Cơ hội thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển bền vững (kỳ 3)

08:06, 13/06/2018

[links()]

(Tiếp theo và hết)

III. Cơ hội và giải pháp phát triển

Ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với hàng loạt chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ (Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18-1-2017); Chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí (Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15-3-2018) và những cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh của Chính phủ..; những lợi thế về thuế, thị trường khi nước ta đã, đang và sẽ ký kết hàng hoạt Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA; CPTPP...) là cơ hội lớn để công nghiệp tỉnh ta có thể phát huy tối đa những ưu thế nội lực, tranh thủ các lợi thế mới để phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX.

Sản xuất kết cấu thép phi tiêu chuẩn tại Cty TNHH Việt Thắng, CCN Đồng Côi (Nam Trực).
Sản xuất kết cấu thép phi tiêu chuẩn tại Cty TNHH Việt Thắng, CCN Đồng Côi (Nam Trực).

Với gần 7.500 doanh nghiệp hiện có thuộc 6 ngành công nghiệp chủ lực, 124 làng nghề nông thôn, tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất các ngành hàng thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ. Trong danh mục 60 loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc 6 nhóm ngành công nghiệp được Chính phủ quy định thì tỉnh ta có 2 ngành công nghiệp là dệt may, cơ khí chế tạo và một số khâu trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (linh kiện nhựa, cao su, ghế, dây dẫn…). Các loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển của ngành dệt may gồm 7 chủng loại là: xơ thiên nhiên; xơ tổng hợp; sợi; vải; chỉ may; hóa chất và thuốc nhuộm; phụ liệu ngành may (cúc, mếch, khóa…). Bên cạnh đó, ngày 15-3-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Ở tỉnh ta, công nghiệp cơ khí và gia công kim loại là một trong 6 ngành công nghiệp chủ lực. Ngoài ra còn có các làng nghề cơ khí truyền thống nổi tiếng như: Tống Xá (Ý Yên), Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực), Quang Trung (Vụ Bản)… Với 3 lĩnh vực chủ yếu là: cơ khí chế tạo, cơ khí - đúc và sản xuất các loại linh kiện, chi tiết thiết bị đã hình thành rõ những trung tâm chuyên biệt theo từng lĩnh vực ở các huyện: Ý Yên, Xuân Trường, Nam Trực, Vụ Bản. Sản phẩm ngành cơ khí chế tạo tỉnh ta khá đa dạng như: các loại động cơ điện, máy phục vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, phục vụ các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông, đóng tàu… Theo mục tiêu của Chiến lược, đến năm 2025 tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị điện. Đây đều là những phân ngành mà các làng nghề và doanh nghiệp cơ khí ở tỉnh ta đã sản xuất và có uy tín trên thị trường. Các chính sách hỗ trợ khá cụ thể như: hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết kế công nghệ, đổi mới công nghệ; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ nâng cấp cơ sở đào tạo ngành cơ khí; hỗ trợ về tín dụng. Đặc biệt, ngày 3-6-2017, tại Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khi các chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân được thể chế hóa thành các chế độ, chính sách cụ thể, công nghiệp nói riêng, kinh tế tư nhân nói chung sẽ có cơ hội nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Vấn đề là cộng đồng doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, hộ cá thể trong các làng nghề nông thôn phải làm gì để tranh thủ tối đa những lợi thế, ưu đãi đó để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững?!

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện tối đa hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 và đạt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh phát triển được trên 10 nghìn doanh nghiệp, gấp 1,5-2 lần so với năm 2016 (theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 30-6-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp; xây dựng mới các quy hoạch còn thiếu. Tỉnh ủy, HĐND đã ban hành Nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh là đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục góp phần thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngày 21-7-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1644/QĐ-UBND hỗ trợ gần 2 tỷ đồng để thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017 với các giải pháp trọng tâm: đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, hiện đại; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư; hoàn thiện các quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, CCN; tăng cường thu hút đầu tư từ các đối tác chiến lược... Sở KH và ĐT đã thực hiện tốt việc cải cách hành chính trong công tác đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, sớm gia nhập thị trường. Trong năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển các CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo các giai đoạn: giai đoạn đến năm 2020, ngoài 20 CCN đã hoạt động sẽ xây dựng mới thêm 8 CCN với tổng diện tích gần 130ha, bổ sung 13 CCN, diện tích 234,2ha; giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng mới 6 CCN với tổng diện tích trên 128ha, bổ sung 9 CCN với diện tích 250ha và mở rộng 23 CCN với diện tích 426,7ha. Đồng thời, UBND tỉnh đã khởi công xây dựng các công trình trọng điểm như KCN Dệt may Rạng Đông, tỉnh lộ 489C, cầu Thịnh Long,…; tháng 12-2017 khởi công dự án Đầu tư xây dựng đường trục phát triển nối Vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định I đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang tiến hành các thủ tục giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng. Xúc tiến các thủ tục đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 5 và hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: Tập trung thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Triển khai Chương trình hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII). Thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Dệt  may Rạng Đông. Tập trung chỉ đạo khởi công Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I tại huyện Hải Hậu. Hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng KCN Mỹ Thuận và chuyển giao KCN Mỹ Trung. Tăng cường xúc tiến thương mại; đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Hàng loạt chương trình, giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ, kích cầu phát triển công nghiệp địa phương đã được tỉnh ta triển khai đồng bộ, quyết liệt. Đặc biệt tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chú trọng cải cách hành chính. Cùng với quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng của tỉnh, sự nỗ lực của chính đội ngũ các doanh nghiệp công nghiệp địa phương là điều kiện quan trọng. Các doanh nghiệp cần nhận diện sâu sắc thực trạng, nhất là những hạn chế, khó khăn, phát huy tinh thần tự tôn, với ý chí quyết tâm khởi nghiệp, lập nghiệp vững vàng, mạnh dạn đầu tư để phát triển bứt phá, bền vững./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com