Nỗ lực thực hiện sứ mệnh "giao thông đi trước mở đường

04:01, 22/01/2019

Để góp phần “tạo đột phá trong phát triển kinh tế” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, thời gian qua ngành Giao thông - Vận tải đã nỗ lực thực hiện hiệu quả sứ mệnh “đi trước mở đường”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát các chủ trương chỉ đạo định hướng của tỉnh, ngành đã tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững, hiệu quả gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ và phát triển kinh tế biển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Trần Văn Công, dù nguồn lực kinh tế có nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Từ năm 2016 đến nay, khi tỉnh có cơ chế cho các huyện sử dụng vốn từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đô thị thị trấn trung tâm và khu dân cư tập trung của các xã đã tăng quyền tự chủ cho các huyện trong lựa chọn công trình đầu tư, đặc biệt là các công trình giao thông nhằm đảm bảo ngày càng đồng bộ hạ tầng giao thông. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh đã cải tạo, nâng cấp được hơn 8.000km đường giao thông nông thôn, đưa tổng số lên 8/10 huyện, thành phố hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 theo quy định của UBND tỉnh… Nhờ thực hiện tốt nhiệm vụ huy động các nguồn ngân sách Trung ương, vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông huyết mạch liên vùng, các dự án giao thông trọng điểm có ý nghĩa động lực tạo đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Hồng. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tập trung triển khai xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng như: tuyến tránh Thành phố Nam Định (Quốc lộ 38B), các tuyến tỉnh lộ 487, 488 (đoạn từ cầu Vòi đến nút giao Quốc lộ 37B), 489C đoạn từ cầu Lạc Quần đến phà Sa Cao… Những công trình giao thông huyết mạch mang tính chiến lược này không chỉ góp phần phát triển hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại mà còn làm đòn bẩy phát triển kinh tế nhờ “đi trước một bước” tăng sức cạnh tranh thu hút đầu tư. Cụ thể như tuyến tránh Thành phố Nam Định thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38B có chiều dài 4,1km, bắt đầu từ nút giao Quốc lộ 10 qua Khu công nghiệp Hòa Xá, qua xã Mỹ Xá (Thành phố Nam Định), xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) và xã Đại An (Vụ Bản) đã tạo động lực quan trọng cho các huyện Vụ Bản, Ý Yên nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung cũng như các tỉnh trên tuyến Quốc lộ 38B thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là ngành "công nghiệp không khói" du lịch... Tuyến tỉnh lộ 489C từ cầu Lạc Quần đến phà Sa Cao dài 16,64km được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, với hai nhánh đi qua một loạt các xã, thị trấn của huyện Xuân Trường góp phần hình thành trục kết nối các huyện phía nam tỉnh với tỉnh Thái Bình, từ đó đi các tỉnh lân cận với năng lực lưu thông phương tiện tải trọng lớn được gia tăng. Đoạn tuyến tránh trung tâm Thị trấn Xuân Trường từ cầu Lạc Quần nối với tỉnh lộ 489 tại cầu Nam Điền A đã rút ngắn đường về huyện Giao Thủy khoảng 5km, góp phần giảm chi phí, thời gian vận tải và đảm bảo trật tự giao thông nông thôn. Hạ tầng giao thông nông thôn được cải tạo, mở rộng, các tuyến đường bộ huyết mạch được đầu tư xây dựng và nhiều tuyến tỉnh lộ được nâng cấp thành quốc lộ góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; sản xuất công nghiệp dịch vụ nhóm các nghề sử dụng nhiều lao động nông thôn tăng trưởng nhanh.

Đại lộ Thiên Trường. Ảnh: Việt Thắng
Đại lộ Thiên Trường. Ảnh: Việt Thắng

Trong nhiệm vụ phát triển kinh tế biển thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, từ năm 2017 đến nay tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu vực trung tâm với các khu vực kinh tế biển của tỉnh. Trong đó, cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu được khởi công cuối tháng 9-2017, hiện đang được nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể khai thác vào tháng 10-2019. Cầu Thịnh Long hoàn thành sẽ nối liền các khu công nghiệp từng vùng với các nhà máy đóng tàu, cảng Hải Thịnh nằm gần cửa biển Lạch Giang đã được quy hoạch là cảng nước sâu, Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I, khu du lịch biển Hải Thịnh. Đặc biệt, tuyến đường từ Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đi Thành phố Nam Định sẽ rút ngắn khoảng 10km so với hiện nay do không phải đi vòng qua cầu Lạc Quần. Cầu Thịnh Long cũng tăng khả năng kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực trên tuyến đường bộ ven biển: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, tiết kiệm chi phí cho vận tải đường bộ. Cuối năm 2017, tỉnh đã khởi công xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài 46km, đi qua 17 xã, thị trấn của hai huyện Ý Yên và Nghĩa Hưng. Hiện nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn tất, đưa công trình vào sử dụng. Tuyến đường này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông huyết mạch theo quy hoạch phát triển giao thông - vận tải tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà còn rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Bắc - Nam, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực quốc gia, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án trọng điểm kinh tế biển đã và đang triển khai như: cầu Thịnh Long, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông…

Với đánh giá về vai trò “Giao thông đến đâu làm giàu đến đấy”, giao thông là động lực tạo đột phá trong phát triển kinh tế, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án đường bộ quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, giảm tải cho Quốc lộ 10, Quốc lộ 1, Sân bay Nội Bài; cải tạo nâng cấp các tuyến tỉnh lộ 485B, 487B, 488B... Tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sớm đầu tư một số cầu lớn vượt sông quan trọng như: cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ bằng nguồn vốn dư dự án cầu Thịnh Long, giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng phía nam tỉnh; cầu Bến Mới và cầu Đống Cao bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc./.

Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com