Thúc đẩy việc chuyển đổi sản xuất sang nuôi thủy sản

06:10, 28/10/2017

Việc chuyển đổi đất trồng trọt, làm muối không hiệu quả sang nuôi thủy sản đã làm tăng diện tích các loại hình mặt nước và sản lượng thủy sản nuôi, qua đó tiềm năng đất đai được khai thác hiệu quả hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển khoảng 4.000ha diện tích đất trồng lúa, làm muối hiệu quả kinh tế thấp sang nuôi thủy sản. Phát triển nuôi thủy sản đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng ven biển.

Nhờ chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang nuôi thủy sản, đời sống của người dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được nâng cao.
Nhờ chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang nuôi thủy sản, đời sống của người dân xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) được nâng cao.

Diện tích nuôi mặn lợ chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, ngao và một số loại cá chủ yếu ở những vùng chuyển từ đất làm muối, trồng cói, trồng lúa bị nhiễm mặn sang nuôi thủy sản. Các mô hình nuôi chủ yếu với phương thức thâm canh và bán thâm canh, đã hình thành được các vùng nuôi tập trung góp phần tạo ra khối lượng sản phẩm lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với vùng nuôi nước ngọt, chủ yếu diện tích được chuyển từ đất trồng lúa trũng sang nuôi thủy sản với các đối tượng chủ yếu là cá truyền thống và một số loài đặc sản như cá lăng, cá trắm đen, cá diêu hồng… theo mô hình VAC nhằm tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp; các loài cá đặc sản được nuôi theo hình thức bán thâm canh. Nhiều xã chỉ đạo tốt việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất gắn với dồn điền đổi thửa, mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng lúa, rau màu, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) có diện tích 291ha nuôi thủy sản, trong đó có 126,7ha được chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Nhờ tích cực vận động người dân chuyển đổi, mở rộng diện tích nuôi thủy sản nên hiệu quả sản xuất cao gấp 5 đến 7 lần so với trồng lúa. Nhiều hộ nhờ chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi thủy sản đạt thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm như hộ các ông Lại Văn Thanh, xóm 2; Nguyễn Văn Thông, Vũ Mạnh Hùng, Phạm Văn Dinh xóm 3… Xã Tân Khánh thuộc vùng trũng của huyện Vụ Bản. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương xã luôn định hướng, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân khai thác lợi thế tự nhiên, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Những thửa ruộng cấy lúa 1 vụ bấp bênh nay đã trở thành những trang trại xanh mướt với vườn cây, ao cá cho thu nhập cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã. Chúng tôi đến thăm ao nuôi cá của gia đình ông Ngô Văn Say, thôn Bàn Kết đúng lúc ông vừa bơi thuyền trên ao rải thức ăn cho cá về. Ông Say tâm sự: “Trước kia, khi địa phương có chính sách chuyển đổi đất canh tác chiêm trũng sang nuôi thủy sản, vợ chồng tôi mạnh dạn đấu thầu 2 mẫu ruộng và cải tạo thành ao nuôi cá. Đến nay, diện tích đã được mở rộng lên 1ha nuôi cá trắm đen kết hợp ương cá giống. Mỗi năm trung bình tôi thu hoạch được 8 tấn cá thương phẩm và 3 tấn cá giống. Ngoài ra, tôi còn tận dụng đất quanh ao để trồng bưởi Diễn. Với gần 200 cây bưởi, mỗi năm tôi thu thêm được hơn 40 triệu đồng”. Từ những điển hình như gia đình ông Ngô Văn Say, giờ đây rất nhiều người dân cần cù, năng động biến bất lợi thành ưu thế, chuyển đổi những ruộng trũng bỏ hoang, những ruộng muối hiệu quả thấp thành nguồn thu tiền tỷ.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế cản trở hiệu quả chuyển đổi sang nuôi thủy sản như: một số vùng chuyển đổi có nguồn nước khó khăn; không có hệ thống kênh tưới, tiêu riêng biệt hoặc năng lực của hệ thống tưới tiêu không đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng nuôi thủy sản chủ yếu dựa vào đầu tư của Nhà nước, vốn huy động từ các nguồn khác còn nhiều khó khăn. Việc tổ chức tiêu thụ các loại sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ hạn chế. Các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ nội địa, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì chủ yếu xuất qua đường tiểu ngạch. Chính vì vậy, Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Phòng Kinh tế rà soát, đánh giá tình hình chuyển đổi diện tích trồng lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, từ đó tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi; đẩy mạnh công tác khuyến ngư, tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế thủy sản, từng bước xây dựng thương hiệu thủy sản của các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT phối hợp với các ngành chức năng đề xuất UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các vùng chuyển đổi đã đi vào sản xuất ổn định nhằm động viên người sản xuất yên tâm đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng chuyển đổi như có cơ chế hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lây lan, quảng bá sản phẩm; kêu gọi hỗ trợ vốn đầu tư của Trung ương để xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản, đặc biệt là cải thiện hệ thống thủy lợi…

Từ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp lý đã góp phần tăng diện tích mặt nước đưa vào nuôi thủy sản, sản lượng nuôi cũng liên tục tăng mạnh. Đa phần các dự án chuyển đổi sang nuôi thủy sản khi đưa vào khai thác đều cho hiệu quả tốt. Nhìn chung tại các vùng chuyển đổi hiện nay đang cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-10 lần so với trồng lúa và làm muối. Theo quy hoạch của các địa phương, dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển 1.289,4ha, trong đó đất sản xuất muối 85ha, trồng lúa 1.204,4ha; chủ yếu tập trung tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Ý Yên. Đồng thời với việc xúc tiến, vận động người dân hưởng ứng chủ trương thì các hạn chế, bất cập nêu trên cần được quan tâm khắc phục để phát huy tối đa hiệu quả tác động đối với phát triển kinh tế, giúp người dân làm giàu./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com