Tập trung cải thiện chỉ số gia nhập thị trường

07:10, 09/10/2019

Trong 10 chỉ số thành phần về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 của Nam Định mới được công bố cuối tháng 5-2019 cho thấy chỉ số gia nhập thị trường giảm điểm nhiều nhất; so với năm 2017 giảm 1,13 điểm, hạ 17 bậc, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành phố.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần May 1, Tổng Công ty Dệt Nam Định.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần May 1, Tổng Công ty Dệt Nam Định.

Chỉ số gia nhập thị trường trong PCI được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu thành phần chủ yếu liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và hoàn thiện các thủ tục để chính thức hoạt động. Kết quả phân tích các chỉ tiêu cơ sở của chỉ số gia nhập thị trường cho thấy, so với năm 2017 tỉnh đã cải thiện được 3 chỉ tiêu, gồm: 82,76% doanh nghiệp đồng ý với đánh giá cán bộ nhiệt tình, thân thiện khi tiến hành các thủ tục (hoặc thay đổi) đăng ký thành lập doanh nghiệp, tăng 4,76%, tăng 0,8 bậc, xếp hạng 17/63 tỉnh, thành phố; thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp (trung vị) là 5 ngày, giảm 2 ngày, tăng 11 bậc, nằm trong nhóm hạng 24-47/63 tỉnh, thành phố; 14,81% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động, giảm 0,19%, tăng 19 bậc, xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên so với năm 2017 vẫn còn tới 7/10 chỉ tiêu cơ sở chưa được cải thiện gồm: 3,7% số doanh nghiệp khảo sát phải chờ hơn 3 tháng mới hoàn tất các thủ tục để chính thức hoạt động, tăng 1,7%, hạ 19 bậc; chỉ có 55,17% doanh nghiệp đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn khi làm thủ tục (hoặc thay đổi) đăng ký doanh nghiệp, giảm 11,83%, tăng 2 bậc; chỉ có 31,03% doanh nghiệp đồng ý với đánh giá cán bộ tích cực ứng dụng công nghệ thông tin khi làm thủ tục (hoặc thay đổi) đăng ký doanh nghiệp, giảm 25,97%, hạ 2 bậc; thời gian thay đổi đăng ký doanh nghiệp (trung vị) tăng từ 4 ngày năm 2017 tăng lên 6,5 ngày, hạ 27 bậc, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố. Cá biệt, có 3 chỉ tiêu đứng ở vị trí rất thấp trên bảng xếp hạng gồm: chỉ số 3,33% doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua phương thức mới gồm trực tuyến, thủ tục hành chính công, bưu điện, giảm 7,67% so với năm 2017 trong khi điểm trung bình của cả nước là 17,39%, hạ 25 bậc, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố. 55,17% doanh nghiệp đồng ý với đánh giá thủ tục (hoặc thay đổi) đăng ký doanh nghiệp được niêm yết công khai, giảm 19,83% so với năm 2017 trong khi điểm trung bình của cả nước là 76%, hạ 21 bậc, xếp cuối bảng. 62% doanh nghiệp đồng ý với đánh giá cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ khi làm thủ tục (hoặc thay đổi) đăng ký doanh nghiệp, giảm 24% so với năm 2017 trong khi điểm trung bình của cả nước là 85%, hạ 17 bậc, xếp cuối bảng.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổng hợp kết quả Bộ chỉ số đánh giá công tác đăng ký doanh nghiệp năm 2018, thời gian đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh ta là 5 ngày, bao gồm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ là 1,42 ngày và thời gian doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ là 3,85 ngày; thời gian đăng ký thay đổi doanh nghiệp tại tỉnh ta là 6,5 ngày, bao gồm thời gian xử lý hồ sơ đăng ký hợp lệ doanh nghiệp là 1,2 ngày và thời gian doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ là 5,3 ngày. Theo dữ liệu PCI năm 2018 chỉ có 3,33% doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký qua phương thức mới (trực tuyến, thủ tục hành chính công, bưu điện). Kết quả trên cho thấy, phần lớn người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế trong việc tìm hiểu, cập nhật thông tin về thủ tục đăng ký doanh nghiệp nên để xảy ra tình trạng hồ sơ chuẩn bị chưa đầy đủ, hay phải chỉnh sửa, bổ sung. Đồng thời, cũng cho thấy gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” vẫn là vấn đề lớn đối với không ít doanh nghiệp khi còn tới 3,7% doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký thành lập mới hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân của việc chậm hoàn tất thủ tục đầu tư là ngoài thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi làm thủ tục một số giấy tờ cần thiết khác để hoạt động như giấy phép phòng cháy chữa cháy, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện ngành nghề kinh doanh, các loại giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật và các loại giấy phép khác.

Để cải thiện chỉ số gia nhập thị trường, góp phần nâng cao thứ hạng PCI của tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đầu tháng 10-2019 Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được đưa vào hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo hướng dẫn chính xác, rõ ràng, đầy đủ, tiết kiệm thời gian hoàn thành hồ sơ cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước. Nghiên cứu và triển khai dịch vụ kết nối thủ tục đăng ký kinh doanh với các thủ tục làm con dấu và đăng ký mẫu dấu, mở tài khoản ngân hàng để rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp. Tăng cường tính kết nối thông tin của Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các sở, ngành và Trung ương; rà soát, đánh giá dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo vận hành ổn định, đúng quy trình. Đẩy mạnh việc xây dựng và đưa vào vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh đẩy mạnh cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp bằng sự minh bạch, thân thiện, trung thực và sáng tạo trong cung cấp dịch vụ công. Phát huy hiệu quả của đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ theo các kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Tổ kiểm tra công vụ của Chủ tịch UBND tỉnh. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kiên quyết thay thế những người không đủ năng lực, trình độ và phẩm chất. Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan tập trung nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng các tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh sẽ được cung cấp mã hồ sơ. Qua đó các tổ chức, công dân có thể theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ của mình đã nộp tại các đơn vị tiếp nhận trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh như: thời gian đã tiếp nhận hồ sơ, hồ sơ được yêu cầu bổ sung, thời gian có kết quả khi hồ sơ hợp lệ, phòng ban, đơn vị và cán bộ công chức đang xử lý hồ sơ và thời gian trả kết quả khi hồ sơ hoàn thành. Chủ động áp dụng và triển khai các hình thức nhắn tin qua điện thoại, gửi email để thông báo tới chủ hồ sơ về quá trình giải quyết thủ tục hành chính./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com