Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

07:11, 16/11/2017

Theo báo cáo của Sở KH và ĐT, 9 tháng đầu năm 2017 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 582 doanh nghiệp và 70 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký là 3.158 tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm trên, toàn tỉnh đã có tổng số 7.075 doanh nghiệp và 563 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký trên 50,6 nghìn tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư đạt kết quả khá, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 34 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là 1.678 tỷ đồng và 19 dự án FDI với tổng số vốn là 2,182,5 tỷ USD. Sản xuất CN-TTCN tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2017 ước đạt 1,115 tỷ USD, tăng 29,4% so cùng kỳ, đạt 92% kế hoạch năm.

Sản xuất các loại bánh kẹo tại Cty TNHH Thương mại Hòa Bình, CCN An Xá (TP Nam Định).
Sản xuất các loại bánh kẹo tại Cty TNHH Thương mại Hòa Bình,
CCN An Xá (TP Nam Định).

Trong điều kiện khó khăn về môi trường sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất, lao động bị mất việc làm..., kết quả trên đã cho thấy kết quả những quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong đổi mới phương thức điều hành nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, trong năm 2017, toàn tỉnh có 448 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh; trong đó đã thu hồi đăng ký kinh doanh của 46 doanh nghiệp và 11 chi nhánh, văn phòng đại diện. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh ta năm 2016 tụt 13 bậc so với năm 2015, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 58,54 điểm. Nhiều doanh nghiệp phản ánh: mặc dù đã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như: chi phí không chính thức quá cao; thời gian giải quyết thủ tục hành chính còn dài; khó tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi; công tác phối hợp giữa các sở, ngành chức năng và UBND các địa phương chưa nhuần nhuyễn... Mới đây nhất, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, cộng đồng doanh nghiệp đã thẳng thắn phản ánh và đề nghị lãnh đạo tỉnh: tiếp tục chỉ đạo sát sao các sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục về đất đai; nhiều làng nghề còn nằm xen kẽ trong dân, không được quy hoạch đất riêng; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng, công khai quy hoạch diện tích đất dành cho phát triển các làng nghề; chỉ đạo cấp huyện thành lập Hiệp hội doanh nghiệp để tạo đầu mối hỗ trợ giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; vấn đề cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp đầu tư trong CCN... Những khó khăn, hạn chế nêu trên đã trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đơn cử như trường hợp một doanh nghiệp cơ khí đang đầu tư tại CCN Đồng Côi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) kiến nghị về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong CCN. Đại diện doanh nghiệp này cho biết: Doanh nghiệp đã đầu tư vào CCN Đồng Côi hơn 10 năm, là đối tác sản xuất các loại linh kiện phục vụ ngành viễn thông của Tập đoàn Viettel với doanh thu hằng năm từ 40-50 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên doanh nghiệp không có cơ sở pháp lý để chứng minh với đối tác về năng lực tài chính, kỹ thuật để hoàn thành các hợp đồng kinh tế...

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đột phá để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh như: ban hành nghị quyết về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1378/QĐ-UBND ngày 19-6-2017 thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh là đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục góp phần thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trung tâm thực hiện 6 nhiệm vụ chính thuộc các lĩnh vực: xúc tiến đầu tư; tiếp nhận và xử lý thủ tục đầu tư; thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhà đầu tư; theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo (định kỳ và đột xuất) tình hình tổ chức hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư... Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành: KH và ĐT, Công thương, TN và MT, Thuế, Ngân hàng… thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thuế, ưu tiên giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tập trung chỉ đạo giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… UBND tỉnh giao các sở, ngành chức năng định kỳ tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt thông tin, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đồng thời phổ biến những quy định, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh trong quá trình đầu tư… Thực hiện chủ trương và chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2017, Sở Công thương đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai thực hiện 7 nhóm giải pháp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng, quản lý thực hiện tốt 4 quy hoạch; chủ động và phối hợp với các ngành, UBND các huyện nắm sát tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, lưu thông, bảo đảm cân đối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu. Các hoạt động nắm bắt thông tin, trực tiếp cho doanh nghiệp được triển khai hiệu quả qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại. Sở KH và ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1644/QĐ-UBND ngày 21-7-2017 với nguồn kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng để thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư năm 2017 với 7 giải pháp trọng tâm tập trung vào các vấn đề: đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, hiện đại; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư; hoàn thiện các quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, CCN; tăng cường thu hút đầu tư từ các đối tác chiến lược...

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh phát triển được trên 10 nghìn doanh nghiệp, gấp 1,5-2 lần so với năm 2016 (theo Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 30-6-2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) các cấp, các ngành cần “xắn tay” vào việc quyết liệt hành động giải quyết dứt điểm, có hiệu quả những kiến nghị đã được doanh nghiệp nêu thuộc thẩm quyền, trách nhiệm. Cam kết của UBND tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư cần phải được các ngành, các địa phương cụ thể hóa bằng các hành động thiết thực mới góp phần thực hiện thành công mục tiêu nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, đưa tỉnh ta bước vào thời kỳ phát triển mới, kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, đời sống nhân dân ngày một nâng lên./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com