" huyện Giao Thủy giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Đến 31-3-2020, toàn tỉnh có 237 cơ quan hành chính thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; 125/125 đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh và 570/668 đơn vị sự nghiệp công lập khối huyện đã được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Việc thực hiện cơ chế tự chủ đã tạo động lực để các cơ quan, đơn vị tích cực rà soát, cơ cấu lại biên chế, lao động đảm bảo đúng năng lực cán bộ, viên chức, giảm nhẹ bộ máy. Các cơ quan, đơn vị phát huy được tính chủ động, sáng tạo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn kinh phí được giao tự chủ. Từ năm 2015 đến năm 2019: cơ quan hành chính tự chủ đã tiết kiệm được 72 tỷ 949 triệu đồng; các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tiết kiệm được 2.042 tỷ 191 triệu đồng. Hầu hết các cơ quan, đơn vị có tiết kiệm đều chi vào khoản tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công nhân, viên chức, lao động thông qua tiền lương, thưởng thành tích cuối năm. Đó chính là những động lực thúc đẩy cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực, nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp và hoạt động dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp góp phần tạo thêm nguồn vốn tái đầu tư, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công, nhất là những dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân.

Trong cải cách tài chính công, một vấn đề được tỉnh quan tâm là chủ động khắc phục các vướng mắc, khó khăn. Là địa phương có nguồn thu thấp, kinh phí của tỉnh đa phần do ngân sách Trung ương cấp, định mức khoán chi tiêu cho các cơ quan hành chính theo biên chế được giao ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020 chỉ đảm bảo chi cho mức lương tối thiểu tăng thêm; việc kinh phí tiết kiệm được sử dụng phần lớn chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cơ quan hành chính đa phần không có nguồn thu khác (chỉ một số ít cơ quan có nguồn thu từ phí, lệ phí mới có khả năng tiết kiệm được một phần chi phí hành chính) để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên; nguồn thu của các đơn vị không đồng đều dẫn tới tình trạng mất cân bằng thu nhập giữa các cán bộ, công chức trên toàn tỉnh. Nhận thức về mục tiêu và yêu cầu khoán biên chế và kinh phí của nhiều cơ quan, đơn vị mới chỉ dừng lại ở việc khoán chi hành chính là việc tiết kiệm chi để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức mà chưa chú trọng đến các yêu cầu đổi mới trong cơ chế quản lý, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp bộ máy, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính cũng như quản lý chi ngân sách. Công tác đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn một số bất cập: Cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cho cung cấp dịch vụ công về cơ bản vẫn chưa gắn việc giao dự toán với số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công. Việc thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế về số lượng danh mục sản phẩm, dịch vụ; thiếu các định mức kinh tế - kỹ thuật; chưa có hướng dẫn cụ thể về giá dịch vụ; chưa quy định cụ thể, rõ ràng các phương thức giao nhiệm vụ gây khó khăn trong việc xác định đơn giá cũng như triển khai trong phân bổ ngân sách Nhà nước theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ công. Nhiều đơn vị sự nghiệp chưa đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn định mức kinh tế, kỹ thuật, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực chất lượng cao; chưa sẵn sàng cho việc thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công với yêu cầu tính đủ chi phí trong giá. Việc giao tài sản cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn như doanh nghiệp còn chậm. Hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chưa tạo chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sử dụng tài sản công còn phân tán, có nơi lãng phí, hiệu suất thấp và chưa được khai thác hiệu quả, đặc biệt là nhà đất. Thực chất quyền tự chủ về thu, chi của một số đơn vị còn mang tính hình thức chưa đi vào thực tế; khả năng xã hội hóa của một số đơn vị dịch vụ còn bị khống chế bởi chính sách chung. Công tác khoán kinh phí vẫn mang tính bình quân, kinh phí giao còn hạn hẹp chưa đi vào chi tiết cụ thể từng lĩnh vực, ngành nghề.

Để khắc phục các bất cập kể trên, UBND tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý tài chính công cho phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả cải cách tài chính công trong thời gian tới. Trong đó, đề nghị tiến hành rà soát, điều chỉnh hệ thống định mức chi tiêu phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi trong điều kiện giá cả biến động, việc điều chỉnh cần được tiến hành thường xuyên hàng năm. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đề nghị mở rộng hơn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị, thực chất là tính xã hội hóa; đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế cụ thể, chính sách khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần hoặc giảm bớt mức độ bảo đảm từ ngân sách Nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi đầu tư, chi thường xuyên và các đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên. Tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy các biện pháp thiết thực, hiệu quả đã đạt được, không ngừng nâng cao chất lượng cải cách tài chính công. UBND tỉnh đặt mục tiêu, đến năm 2021: Phấn đấu giảm bình quân cả tỉnh 17,04% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015; Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015, hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện, trường học), hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com