Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra (kỳ 2)

08:02, 05/02/2018

[links()]

II. Những vấn đề đặt ra

Đánh giá qua 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đồng chí Đỗ Hải Điền, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai khá đồng bộ; nhiều nội dung đạt kết quả bước đầu khá thành công. Đặc biệt, tỉnh đã bước đầu thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp chất lượng cao tại tỉnh. Thông qua việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về sản xuất hàng hóa. Kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các tiêu chí NTM, làm chuyển biến cơ bản bộ mặt nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác, từ 101,97 triệu đồng/ha năm 2015 tăng lên trên 103 triệu đồng/ha năm 2016 và 2017 (giá so sánh 2010). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2015-2017 đạt 1,5%/năm (riêng năm 2017 do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa nên tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp âm 1,1%).

Mô hình sản xuất rau sạch của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).
Mô hình sản xuất rau sạch của Cty CP Rau quả sạch Ngọc Anh, xã Trực Hùng (Trực Ninh).

Triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Ý Yên Trịnh Văn Mậu cho biết: “Do hiệu quả và thu nhập của nghề nông, nhất là trồng lúa, thấp nên tại huyện đã và đang diễn ra tình trạng nông dân bỏ ruộng ở nhiều địa bàn như: Yên Đồng, Yên Lương, Yên Ninh... Việc tích tụ ruộng đất của huyện còn gặp nhiều khó khăn khi một số người dân không mặn mà với làm ruộng nhưng vẫn có tư tưởng giữ đất. Huyện chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn do việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp và ẩn chứa nhiều rủi ro. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sản xuất hàng hóa”. Đây không phải là những khó khăn chỉ riêng huyện Ý Yên đang gặp phải mà phổ biến ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Tình trạng bỏ ruộng đã và đang tiếp diễn ở nhiều nơi. Năng suất, chất lượng một số loại nông sản vẫn còn thấp, cộng với chi phí sản xuất cao, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập là những tác nhân dẫn đến khả năng cạnh tranh của nông sản thấp. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 150 cánh đồng mẫu lớn sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích 6.500ha nhưng mới chỉ có trên 800ha thực hiện theo các mô hình liên kết chuỗi giá trị. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi diễn ra không đồng đều tại các địa phương. Mặc dù chăn nuôi đang phát triển theo quy mô trang trại, gia trại nhưng số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ ở khu dân cư vẫn chiếm khoảng 50%. Nuôi trồng thủy sản phát triển chưa thực sự bền vững… Nhiều HTX vẫn còn lúng túng trong việc thực hiện Luật HTX. Chưa phát triển được nhiều HTX chuyên ngành. Tại huyện Nghĩa Hưng, đến nay, tất cả các HTXNN đã chuyển đổi theo Luật HTX, tuy nhiên vẫn còn nhiều HTX hoạt động theo kiểu “bình mới, rượu cũ”, huyện cũng chưa có HTX dịch vụ chuyên ngành. Chia sẻ những tồn tại qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu của Mỹ Lộc, đồng chí Trần Tất Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hầu hết Ban Nông nghiệp các xã hoạt động chưa thực sự hiệu quả; phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở nhiều HTXNN sau chuyển đổi chưa có nhiều chuyển biến tích cực, chưa hỗ trợ nhiều cho phát triển kinh tế hộ xã viên. Bên cạnh đó, nhiều mô hình tiến bộ kỹ thuật, mô hình tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả cao như: chuyển đổi linh hoạt đất lúa, liên kết chuỗi giá trị… chưa được các địa phương của huyện nhân rộng. Sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa của huyện đạt kết quả rất thấp (mỗi vụ chỉ đạt khoảng 10ha). Việc thu hút doanh nghiệp còn gặp khó khi sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp và ẩn chứa nhiều rủi ro. Tỷ trọng nông sản, thực phẩm hàng hóa còn thấp, chất lượng chưa cao, khó cạnh tranh thị trường… Trong hội nghị tổng kết phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn năm 2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan cho biết: “Trên thực tế, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh chưa có nhiều chuyển biến rõ nét; các cấp, các ngành và các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, có lúc, có nơi việc thực hiện tái cơ cấu ngành vẫn còn bị xem nhẹ. Các hình thức tổ chức sản xuất thiếu đa dạng, chậm đổi mới. Phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, nhất là chế biến sâu nên giá trị hàng hóa không cao. Chưa có nhiều mô hình liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của sản xuất hàng hóa và phòng chống thiên tai”. Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng lớn đã tác động mạnh đến quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cùng với đó, sự chuyển biến nhận thức về tái cơ cấu ngành của chính quyền và ngành chức năng còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí lúng túng trong quá trình triển khai. Nhiều nơi chưa thực sự quan tâm chỉ đạo tái cơ cấu ngành. Một số địa phương tuy đã phê duyệt đề án, kế hoạch hành động nhưng triển khai trên thực tiễn chưa nhiều. Cơ chế, chính sách là “điểm tựa” quan trọng cho việc tái cơ cấu ngành, song đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại; một số chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống như: chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch và khuyến khích phát triển cơ giới hóa, người dân khó tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng... Hiện nay, cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp chủ yếu vẫn là vận dụng các chính sách của Trung ương theo phương thức lồng ghép đa mục tiêu nên nguồn lực đầu tư cho quá trình tái cơ cấu rất hạn chế. Tái cơ cấu nông nghiệp là một quá trình, có quy mô và phạm vi lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong khi đó, sự phối hợp hỗ trợ giữa các sở, ngành với Sở NN và PTNT còn có lúc chưa thật chặt chẽ, hiệu quả…

Theo kế hoạch trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch nông nghiệp, nông thôn. Lập quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ yếu gắn với việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các nông sản chất lượng cao, đặc trưng của tỉnh. Tập trung thực hiện các nội dung và giải pháp về thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị chuyển đổi các mô hình sản xuất, chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; tinh giản và đổi mới chất lượng bộ máy tổ chức ngành NN và PTNT. Tập trung các giải pháp phát triển sản xuất những sản phẩm chủ lực có tỷ trọng lớn và lợi thế của từng địa phương “5 cây”: lúa chất lượng cao, lúa giống, lạc, ngô, khoai tây và đậu tương; “4 con”: lợn thịt siêu nạc, lợn sữa, gà thịt, gà trứng, ngao và tôm thẻ chân trắng, tôm sú. Đồng thời phát triển nhóm sản phẩm đặc sản của địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của từng địa phương; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và thực hiện các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tốc độ tăng GDP lĩnh vực nông nghiệp đạt 2,5-3%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt từ 3,5%/năm trở lên; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản đạt 15-20%; tỷ trọng nông sản, thực phẩm hàng hóa đạt trên 70%; thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn của toàn tỉnh đạt 46-50 triệu đồng/năm… Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là tiếp tục tuyên truyền Đề án và các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tuyên truyền, phổ biến các mô hình tái cơ cấu hiệu quả. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên chính sách thu hút đầu tư; hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện các nội dung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn; thu hút và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp; hỗ trợ phát triển cơ giới hóa các khâu, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký các thương hiệu nông sản thế mạnh của tỉnh. Từng bước áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật sản xuất; đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức “đối tác công - tư” để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ tỉnh đến địa phương./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com