Thực hiện Đề án phát triển làng nghề Hải Hậu: Cần đi vào chất lượng

07:10, 26/10/2017

Nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, xây dựng NTM bền vững, thực hiện nghị quyết của Huyện uỷ, UBND huyện Hải Hậu đã xây dựng đề án “Phát triển CN-TTCN, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020”. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt 6.872 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 4,5 lần so với năm 2015; phát triển sản xuất CN-TTCN trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 35,3% cơ cấu kinh tế toàn huyện. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn ít nhất có 1 làng nghề, mỗi gia đình có một nghề. Sau gần 2 năm quyết liệt triển khai thực hiện đề án, toàn huyện đã phát triển được 44 làng nghề, trong đó có 14 làng nghề sản xuất CN-TTCN; 20 làng nghề trồng hoa - cây cảnh; 3 làng nghề nuôi thủy sản; 5 làng nghề trồng cây dược liệu; 2 làng nghề xây dựng... tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 nghìn lao động.

Cơ sở sản xuất sản phẩm mộc mỹ nghệ của anh Đỗ Văn Luyến, xóm 19, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Cơ sở sản xuất sản phẩm mộc mỹ nghệ của anh Đỗ Văn Luyến, xóm 19, xã Hải Anh (Hải Hậu).

Đó là kết quả sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã, thị trấn; triển khai các giải pháp giúp tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; chủ trương phát triển làng nghề của huyện đã có bước đột phá mạnh mẽ. Số hộ và số lao động ở các làng nghề làm nghề tăng theo từng năm, chiếm trên 30% tổng số lao động của cả làng, một số làng nghề thu hút đông lao động tới hơn 80% số hộ tham gia làm nghề như: làng nghề mộc xã Hải Minh (81,63%), làng nghề cán kéo sợi PE Thị trấn Thịnh Long (82,61%), làng nghề đan lưới xã Hải Triều (85%)... Doanh thu từ các làng nghề: mộc, đan lưới, sản xuất sợi PE, nuôi thủy sản và trồng cây dược liệu ổn định và phát triển; chiếm 50% đến trên 90% doanh thu của cả làng. Trong 14 làng nghề CN-TTCN thì có 7 làng nghề mộc mỹ nghệ phát triển mạnh. Số hộ và số lao động trong các làng nghề tăng theo từng năm, doanh thu từ làm nghề chiếm từ 70-90% tổng doanh thu của cả làng. Các làng nghề: cán kéo sợi PE ở Thị trấn Thịnh Long, sản xuất bánh kẹo ở Thị trấn Yên Định và đan lưới cước ở xã Hải Triều phát triển ổn định. Huyện có 3 làng nghề nuôi thủy sản, trong đó có 2 làng nghề của xã Hải Chính và Hải Triều nuôi thủy sản nước mặn, còn làng nghề của xã Hải Châu chủ yếu là nuôi thủy sản nước ngọt. Ở làng nghề nuôi thủy sản của các xã Hải Châu, Hải Triều số hộ nuôi tăng chậm nhưng doanh thu tăng rất cao, chiếm khoảng 75-93% tổng doanh thu của cả làng. Làng nghề nuôi thủy sản xã Hải Châu nằm trong vùng quy hoạch 50ha của Bộ NN và PTNT, đối tượng nuôi chủ yếu là cá diêu hồng đã tạo được thương hiệu hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường. 5 làng nghề trồng cây dược liệu ở các xã: Hải Lộc, Hải Toàn, Hải Giang, Hải Quang, Hải Ninh chủ yếu trồng cây thìa canh và đinh lăng được các Cty: Traphaco, Nam Dược ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát triển làng nghề giai đoạn 2015-2020 của huyện cũng còn bộc lộ một số khó khăn. 3 làng nghề xe đay dệt chiếu của các xã Hải Bắc, Hải Phương và Hải An có xu hướng đi xuống, số khung dệt giảm mạnh, không duy trì được như những năm đầu công nhận. Xã Hải Bắc khi được UBND tỉnh công nhận làng nghề năm 2012 có khoảng 200 khung dệt nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 90 khung dệt nhưng không còn sản xuất, chỉ còn 2 hộ đầu tư máy dệt chiếu duy trì sản xuất. Xã Hải Phương số hộ và số lao động giảm mạnh, hiện nay làng nghề chỉ duy trì được khoảng 30-40 hộ xe đay nhưng lao động chủ yếu là người già và thu nhập rất thấp. Nghề dệt chiếu ở xã Hải An vẫn duy trì nhưng quy mô nhỏ, chỉ 20-30 hộ còn sản xuất nhưng không liên tục, thu nhập thấp. Tất cả các làng nghề trồng hoa cây cảnh nói chung đều trầm lắng. Trong 20 làng nghề cây cảnh thì có một số làng hoa cây cảnh ở các xã Hải Đường, Hải Hòa, Hải Lý, Hải Sơn, Hải Phú vẫn duy trì hoạt động buôn bán nhưng nhỏ lẻ, doanh thu thấp. Có 2 làng nghề trồng hoa của xã Hải Hưng và Hải Xuân vẫn duy trì tốt nhưng diện tích trồng vẫn còn ít, chưa đa dạng chủng loại, quy hoạch vùng sản xuất chưa có. 2 làng nghề xây dựng dân dụng tại các xã: Hải Phúc, Hải Phong được UBND huyện công nhận năm 2013 nhưng không có tính ổn định, số hộ và số lao động nhiều nhưng chủ yếu làm ở nơi khác. Nhìn chung các làng nghề sinh vật cảnh của huyện chưa tạo được kênh tiêu thụ ổn định nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vai trò của các Ban điều hành hoạt động làng nghề tại các địa phương chưa được phát huy; công tác phối hợp của Ban điều hành làng nghề với cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thống nhất, các hoạt động còn đơn điệu và không đổi mới nên hiệu quả tác động thúc đẩy phát triển sản xuất tại các làng nghề còn thấp. Bên cạnh đó, năng lực quản lý, công nghệ sản xuất chưa đồng bộ, hiện đại nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề chưa cao. Trình độ tay nghề của người lao động, trình độ quản lý của chủ cơ sở sản xuất còn thấp, chủ yếu phát triển nghề theo phương thức “cha truyền con nối” dẫn đến sự kết hợp giữa kinh nghiệm với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế; tính sáng tạo, đổi mới chưa cao. Các hộ, HTX và doanh nghiệp trong làng nghề còn gặp trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi nên khó khăn trong vốn đầu tư phát triển. Chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá về làng nghề, ngành nghề nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự liên kết bền vững giữa các cơ sở, các làng nghề...

