Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách

08:10, 30/10/2017

Sau 15 năm đi vào hoạt động, đến nay cơ cấu nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng CSXH tỉnh tương đối đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, qua đó góp phần phát triển kinh tế gắn với xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội ở các địa phương trong tỉnh.

Nhờ vốn vay tín dụng chính sách gia đình bác Vũ Thị Lành, xã Nam Phong (TP Nam Định) phát triển nghề trồng hoa mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Nhờ vốn vay tín dụng chính sách gia đình bác Vũ Thị Lành, xã Nam Phong (TP Nam Định) phát triển nghề trồng hoa mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Tính đến hết tháng 9-2017, tổng nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 2.584,8 tỷ đồng, tăng 2.378 tỷ đồng (tăng 11,5 lần) so với thời điểm mới thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân 76%/năm. Hiện nay, cơ cấu nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh gồm nguồn vốn Trung ương 2.291 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 88,6%; nguồn vốn ngân sách tỉnh 14,7 tỷ đồng, tăng 9,7 tỷ đồng so với khi thành lập; nguồn vốn huy động tại địa ph­ương được Trung ương cấp bù lãi suất chênh lệch 279,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,8%. Trong tổng số nguồn vốn huy động tại địa phương thì tiền gửi của các tổ viên của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) là 72,2 tỷ đồng; tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã 37 tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức và cá nhân 71,3 tỷ đồng; huy động tiền gửi từ dịch vụ ký quỹ đi lao động Hàn Quốc 98,6 tỷ đồng... Nhờ nguồn vốn dồi dào, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi, giải ngân cho 613.206 lượt khách hàng số tiền 7.563,8 tỷ đồng, bình quân mỗi năm giải ngân cho trên 40 nghìn lượt khách hàng vay; doanh số thu nợ 5.200 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến đầu tháng 9-2017 đạt 2.568,6 tỷ đồng, tăng 2.361,8 tỷ đồng (tăng 12,4 lần) so với khi nhận bàn giao. Hiện có 126.987 hộ còn dư nợ, chiếm 21% tổng số hộ dân trong toàn tỉnh. Nợ quá hạn 3 tỷ 3 triệu đồng, tỷ lệ giảm từ 1% dư nợ khi nhận bàn giao xuống còn 0,12%. Một số chương trình cho vay đạt hiệu quả cao như: Chương trình cho vay hộ nghèo đã giải ngân cho 261.192 lượt hộ nghèo, số tiền 2.415 tỷ đồng; doanh số thu nợ 2.161,6 tỷ đồng. Đến 31-8-2017, dư nợ 428,2 tỷ đồng, tăng 252,4 tỷ đồng so với khi nhận bàn giao, với 12.503 hộ nghèo đang vay vốn, dư nợ bình quân 34 triệu đồng/hộ. Chương trình cho vay hộ cận nghèo được thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện đã giải ngân cho 29.939 lượt hộ được vay vốn với số tiền 921,6 tỷ đồng; doanh số thu nợ 295,4 tỷ đồng. Dư nợ đến hết tháng 8-2017 đạt 626,1 tỷ đồng, với 18.329 hộ còn vay vốn, dư nợ bình quân 34 triệu đồng/hộ. Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo thực hiện theo Quyết định số 28/2013/QĐ-TTg ngày 21-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ đã giải ngân cho vay đạt 281,6 tỷ đồng, với 7.202 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ 20,4 tỷ đồng; dư nợ đạt 261,2 tỷ đồng, với 6.850 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 38 triệu đồng/hộ... Các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH tỉnh đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, phù hợp với sự phát triển của từng vùng, miền; nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần đáng kể vào việc hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM của các xã, thị trấn trong toàn tỉnh, được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Từ việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đã huy động được nhiều nguồn lực tài chính để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế hộ, nguồn vốn cho vay chủ yếu tập trung vào phát triển ngành nghề, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp các hộ vay ổn định sản xuất, tăng sản phẩm, thu nhập, thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống. Thông qua hoạt động ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức hội, đoàn thể, Ngân hàng CSXH đã tạo được kênh dẫn vốn tín dụng chính sách nhanh nhất, gần nhất đến các đối tượng được thụ hưởng; thông qua việc bình xét cho vay công khai đã có tác động tích cực đến các hộ vay vốn, khuyến khích họ sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; phát huy thế mạnh của các tổ chức hội, đoàn thể trong việc phát hiện đối tượng thực sự có nhu cầu, đảm bảo công bằng qua việc bình xét cho vay, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ gốc, lãi của các đối tượng thụ hưởng được thuận lợi hơn. Đồng thời nguồn thu từ phí ủy thác và hoa hồng đã tạo điều kiện cho các tổ chức hội, đoàn thể, tổ TK và VV có thêm kinh phí hoạt động, tăng sức hấp dẫn thu hút phát triển hội viên, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào hội.

Với mục tiêu đảm bảo 100% người nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận sản phẩm và dịch vụ của Ngân hàng CSXH cung cấp, thời gian tới Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh. Thường xuyên tham mưu, đề xuất với Ban đại diện HĐQT để chỉ đạo kịp thời hoạt động của Ngân hàng CSXH trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Tổ chức triển khai thực hiện tốt nghị quyết của Ban đại diện HĐQT, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Ngân hàng CSXH; bám sát chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trọng tâm là chương trình giảm nghèo, tạo việc làm và chương trình xây dựng NTM. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng hằng năm được giao; giải ngân kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng; nâng mức cho vay theo quy định đối với các hộ sử dụng vốn vay đang phát huy hiệu quả tốt. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác tích cực huy động tiền gửi của tổ viên tổ TK và VV, huy động tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã... Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền kịp thời về các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác bằng nhiều hình thức. Thường xuyên quan tâm củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK và VV, phát huy tốt vai trò quản lý vốn của tổ TK và VV tại cơ sở. Tổ chức duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động tại điểm giao dịch xã, nâng cao chất lượng họp giao ban tại điểm giao dịch, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của thành viên ban đại diện, các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác và nhân dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com