Cần giải pháp đồng bộ để truy xuất nguồn gốc thực phẩm

08:03, 14/03/2018

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu và là giải pháp quản lý nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn tỉnh ta hiện nay đang gặp không ít khó khăn cả từ phía các cơ quan chức năng đến người tiêu dùng.

Hoa quả là một trong những mặt hàng phổ biến trên thị trường hiện nay được người tiêu dùng sử dụng thường xuyên nhưng lại khó truy xuất nguồn gốc nơi sản xuất bởi không có cơ sở gì ngoài lời giới thiệu của người bán (trừ hoa quả nhập khẩu hoặc một số rất ít sản phẩm có tem nhãn). Các loại hoa quả này được bày bán công khai nhưng đều không có tem nhãn về thông tin nguồn gốc, xuất xứ. Khi người mua hỏi thì người bán hàng luôn khẳng định là hàng có nguồn gốc nhưng lại không có bất cứ giấy tờ nào làm căn cứ chứng minh với khách hàng. Điều khiến người tiêu dùng băn khoăn là cùng một loại trái cây nhìn giống nhau nhưng lại có nhiều mức giá khác nhau. Đáng chú ý là người bán giải thích sự khác nhau về giá là do loại xuất xứ Trung Quốc, loại là hàng Việt Nam, nhưng không có gì để chứng minh xuất xứ đó. Đối với các hàng hóa có nguồn gốc trong tỉnh do các tiểu thương thu gom từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, việc mua bán theo cách truyền thống, không có hợp đồng mua bán cũng như chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Điều đó, khiến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm càng trở nên khó khăn đối với người tiêu dùng. Ngoại trừ một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch thì hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, còn việc tuân thủ quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh ta gần như “bỏ ngỏ”, chưa nhận được sự quan tâm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Do đó, thực phẩm chất lượng (loại có thể truy xuất nguồn gốc) bị đẩy vào cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh do không đủ phương tiện bảo hộ, còn thực phẩm bẩn vẫn có cơ hội thâm nhập vào đời sống sinh hoạt ăn uống của các gia đình. Nhiều giải pháp quản lý về chất lượng thực phẩm đã được đưa ra như vận động, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, thậm chí là xử phạt vi phạm nhằm ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Nhưng thực tế cho thấy những giải pháp đó chưa đủ mạnh để giải quyết tận gốc vấn đề.

Sử dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại cửa hàng rau sạch Linh Chi (TP Nam Định).
Sử dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại cửa hàng rau sạch Linh Chi (TP Nam Định).

Giải pháp cho vấn đề này là cần công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm thông qua truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm thông qua tem, nhãn trên sản phẩm hoặc qua hồ sơ lưu trữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng còn nhiều hạn chế bởi tem, nhãn thông thường không thể hiện hết được đầy đủ thông tin truy xuất. Trong khi đó, truy xuất nguồn gốc qua hồ sơ lưu trữ là các cơ quan chức năng phải xuống trực tiếp cơ sở kiểm tra, giám sát nên bất cập chỉ dành cho cơ quan quản lý. Với người tiêu dùng thì tối ưu nhất trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa hiện nay là căn cứ theo mã vạch của tem điện tử thông minh (QR code) trên bao bì sản phẩm, người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã là xác định được thông tin liên quan đến sản phẩm (đơn vị sản xuất, người đóng gói, phân phối, quy trình sản xuất, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng sản phẩm…). Đây cũng chính là giải pháp giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm ở các quy mô khác nhau. Ngày 10-7-2017, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh Nam Định; theo đó hỗ trợ 5 triệu đồng/cơ sở đăng ký mã số, mã vạch. Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tăng cường phổ biến, đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT (Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn). Tuy nhiên việc thực hiện của hầu hết các doanh nghiệp còn yếu. Hiện mới có 5 doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện truy xuất bằng QR code để nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng nhái. Trong đó, các doanh nghiệp như: Cty TNHH Minh Dương, Cty CP Chế biến Hải sản Nam Định, Cty Thủy sản Lenger, Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh mới áp dụng QR code trên một số sản phẩm. Riêng Cty TNHH Toản Xuân đã và đang triển khai đồng loạt QR code trên toàn bộ sản phẩm. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Cty cho biết: “Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là việc làm bắt buộc và là xu hướng tất yếu để sản xuất thực phẩm an toàn, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Cty Toản Xuân là đơn vị tiên phong trong sản xuất gạo có truy xuất nguồn gốc tới tận thửa ruộng, chăm sóc, quá trình hình thành sản phẩm được quản lý theo chuỗi áp dụng quy trình VietGAP. Mỗi bao gạo của Cty đều được gắn QR code đảm bảo chống hàng giả và người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh là truy xuất được qua quét mã QR code”. Việc áp dụng QR code là giải pháp cần thiết để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tuy nhiên việc này mới chỉ được các doanh nghiệp lớn, sản phẩm có uy tín trên thị trường thực hiện. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa xây dựng hoặc thực hiện các chương trình bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa đầy đủ, còn hạn chế; việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm còn mang tính tự cung, tự cấp nhỏ lẻ. Thực tế cho thấy, thực hành sản xuất có ghi chép nhật ký chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa trở thành ý thức của người nông dân. Ngay cả với những vùng sản xuất rau được cấp chứng nhận sản xuất an toàn, mặc dù được hỗ trợ từ Nhà nước các loại tem, nhãn mác sản phẩm, nhưng do lo ngại phát sinh chi phí, trong khi giá bán các thực phẩm có tem nhãn chưa thể cao hơn sản phẩm thông thường tại hệ thống chợ truyền thống nên người sản xuất cũng bỏ qua bước này.

Đồng chí Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: Để đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu và áp dụng QR code để tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng yên tâm với sản phẩm mà mình mua. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi… Đối với người tiêu dùng khi mua những sản phẩm đóng gói, đóng hộp cần lựa chọn những sản phẩm có nhãn mác, tem, logo xác nhận của doanh nghiệp và có những thông tin đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm; với những sản phẩm thô, tươi sống nên lựa chọn các địa chỉ uy tín hoặc các cửa hàng được xác nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan chức năng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần thực hiện tốt Thông tư 74/2011/TT-BNNPTNT và Thông tư 03/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT; cần liên hệ với các cơ quan chức năng để công bố, tạo lập thương hiệu, nhãn hiệu tiến tới sử dụng QR code. Các nhà cung cấp dịch vụ tem điện tử cần nghiên cứu, cải tiến tem nhằm giảm giá thành, phù hợp với từng sản phẩm để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng. Giám đốc Cty TNHH Toản Xuân cho biết thêm: Để xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm nông sản đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất phải có giải pháp đồng bộ từ khâu tích tụ ruộng đất (vùng nguyên liệu) đến quy trình sản xuất, chế biến phải thống nhất; giống, vốn đầu tư, kỹ thuật canh tác; thu hoạch, bảo quản đều do doanh nghiệp quản lý theo kế hoạch, tách bạch rõ ràng cho từng sản phẩm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com