Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng

07:01, 04/01/2018

Năm 2017, ngành Xây dựng tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng trên tất cả mọi lĩnh vực như quy hoạch, quản lý chất lượng công trình, phát triển hạ tầng đô thị, không ngừng mở rộng các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn liền bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đảm bảo đúng định hướng tăng trưởng xanh của ngành.

Thi công đường kết nối đường Nguyễn Thị Trinh và đường Trần Thánh Tông tại khu tái định cư Đông Đông Mạc (TP Nam Định).
Thi công đường kết nối đường Nguyễn Thị Trinh và đường Trần Thánh Tông tại khu tái định cư Đông Đông Mạc (TP Nam Định).

Hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô công trình. Cùng với đó, chất lượng kỹ, mỹ thuật công trình ngày càng được quan tâm tạo nên các điểm nhấn phát triển đô thị. Năm 2017, Phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng) qua thẩm định, đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 17 tỷ 843 triệu đồng (bằng 3,89%), đồng thời phát hiện nhiều sai sót, đề xuất các giải pháp kỹ thuật khắc phục hợp lý về kiến trúc, kết cấu, điện, nước,… để thiết kế công trình tuân thủ theo đúng quy chuẩn, quy phạm và các tiêu chuẩn áp dụng, giúp chủ đầu tư khai thác tối đa hiệu quả của công trình, tiết kiệm vốn đầu tư. Với hoạt động tích cực của Chi cục Giám định xây dựng, công tác quản lý chất lượng công trình trước, trong và sau khi hoàn thành các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh được sát sao, nhiều vi phạm được phát hiện, khắc phục kịp thời. Năm 2017, Chi cục đã yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo, kiểm tra hồ sơ khởi công, hoàn thành công trình; hiện trường thi công xây dựng công trình và ban hành 82 văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định; thông báo trả lại 4 hồ sơ hoàn công do không đầy đủ, hợp lệ theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra công trình được thực hiện liên tục, thường xuyên ở mọi hạng mục như: dự án xây dựng nhà đa năng, nhà công vụ, các hạng mục phụ trợ Trường THPT An Phúc và dự án xây dựng nhà đa năng, cải tạo nhà lớp học (dãy B) và các hạng mục phụ trợ Trường THPT C Hải Hậu; Dự án Xây dựng hạ tầng Khu đô thị Dệt may Nam Định giai đoạn 1 (TP Nam Định). Tăng cường kiểm soát chất lượng các đơn vị tư vấn về thiết kế, giám sát; hoạt động của các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Chi cục đã kiểm tra, thông báo kết quả kiểm tra hoạt động của 7 phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng góp phần quản lý, đưa hoạt động của các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng đi vào nề nếp, đảm bảo tốt về chất lượng thí nghiệm, quản lý tốt chất lượng vật liệu xây dựng cũng như chất lượng thi công các công trình. Ngoài ra, Chi cục cũng chỉ đạo Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng lập dự toán thực hiện công tác khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ an toàn các công trình nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm; hỗ trợ các cấp, ngành xử lý, xác định nguyên nhân, khối lượng các hư hỏng và xây dựng phương án khắc phục công trình trên đường BOT Quốc lộ 21B. Công tác cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho các tổ chức và chứng chỉ hành nghề của cá nhân bước đầu được triển khai hiệu quả góp phần chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nâng cao năng lực tư vấn thiết kế, giám sát của ngành Xây dựng. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục được cải cách đơn giản. An toàn lao động trên các công trường thi công được đảm bảo, không xảy ra vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng.

Bộ mặt đô thị và nông thôn mới tiếp tục khởi sắc với hàng loạt các đô thị trung tâm thị trấn các huyện, các khu dân cư mới được phê duyệt đầu tư, khởi công xây dựng, góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách để tái đầu tư xây dựng các công trình phát triển kinh tế - xã hội từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Bức tranh NTM khởi sắc với dấu ấn Nghĩa Hưng trở thành huyện NTM thứ 2 của tỉnh. Cùng với đó, huyện Hải Hậu được đầu tư xây dựng mô hình NTM kiểu mẫu. Các trung tâm thương mại lớn bước đầu được hình thành và đưa vào sử dụng tại Thành phố Nam Định và các huyện như Siêu thị Co-op Mart, Khu nhà ở thương mại dịch vụ TASECO Shophouse, dự án khu đô thị Dệt may, Rạp chiếu phim Lotte tại Nam Định Tower… tạo nên chuyển biến mới về chất lượng đời sống đô thị. Các quy hoạch trọng tâm như: Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã: Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên); Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) khu vực Phủ Dầy, huyện Vụ Bản; Quy hoạch chung đô thị Rạng Đông đến năm 2040; Quy hoạch phân khu hai bên đường dẫn cầu Tân Phong  được Sở Xây dựng không ngừng đôn đốc các đơn vị tư vấn triển khai thực hiện. Quy hoạch xây dựng vùng huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với quy hoạch xây dựng vùng 4 huyện Nam Trực, Hải Hậu, Ý Yên, Vụ Bản đã được HĐND tỉnh khóa XVIII thông qua. Đơn vị tư vấn đã hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận của ngành Xây dựng, trên địa bàn tỉnh, một số công trình đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn chậm tiến độ như dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu thương mại - du lịch - dịch vụ - khách sạn đô thị mới Hòa Vượng, Khu đô thị và KCN Mỹ Trung, Dự án Bệnh viện 700 giường; Khu đô thị trung tâm các huyện Nam Trực, Trực Ninh; Dự án xây dựng khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần... Hạ tầng cấp thoát nước đô thị tiếp tục cần được nâng cấp, cải tạo để bắt kịp tiến độ phát triển hạ tầng chung, tránh tái diễn tình trạng ngập úng “lịch sử” tại Khu đô thị Hòa Vượng hồi tháng 10-2017. Hoạt động cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch, giấy phép xây dựng cần được siết chặt hơn nữa, đặc biệt tại địa bàn đô thị các huyện, đất xen kẹt ở đô thị, đất ngoại vi đô thị… Chất lượng nước sạch nông thôn còn nhiều bất cập, cần được quản lý chặt chẽ về công nghệ xử lý. Ứng dụng công nghệ mới trong thi công xây dựng, đổi mới về kiến trúc xây dựng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tiến độ xóa bỏ các lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. Chủng loại vật liệu xây dựng, nội thất xây dựng chưa đa dạng, chưa tạo được nhiều dấu ấn với thị trường xây dựng trong và ngoại tỉnh.

Năm 2018, ngành Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế quản lý về hoạt động xây dựng, tăng cường tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới về xây dựng. Ưu tiên tập trung quản lý xây dựng theo quy hoạch, giấy phép xây dựng; tăng cường quản lý chất lượng công trình ngay từ khâu “tiền kiểm”; năng lực hành nghề hoạt động xây dựng của các cá nhân và tổ chức. Tiếp tục hỗ trợ các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng hạ tầng đô thị đảm bảo đồng bộ, thông suốt, kết nối tốt với hệ thống vốn có. Thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa nông thôn theo đúng quy hoạch. Tích cực đóng góp ý kiến cho các dự thảo của bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung một số nghị định nhằm giải quyết vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com