Cơ hội thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển bền vững (kỳ 1)

08:06, 11/06/2018

Là một trong 3 thành phố công nghiệp của miền Bắc từ nhiều thập kỷ trước; lại có nhiều làng nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống với lịch sử hình thành hàng trăm năm nên công nghiệp tỉnh ta có nền tảng nội lực phát triển mạnh mẽ, bứt phá khi có cơ hội tốt. Những năm gần đây, với nhiều chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển, đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Cùng với các chủ trương mới của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến thuốc và hóa dược, công nghiệp cơ khí...; đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) của BCH Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng mở ra cơ hội lớn thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển xứng tầm hơn.

Đóng gói sản phẩm tại Cty CP Dược phẩm Nam Hà (TP Nam Định).
Đóng gói sản phẩm tại Cty CP Dược phẩm Nam Hà (TP Nam Định).

I. Tiến bộ vượt bậc của công nghiệp địa phương

Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương từ năm 2010 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các khóa XVIII, XIX đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố nỗ lực thực hiện các nhóm cơ chế, giải pháp để phát triển sản xuất, hình thành rõ nét các ngành công nghiệp chủ lực sản xuất CN-TTCN, làng nghề trở thành mũi nhọn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn. Các ngành công nghiệp chủ yếu: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ; sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thuốc và hóa dược đã khẳng định vị thế nòng cốt; góp phần thúc đẩy kinh tế công nghiệp - xây dựng và dịch vụ của tỉnh liên tục tăng trưởng cao (tăng từ 70,5% năm 2010 lên 76% năm 2015); đóng góp của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm 80% trong tổng GRDP của tỉnh. Ngành dệt may phát triển mạnh và đều ở các huyện, thành phố, chiếm tỷ trọng trên 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Nhiều doanh nghiệp như: Cty CP May Sông Hồng; Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP Dây lưới thép Nam Định… đã vươn lên, tạo dựng thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Năm 2017, Cty CP May Sông Hồng đạt doanh thu 3.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 200 tỷ đồng. Cty hiện đã phát triển được 18 xưởng may trang phục xuất khẩu và 7 xưởng sản xuất các khâu/sản phẩm chuyên biệt là: chăn, đệm, bông, in, thêu, chần bông, giặt ở Thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, tạo việc làm cho trên 10.500 lao động. Năm 2017, riêng kim ngạch xuất khẩu của Cty đạt trên 300 triệu USD, là 1 trong 5 doanh nghiệp (trên tổng số 6.500 doanh nghiệp dệt may của cả nước) có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt, bông sợi, khăn bông xuất khẩu theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), tự tìm kiếm thị trường và xuất khẩu trực tiếp hiện nay, Cty CP Dệt may Sơn Nam có quan hệ với 30 Cty đối tác nước ngoài; sản phẩm của Cty có mặt ở thị trường các nước Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc và khối EU. Đứng thứ hai và cũng khẳng định vững vàng vị thế ngành công nghiệp chủ yếu là ngành cơ khí với nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, xây dựng; gia công kim khí; dây lưới thép; sản xuất các mặt hàng gia dụng. Các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thuốc và hóa dược, chế biến lương thực - thực phẩm... vẫn duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng, góp phần giữ vững nhịp độ phát triển cho toàn ngành. Trong đó, ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát triển ổn định; các sản phẩm chủ yếu là gạch tuy-nen và gạch không nung có thị trường tiêu thụ ổn định cả trong và ngoài tỉnh. Ngành sản xuất thuốc và hóa dược của tỉnh cũng có bước phát triển mới; trở thành một trong những trung tâm sản xuất thuốc và hóa dược hàng đầu của cả nước. Công nghiệp chế biến gỗ đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc, tăng xấp xỉ 40% với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 45,3 triệu USD, tăng 12,7 triệu USD so với cùng kỳ. Cùng với khối doanh nghiệp; được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, huyện, khối các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, hộ cá thể trong các làng nghề mới và truyền thống đều có bước phát triển mạnh. Để hỗ trợ, tạo mặt bằng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng quy mô, từ năm 2005, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng 20 CCN tập trung với tổng diện tích 339,25ha để thu hút, di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ đó, đến năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp ở 20 CCN tập trung của tỉnh đã đạt 6.415 tỷ đồng, tăng 12,7%; thu hút 471 dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 3.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 19 nghìn lao động. Ngoài ra, toàn tỉnh đã phát triển được 124 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó phần lớn là các làng nghề sản xuất CN-TTCN. Trong các làng nghề, ngoài các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đã phát triển được 310 doanh nghiệp, cơ sở tập trung, tạo việc làm cho khoảng 29 nghìn lao động với mức thu nhập từ 50-60 nghìn đồng đến 120-150 nghìn đồng/người/ngày tùy theo ngành nghề. Sản xuất CN-TTCN ở khu vực nông thôn phát triển mạnh đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương. Các doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân tổ chức sản xuất, định hướng phát triển ngành nghề ở làng nghề. Nhiều địa phương có ngành nghề phát triển như: Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực; số lượng doanh nghiệp ở các làng nghề ngày một nhiều. Tiêu biểu như làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của xã Yên Tiến (Ý Yên). Hiện tại xã có 30 doanh nghiệp với quy mô từ 50-60 lao động tập trung trở lên; có 3.000/3.587 hộ gia công các sản phẩm thuộc nhiều ngành nghề cho các doanh nghiệp trong xã như: sơn mài - tre, nứa chắp; mộc mỹ nghệ, hộ ít thì có từ 1-2 lao động, hộ nhiều là 3-5 lao động có việc làm thường xuyên. Nhiều sản phẩm mỹ nghệ của xã đã xuất sang nhiều thị trường lớn, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu... Năm 2017, ước tính tổng thu từ CN-TTCN trên địa bàn xã đạt trên 200 tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 140 tỷ đồng. Tại xã Xuân Tiến (Xuân Trường) nơi có làng nghề cơ khí truyền thống lâu đời, có thương hiệu trên cả nước hiện có 30 doanh nghiệp, cơ sở đang đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong CCN tập trung (có tổng diện tích 15,6ha) và trên 200 hộ gia công, sản xuất tại nhà. Sản phẩm chính của làng nghề là máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy bóc lạc, các loại máy phục vụ xây dựng (máy trộn đảo bê tông, máy ép gạch thủy lực), máy chế biến gỗ (máy phay, bào, đục...), kể cả động cơ điện... đã được nghiên cứu và sản xuất thành công với khối lượng hàng hóa lớn. Các sản phẩm của làng nghề cơ khí không chỉ được thị trường trong nước tín nhiệm mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia.

Sự phát triển mạnh mẽ của khối doanh nghiệp địa phương và các làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng liên tục của toàn ngành CN-TTCN tỉnh nhà. Riêng năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9,16% so với năm 2016; giá trị sản xuất CN-TTCN (giá so sánh năm 2010) ước đạt trên 48,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm trước; kim ngạch hàng xuất khẩu ước đạt 1 tỷ 369,9 triệu USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ. Công nghiệp địa phương đã có nhiều thương hiệu có uy tín trên thị trường quốc gia, quốc tế như Cty CP May Sông Hồng, Cty CP May Nam Hà, Cty CP Dây lưới thép Nam Định, Cty CP Dược phẩm Nam Hà, Cty CP Lâm sản Nam Định, đồ gỗ La Xuyên, sản phẩm đúc Tống Xá, cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực), Xuân Tiến (Xuân Trường), cơ khí đóng tàu...

(Còn nữa)
Bài và ảnh:
Thành Trung


[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com