Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động chuẩn bị đón lợi thế của EVFTA

08:03, 02/03/2020

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) vừa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Để có thể tranh thủ lợi thế từ Hiệp định EVFTA, ngay từ khi việc ký kết Hiệp định được khởi động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua các rào cản kỹ thuật, hưởng tối đa các ưu đãi mà Hiệp định mang lại.

Sản xuất sợi trên dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại tại Nhà máy Sợi Hòa Xá (thành phố Nam Định).
Sản xuất sợi trên dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại tại Nhà máy Sợi Hòa Xá (thành phố Nam Định).

Theo quy định chung khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đối với hàng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ giảm 65% thuế và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm tiếp theo. Tương ứng với đó, hơn 70% thuế quan của hàng Việt Nam xuất sang EU được giảm ngay khi Hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được giảm tiếp theo lộ trình tối đa 7 năm. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây là mức cam kết cao nhất mà EVFTA đạt được so với các FTA đã được ký kết. Cùng với cơ hội mà Hiệp định mang lại thì khó khăn, thách thức đặt ra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng rất lớn, nhất là trên các lĩnh vực như: đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa; tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường; các hàng rào phi thuế quan về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước EU… Hoạt động kinh tế trong môi trường thực thi EVFTA, tỉnh ta có 2 thuận lợi, đó là UBND tỉnh đã sớm ban hành các cơ chế, chính sách điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng và chỉ thị của Chính phủ về hội nhập quốc tế, bảo đảm tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhận thức rõ về yêu cầu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường nước ngoài. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Hiệp hội ngành nghề trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ưu thế và đặc tính tiêu dùng của các thị trường trong phạm vi EVFTA; phân tích về những thời cơ, thách thức khi Hiệp định EVFTA đi vào thực thi chính thức, đặc biệt nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về những cam kết chính liên quan đến quy tắc xuất xứ, các tiêu chuẩn lao động, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và sở hữu trí tuệ buộc nhà sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng để có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các ngành phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào các nhóm sản phẩm thế mạnh của tỉnh như dệt may, da giày, nông, thủy sản và quan tâm mở rộng sang các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định EVFTA… Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì việc giới thiệu, thẩm định công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký xây dựng chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, thực hiện áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến và phát hành tập san về hàng rào thương mại để các doanh nghiệp nắm được và thực hiện, tránh những “lỗi kỹ thuật” không đáng có mà các thị trường trong EU đặt ra để hạn chế hàng hóa nhập khẩu, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo quy định của EVFTA.

Cùng với sự chuẩn bị tích cực của cả bộ máy chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cũng đã có những đổi mới rõ nét để thích ứng với việc hội nhập thị trường của các quốc gia trong EU. Trong đó, nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã không ngừng đầu tư công nghệ mới, chủ động nguồn nguyên liệu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu. Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định, Công ty CP Dệt lụa Nam Định, Công ty CP Dệt may Sơn Nam, Công ty CP Thủy Bình, Công ty CP May Thúy Đạt… đã đầu tư đồng bộ từ khâu trồng bông, xây dựng nhà máy kéo sợi, dệt, tẩy nhuộm, may, kiểm hóa… Công ty CP Dệt may Sơn Nam đã đầu tư trên 120 tỷ đồng xây dựng 2 nhà máy kéo sợi OE công suất 6.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Hòa Xá và chuyển từ phương thức hợp đồng gia công sang xuất khẩu trực tiếp, lấy xuất khẩu làm định hướng phát triển. Công ty CP Thủy Bình, đã đầu tư nhà máy sản xuất sợi len theo công nghệ mới thân thiện với môi trường và không gây độc hại. Đây là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trong vùng kinh tế sản xuất sợi len xuất khẩu đạt tiêu chí thân thiện với môi trường (thiết bị hiện đại tiêu hao ít năng lượng, không sử dụng hóa chất độc hại để nhuộm len…). Đối với các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, mặc dù chưa có nhiều sản phẩm tiếp cận được thị trường EU nhưng cũng đã chủ động nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng vào quá trình tổ chức sản xuất từ khâu lựa chọn giống, đảm bảo điều kiện vùng nuôi trồng đến chế biến; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, xuất xứ hàng hóa và đăng ký sử dụng mã truy xuất nguồn gốc điện tử QR code cho sản phẩm để vượt qua hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 35 doanh nghiệp áp dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc với khoảng 130 sản phẩm nông sản; 1 sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý và trên 20 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể… Đây là những bước chuẩn bị quan trọng để các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trong tỉnh tiếp cận với thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tìm kiếm đối tác và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm đang là hướng đi đúng, không chỉ giúp các doanh nghiệp tranh thủ lợi thế từ Hiệp định thương mại EVFTA mà còn góp phần nâng tầm nền tảng kinh tế nội tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com