Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn

08:06, 08/06/2018

Thời gian qua, tỉnh ta tích cực triển khai các hoạt động thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại, góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM).

Cty TNHH Toản Xuân đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo hiện đại tại xã Yên Lương (Ý Yên).
Cty TNHH Toản Xuân đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo hiện đại tại xã Yên Lương (Ý Yên).

Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp, xem doanh nghiệp là đầu tàu của quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh đã ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với nông dân liên kết sản xuất, tạo ra những cánh đồng lớn, có khối lượng sản phẩm hàng hóa bảo đảm yêu cầu của thị trường. Hiện tỉnh ta đã có một số mô hình ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình là Cty VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup triển khai dự án đầu tư sản xuất rau sạch công nghệ cao tại huyện Xuân Trường với quy mô 140ha; Cty TNHH Cường Tân và Cty Ajichi Farm, tỉnh Phư-cưi (Nhật Bản) thành lập Cty liên doanh hợp tác sản xuất và chế biến sản phẩm từ các giống lúa Nhật; Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để thuê gom ruộng đất, sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao, cây dược liệu… Hiện tỉnh ta và tỉnh Mi-y-a-gia-ki (Nhật Bản) đang xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực và liên kết, sản xuất, chế biến tiêu thụ một số nông, thủy sản có thế mạnh của tỉnh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Cty CP HTC-VINA và Cty TNHH Tiến Đạt đã đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 10 nghìn tấn/năm; Cty TNHH Đầu tư và Thương mại Biển Đông, Cty TNHH Thái Việt, Cty TNHH Ngũ Hải… đầu tư trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt siêu nạc quy mô lớn. Đặc biệt, Cty Biển Đông đã khởi công xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn hiện đại nhất miền Bắc quy mô 20 nghìn tấn/năm với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Ở lĩnh vực thủy sản, Cty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan) đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao xuất khẩu ở CCN An Xá (TP Nam Định), tổ chức liên kết sản xuất với các hộ nuôi ngao trong tỉnh, với dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu làm sạch đến bảo quản, hằng năm xuất khẩu 5.000 tấn ngao sạch… Việc các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân và các tổ chức đoàn thể chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu nông sản, tham gia phát triển chuỗi giá trị... đã góp phần quan trọng giải quyết bài toán khó về nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường... tạo thêm động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đầu tư đưa nhà máy về nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục nghìn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tiêu biểu như: Cty CP May Sông Hồng đầu tư xưởng sản xuất tại các huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Cty TNHH Yamani Dynasty - Đài Loan đã đầu tư các xưởng sản xuất giầy da tại CCN Nam Hồng (Nam Trực); Tổng Cty CP Dệt may Nam Định xây dựng các xưởng sản xuất tại Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên… Cùng với các hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp còn tích cực hỗ trợ trực tiếp chương trình xây dựng NTM của các địa phương bằng nhiều hoạt động cụ thể về an sinh xã hội, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà ở hộ nghèo… Trong 16.500 tỷ đồng vốn huy động cho xây dựng NTM toàn tỉnh, các doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp vào xây dựng NTM đạt 15% (tương đương 2.475 tỷ đồng).

Thực tế đã khẳng định để phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, đẩy nhanh tái cơ cấu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển hạ tầng, làm đẹp cảnh quan nông thôn… góp phần xây dựng NTM rất cần đến vai trò đầu tàu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những năm qua, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn khá hạn chế. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 3% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chỉ có rất ít số doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp, quy mô nhỏ, trình độ quản lý, công nghệ sản xuất chưa tiên tiến. Nguyên nhân do việc đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì môi trường đầu tư chưa thuận lợi; rủi ro cao, lợi nhuận thấp… Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp tuy đã được đầu tư nâng cấp song chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa khiến chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu và chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Các mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phần lớn mang tính tự phát, thiếu sự ràng buộc pháp lý chặt chẽ về trách nhiệm các bên; năng lực thực sự của các thành phần khi tham gia mô hình liên kết, nhất là năng lực của nông dân và các tổ chức đại diện (tổ hợp tác, HTX) còn hạn chế, chưa phù hợp với cơ chế thị trường… Chưa có chính sách đủ sức tạo động lực mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên chưa nhiều doanh nghiệp mặn mà với hướng đầu tư này…

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn. Nghiên cứu ban hành bổ sung một số chính sách đặc thù của tỉnh để tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách có tính đột phá như: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân thuê gom, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ổn định, lâu dài; khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết hoặc góp cổ phần với doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp… Đẩy mạnh việc xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua HTXNN; vừa khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp vừa đào tạo nguồn nhân lực, tranh thủ chuyển giao đưa khoa học công nghệ vào đời sống để nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất cũng như trình độ kỹ năng lao động cho nông dân. Hỗ trợ HTX, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho các nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh. Thực hiện liên kết tỉnh và liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ nông, thủy sản (Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Hải Phòng…). Hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX, các tổ hợp tác đưa các sản phẩm nông nghiệp giới thiệu trên các sàn giao dịch nông sản tại Hà Nội và một số thành phố lớn. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu (giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa và khu thể thao thôn xóm, khu xử lý rác thải,...) để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, tập trung vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các công trình trọng điểm phục vụ tái cơ cấu. Ưu tiên cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cơ bản thuận lợi thu hút đầu tư từ doanh nghiệp; xác định rõ các quy hoạch dài hạn về nông nghiệp gắn với đầu tư hạ tầng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất phát huy tính chủ động, sáng tạo của người dân nông thôn tham gia vào xây dựng NTM và tái cơ cấu, đồng thời khuyến khích mạnh doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com