Giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Vụ Bản

09:01, 30/01/2018

Năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Vụ Bản đạt 2.460  tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 24% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể ước đạt 845 tỷ đồng, tăng 21%; khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt 1.615 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016. Trong năm 2017, có nhiều ngành, nghề sản xuất CN-TTCN có mức tăng trưởng vượt trội như: sản xuất vật liệu xây dựng tăng 35%; cơ khí tăng 32%; chế biến thực phẩm, đồ uống tăng 29%; dệt may tăng 22%...

Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre nứa chắp tại Cty TNHH Hoàng Sơn, xã Vĩnh Hào.
Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ tre nứa chắp tại Cty TNHH Hoàng Sơn, xã Vĩnh Hào.

Trên địa bàn huyện Vụ Bản hiện có 6 làng nghề truyền thống gồm làng nghề cơ khí ở các xã Quang Trung, Trung Thành; mây tre đan, sơn mài ở các xã Liên Minh, Vĩnh Hào; dệt vải xã Thành Lợi và thêu ren xã Minh Thuận; 2 CCN tập trung ở các xã: Quang Trung, Trung Thành và KCN Bảo Minh. Với quyết tâm phát triển CN-TTCN bền vững, trong năm 2017, UBND huyện Vụ Bản chỉ đạo Phòng Công thương phối hợp với các xã, thị trấn, các ngành chức năng xây dựng kế hoạch phát triển ngành, nghề, có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp về vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo nghề... Huyện đã ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư; ưu tiên về nguồn vốn vay cho các dự án có tính khả thi đã được phê duyệt; tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện của các địa phương có làng nghề. Ưu tiên phát triển các ngành, nghề theo thế mạnh và phù hợp với từng địa phương như: nghề mây, tre đan và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại các xã Liên Minh, Vĩnh Hào, Hiển Khánh, Tân Khánh, Cộng Hòa; nghề may, thêu ở các xã Thành Lợi, Minh Thuận, Đại Thắng, Tam Thanh; sản xuất vật liệu xây dựng tại các xã Minh Thuận, Tân Thành, Liên Bảo… Ngành cơ khí, ngoài sản xuất các mặt hàng truyền thống như dao, búa công nghiệp, nông cụ… các doanh nghiệp đã sản xuất một số phụ tùng thay thế máy nông nghiệp và các sản phẩm phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát triển đa dạng các sản phẩm gạch tuynel; gạch không nung; ngói... Ngành chế biến gỗ hướng vào sản xuất đồ mộc mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Ngành chế biến tre nứa và hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu được chú trọng đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường… UBND huyện chỉ đạo Phòng Công thương, Phòng LĐ-TB và XH phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện sử dụng linh hoạt các nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ khuyến công, Đề án 1956 mỗi năm tổ chức từ 7-10 lớp đào tạo ngắn hạn các nghề: may công nghiệp, sửa chữa cơ khí, sản xuất mây tre đan... cho hàng trăm lao động nông thôn. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, những năm qua, tình hình phát triển sản xuất CN-TTCN của huyện đã có những khởi sắc mới. KCN Bảo Minh đã có 12 nhà đầu tư thứ cấp đến từ 5 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Đài Loan xây dựng nhà máy trong KCN, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 85% diện tích đất thương phẩm. Sản phẩm chủ lực ở KCN Bảo Minh bao gồm vải, sợi, quần áo may sẵn các loại; đồ gỗ xuất khẩu; dây dẫn điện phục vụ lắp ráp ô tô, xe gắn máy. Do quy mô của các doanh nghiệp đều khá lớn nên giá trị sản xuất công nghiệp hằng năm ở Bảo Minh luôn đạt khoảng 100 triệu USD, tạo việc làm cho trên 1 vạn lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong tháng 1-2018, KCN Bảo Minh đã có thêm dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Dệt và may trang phục Ramatex Nam Định với tổng mức đầu tư 1.818,4 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD), tổng diện tích đất sử dụng là 160.502m2 chuyên sản xuất: vải dệt kim, vải đan móc và các loại vải không dệt khác; may trang phục (trừ trang phục da, lông thú); trang phục dệt kim, đan móc. 2 CCN ở các xã Trung Thành, Quang Trung tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động tập trung. Các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện cũng duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Xã Vĩnh Hào hiện có khoảng 1.000 lao động ở 831/1.352 hộ vẫn tham gia làm các nghề thủ công truyền thống. Trong đó nghề làm gối mây ở thôn Tiên Hào có 263/293 hộ tham gia; ở thôn Đại Lại có 250/512 hộ gia công các sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu từ tre, nứa chắp; đan cót tuy thu nhập thấp hơn nhiều nghề khác nhưng vẫn mang đến nguồn thu quan trọng cho 232/332 hộ của thôn Vĩnh Lại; nghề đan lát các sản phẩm tre, nứa của thôn Hồ Sen vẫn còn 86/215 hộ tham gia. Xã đã phát triển được 2 doanh nghiệp quy mô từ 50-70 lao động tập trung; 6 tổ hợp sản xuất của các ông: Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Thế Thành đều ở thôn Vĩnh Lại; Nguyễn Văn Liêm, thôn Hồ Sen; Nguyễn Văn Lợi, thôn Đại Lại... Các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trong xã đã đảm nhiệm vai trò đầu mối tìm kiếm hợp đồng, tổ chức sản xuất từ chuẩn bị nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất. Không chỉ chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN trong các KCN, CCN tập trung, làng nghề truyền thống, nhiều địa phương trong huyện đã chủ động tạo các điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn Thị trấn Gôi đã phát triển được gần 40 doanh nghiệp, thu hút 1 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài của Cty TNHH Geu-Lim (Hàn Quốc) đầu tư 7 triệu USD xây dựng nhà máy may quần Jean xuất khẩu. Hiện nay, Cty đã hoạt động ổn định với khoảng 1.000 lao động, trong đó có trên 60% là lao động địa phương có mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh nghề may công nghiệp, nghề mộc mỹ nghệ của thị trấn cũng phát triển với 75 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, quy mô từ 3-10 lao động/cơ sở trải đều ở các tổ dân phố: Mỹ Côi, Tây Côi Sơn, Đông Côi Sơn, Vân Côi...  Trong năm 2017, dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi và xưởng may các loại khăn bông xuất khẩu của Cty CP Dệt may Sơn Nam (TP Nam Định) trên tổng diện tích 4,15ha tại xã Minh Tân đã hoàn thành xây dựng và chính thức hoạt động tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Ngoài các nghề thủ công truyền thống như sản xuất bún, bánh đa gạo, làm hương, xã Đại An đã thu hút được dự án đầu tư của Cty CP Dệt may Đức Anh, với tổng diện tích 1,7ha chuyên sản xuất các sản phẩm quân trang cho các doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng và gia công trang phục xuất khẩu tạo việc làm cho trên 300 lao động.

Với chủ trương phát triển sản xuất CN-TTCN tập trung vào các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, sử dụng nhiều lao động; tăng cường thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển công nghiệp phụ trợ, các điểm sản xuất vệ tinh cho Thành phố Nam Định và huyện Ý Yên liền kề là những chủ trương đúng đắn của huyện Vụ Bản đảm bảo phát triển sản xuất CN-TTCN bền vững. Năm 2018, huyện Vụ Bản phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com