Để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của đề án, tháo gỡ khó khăn để các làng nghề phát triển bền vững, huyện Hải Hậu chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp như: quan tâm, chú trọng tổ chức thường xuyên công tác đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển giao kỹ thuật để cung ứng nguồn lao động ổn định, tay nghề cao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề. Phát huy tối đa kinh nghiệm, vai trò và uy tín của đội ngũ nghệ nhân làng nghề để nhân rộng, phổ biến tinh hoa kỹ thuật nghề nghiệp cho lao động, thợ trẻ tại các làng nghề. Củng cố, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Ban điều hành làng nghề trong công tác điều hành thúc đẩy các hoạt động làng nghề; đồng thời chủ động tiếp cận thông tin, thị trường và phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh và chính quyền địa phương để tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề về: thủ tục hành chính, mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nghề… để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Các làng nghề mộc mỹ nghệ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền nghề, dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động; tiến hành xây dựng thương hiệu sản phẩm, tổ chức tham quan các mô hình sản xuất giỏi để phát triển sản xuất các sản phẩm mới; tăng cường liên kết để mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm. Đối với làng nghề xe đay dệt chiếu, Ban chỉ đạo đề án và Ban điều hành các làng nghề tích cực vận động các hộ sản xuất đẩy mạnh áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất, cải tiến, phát triển đa dạng hóa các mẫu sản phẩm với nhiều chức năng mới như vật dụng trang trí nội thất… và nâng cao chất lượng hàng hóa. Các làng nghề trồng hoa - cây cảnh cần chuyển đổi hình thức thâm canh, chuyển từ xu hướng số lượng, cây thô sang hướng tập trung chất lượng, chăm tỉa các cây đẹp, có giá trị cao, lấy diện tích thừa để xen canh các loại cây khác; chuyển sang trồng các loại cây theo mùa vụ như: quất, đào, các loại hoa để “lấy ngắn nuôi dài”, tăng thêm thu nhập. Tiếp tục tuyên truyền để các hộ sản xuất trong 3 làng nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững; khuyến khích các hộ đầu tư khoa học kỹ thuật và đa dạng hóa các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây dược liệu; chuyển đổi một số diện tích đất 2 lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây dược liệu để nâng cao thu nhập cho nhân dân./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com