Tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

07:10, 19/10/2020

Giai đoạn 2015-2020, công tác phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn được các ngành, các địa phương đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, đã chú trọng huy động nguồn đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng các khu, CCN; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý giúp các doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ; xúc tiến thương mại, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay tỉnh đã thu hút được một lượng lớn các doanh nghiệp đầu tư phát triển đa dạng các ngành nghề ở khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp. Toàn tỉnh đã phát triển được 142 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng 19 làng nghề so với năm 2015 (trong đó có 80 làng nghề đã được công nhận) với 18.734 hộ sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm cho 44.743 lao động nông thôn.

Cơ sở sản xuất dầu lạc của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, xã Yên Cường (Ý Yên).
Cơ sở sản xuất dầu lạc của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, xã Yên Cường (Ý Yên).

Để nâng cao hiệu quả phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ các làng nghề, doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn. Ngành Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về quản trị doanh nghiệp, marketing, đàm phán ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Bên cạnh thu hút xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, ngành Công Thương phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề theo nguyên tắc ưu tiên làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống. Từng bước đưa mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Phát triển hàng hóa xuất khẩu chủ lực, có tiềm năng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở cơ cấu lại thị trường, tăng sản phẩm chế biến, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, gia công trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Hỗ trợ cung cấp thông tin xúc tiến thương mại, cảnh báo sớm, dự báo thị trường nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh hướng dẫn nội dung các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đồng chí Đinh Đức Tuyến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ý Yên cho biết đến nay, huyện đã có 50 dự án đầu tư trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, trong đó có 3 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn trên 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Thời gian tới, huyện tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các cụm, điểm công nghiệp, các khu tiện ích dịch vụ thương mại theo quy hoạch để đảm bảo cung ứng hạ tầng đất đai phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, làng nghề nông thôn. Tăng cường phối hợp với các sở, ngành chức năng ưu tiên cho các doanh nghiệp, các đối tượng sản xuất trong làng nghề vay vốn ưu đãi từ các kênh tín dụng với các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, thời hạn và lãi vay phù hợp với các đặc điểm của làng nghề nông thôn. Đề xuất tỉnh tiếp tục tạo điều kiện quy hoạch, đầu tư xây dựng, tăng tính nối kết hệ thống giao thông của huyện kết nối với các quốc lộ, tỉnh lộ, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa của các công ty, doanh nghiệp và phục vụ đời sống dân sinh. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác.

Các ngành, các địa phương tập trung thực hiện Quyết định 21/2020/QĐ-UBND ngày 23-6-2020 của UBND tỉnh hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ sở ngành nghề nông thôn sẽ được hỗ trợ các hoạt động: xúc tiến thương mại; trực tiếp mở các lớp truyền nghề; nếu tham gia thực hiện Dự án phát triển ngành nghề nông thôn sẽ được hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo dự án, tập huấn cho người tham gia dự án, tổng kết dự án, quản lý dự án, kiểm tra giám sát. Cụ thể, nếu tham gia dự án cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 150 triệu đồng/dự án; Các dự án phát triển ngành nghề nông thôn khác thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ; Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát dự án phát triển ngành nghề nông thôn được hỗ trợ tối đa không quá 5% tổng kinh phí hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn. Các làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn gồm xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực, hỗ trợ dự án phát triển ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, nếu được UBND tỉnh quyết định công nhận nghề truyền thống thì được hỗ trợ 20 triệu đồng, làng nghề được hỗ trợ 25 triệu đồng, làng nghề truyền thống hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ được cấp cho UBND cấp xã nơi có nghề, làng nghề./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com