Giải pháp nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch

08:07, 02/07/2019

Sau nhiều năm nỗ lực kêu gọi đầu tư cấp nước sạch cho người dân nông thôn, bên cạnh kết quả tích cực thời gian đầu thì đến nay việc nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch ở nông thôn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục đã được tỉnh, các địa phương và đơn vị liên quan tích cực bàn thảo. Tại huyện Nghĩa Hưng, theo báo cáo của UBND huyện, từ năm 2017 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Thanh đã từng bước đầu tư, mở rộng quy mô nhà máy cung ứng nước sạch tại các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong nhưng đến nay tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại địa bàn nhà máy cung ứng còn thấp. Điển hình như xã Nghĩa Lạc, mới có 288/2.630 hộ dân sử dụng nước sạch; xã Nghĩa Hồng chỉ có 9,57% hộ dân sử dụng nước sạch; xã Nghĩa Sơn tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 17,12%... Với các nhà máy cấp nước sạch tập trung đã hoạt động từ nhiều năm trước tại các xã, thị trấn: Nghĩa Thịnh, Hoàng Nam, Quỹ Nhất tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch cũng chỉ đạt dưới 50%. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là tình trạng chung ở nhiều huyện trên toàn tỉnh.

Công nhân Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định vận hành hệ thống thiết bị cấp nước.
Công nhân Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định vận hành hệ thống thiết bị cấp nước.

Hiện nay, trên toàn tỉnh có 53 nhà máy cấp nước sạch nông thôn tập trung, cung cấp nước sinh hoạt cho 139/209 xã, thị trấn với 270.854 hộ tham gia đấu nối, sử dụng. Tỷ lệ bình quân hộ đấu nối sử dụng nước từ các công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn toàn tỉnh đạt 78,2% nhưng còn nhiều xã có tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch thấp. Có 15 nhà máy đã khai thác 90-95% công suất thiết kế; 19 nhà máy mới khai thác từ 70-90% công suất thiết kế; 10 nhà máy mới chỉ khai thác từ 50-70% công suất thiết kế; 9 nhà máy khai thác dưới 50% công suất thiết kế. Thực trạng trên ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của nhiều nhà máy, khó hoàn thành chỉ tiêu dân số nông thôn sử dụng nước sạch. Để khắc phục bất cập trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp cấp nước sạch nông thôn rà soát, xác định rõ nguyên nhân. Theo đó, một số nguyên nhân chính được chỉ ra, bao gồm: địa phương chưa xác định việc vận động, nâng cao tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch là nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành trong chương trình xây dựng nông thôn mới; người dân một số vùng, địa phương còn giữ tập quán, thói quen sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh nhưng không phải trả phí như nước giếng khoan, nước mưa; các hộ nghèo, kinh tế khó khăn chưa có đủ điều kiện kinh phí để sử dụng nước sạch trả phí; vẫn còn UBND xã, hợp tác xã quản lý công trình chưa xây dựng phương án giá bán nước trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định hoặc cấp nước với mức phí thấp nên nguồn thu không đảm bảo các khoản chi phí duy tu khiến công trình bị xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước khiến người dân chưa tin tưởng vào năng lực cấp nước sạch của công trình; một số đơn vị cung ứng nước sạch tập trung lại quá chú trọng lợi ích kinh tế, khả năng thu hồi vốn nhanh sau đầu tư, chưa nỗ lực tìm giải pháp để tăng số hộ sử dụng nước. Theo đại diện lãnh đạo hai xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng), nhiều dong xóm có 30-40 hộ dân sinh sống, nhu cầu sử dụng nước sạch trong tương lai rất cao nhưng hiện tại mới chỉ có 1 đến 3 hộ đăng ký sử dụng nước sạch; trong khi đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mai Thanh, đơn vị cung ứng nước sạch cứng nhắc yêu cầu ít nhất phải có 5 hộ/dong xóm đăng ký sử dụng thì doanh nghiệp mới đấu nối đường ống cung ứng nước.

Để nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, đầu tháng 6-2019 UBND tỉnh đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, địa phương có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch thấp để thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh theo kế hoạch đề ra, năm 2019 toàn tỉnh phải đạt tỷ lệ cung cấp nước sạch cho 75% dân số nông thôn và đến hết năm 2020 phải đạt 95%, vì vậy các sở, ngành liên quan, các địa phương phải nâng cao trách nhiệm, nhận thức đây là nhiệm vụ chính trị bắt buộc phải hoàn thành. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện đang tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động cung ứng nước sạch của các doanh nghiệp, UBND xã, hợp tác xã theo hướng đảm bảo chất lượng nước an toàn từ khai thác đến cung ứng cho người tiêu dùng. Sở Tài nguyên và Môi trường siết chặt quản lý hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ thúc đẩy tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch; hướng dẫn các xã, hợp tác xã xây dựng Đề án giá bán nước sạch trình UBND tỉnh phê duyệt, thiết lập chỉ tiêu về chất lượng nước và mức giá bán nước sạch chung trên toàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nông thôn thay đổi nhận thức, tích cực tham gia sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sạch tập trung. Các doanh nghiệp cung ứng nước sạch cam kết nghiêm túc thực hiện đúng quy trình quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả công trình cấp nước, đảm bảo chất lượng nước thành phẩm cung cấp cho người dân theo quy chuẩn; chủ động học hỏi kinh nghiệm tiếp cận thị trường, mở rộng địa bàn phục vụ từ các đơn vị cung ứng nước sạch đã thành công; tính toán lại phương án phân kỳ đầu tư, nâng cao tinh thần hợp tác, chia sẻ quyền lợi, để tạo sự tin tưởng, khuyến khích người dân nông thôn sử dụng nước sạch./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com