Phát triển hợp tác xã chuyên ngành theo thế mạnh sản xuất nông nghiệp địa phương

07:09, 21/09/2017

Thực hiện Luật HTX năm 2012, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển được một số HTX chuyên ngành. Kết quả hoạt động bước đầu của các HTX chuyên ngành này cho thấy đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát huy tối đa thế mạnh sản xuất nông nghiệp của từng địa phương.

Trang trại của ông Nguyễn Việt Hùng, thành viên HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên).
Trang trại của ông Nguyễn Việt Hùng, thành viên HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi (Ý Yên).

Nhằm đảm bảo năng lực khai thác tối đa lợi thế của vùng đất bãi bồi trù phú ven sông Đào, nhiều hộ nông dân xã Nam Cường (Nam Trực) đã liên kết thành lập HTX Hoa rau Long Hải với ngành nghề kinh doanh là sản xuất và cung ứng rau an toàn phục vụ người tiêu dùng. Với diện tích canh tác gần 10 mẫu, mỗi năm, HTX cung ứng trên 18 tấn rau sạch các loại như: húng quế, húng cây, rau mùi, cải ngọt xanh, cải bắp, chuối goòng… ra thị trường. HTX vận động các thành viên thực hiện sản xuất với phương châm “sản xuất rau cho người tiêu dùng sử dụng cũng như cho mình sử dụng”. Các thành viên HTX thực hiện trồng rau không bón phân vô cơ, chỉ bón trấu, phân hữu cơ với quy trình nghiêm ngặt nhất, bảo đảm cung ứng rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Thị trường chủ yếu hiện tại của HTX là các cửa hàng lớn, các bếp ăn tập thể trong tỉnh và Thành phố Hà Nội… Sản phẩm của HTX hoa rau Long Hải đã góp thêm một khối lượng rau bảo đảm ATVSTP cung cấp cho người tiêu dùng, thay thế rau đại trà có nguy cơ mất an toàn do phương pháp canh tác không đảm bảo. Đặc biệt, hoạt động của HTX từng bước thay đổi nhận thức của người nông dân địa phương từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất canh tác nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, HTX đang đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động và tiến hành thủ tục để tiếp tục thuê đất nông nghiệp lâu dài; xây dựng chuỗi cửa hàng cung cấp rau sạch; liên kết với các đối tác tại các thành phố lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Xã Yên Lợi (Ý Yên) là địa phương có truyền thống và thế mạnh trong phát triển chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, đa số các hộ chăn nuôi trong xã thiếu thông tin thị trường và đầu ra sản phẩm; khó tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thiếu thông tin kỹ thuật; thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các chủ trang trại… Để giải quyết những khó khăn trên, từ cuối năm 2015, HTX Chăn nuôi Yên Lợi được thành lập với mục đích tập hợp các hộ chăn nuôi trong xã tương trợ và giúp đỡ nhau trong sản xuất nhằm cải tạo con giống, giảm chi phí đầu vào, bảo đảm vệ sinh môi trường chăn nuôi, tạo ra những sản phẩm an toàn có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên. Tham gia vào HTX, các thành viên phải ký cam kết bảo đảm chăn nuôi lợn sạch và an toàn thực phẩm, không sử dụng chất cấm, chất tạo nạc và kháng sinh bừa bãi. Thực hiện đầy đủ công tác tiêm vắc-xin cho gia súc ở 2 vụ xuân và thu; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ… phòng chống dịch bệnh; xây bể bi-ô-ga để xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vừa qua, HTX đã tập trung xây dựng một số chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm “lợn sạch Nam Sơn”, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ lợn giúp thành viên HTX đứng vững trước “cơn bão hạ giá thịt lợn”. Mặc dù hoạt động chưa lâu, song HTX chăn nuôi Yên Lợi đang là một điển hình trong liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, đảm bảo tạo ra sản phẩm an toàn, tăng sức cạnh tranh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Việc phát triển của HTX Chăn nuôi Yên Lợi không chỉ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình mà còn là xu hướng của mô hình kinh tế tập thể hiện đại. Xã Xuân Hòa (Xuân Trường) có ưu thế phát triển nuôi thủy sản cả nước ngọt và mặn lợ với các đối tượng nuôi là cá trắm đen, cá chép, cá hồng mỹ, tôm thẻ chân trắng và cá lăng chấm. Trước kia, các hộ nuôi thủy sản hoạt động riêng lẻ nên việc quản lý và hiệu quả nuôi chưa thực sự cao. Cuối năm 2014, các hộ nông dân hoạt động nuôi thủy sản trong xã đã thành lập HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa với mục đích hợp tác để khắc phục những khó khăn do yếu tố thời tiết, dịch bệnh, thị trường, con giống, thức ăn, đồng thời nâng cao tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường vùng nuôi; tương trợ lẫn nhau trong việc ứng dụng công nghệ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. HTX đứng ra giám sát về con giống, thức ăn, thuốc thú y và đối phó dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… Hiện HTX đã thu hút 20 hộ tại địa phương tham gia. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, HTX đã xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản nhằm cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các hộ xã viên, vừa chủ động tiết kiệm chi phí vừa kiểm soát được chất lượng thức ăn cho thủy sản. Việc thành lập HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa đã đem lại hiệu quả cao cho các hộ nuôi trong xã. Qua hợp tác sản xuất, các hộ nuôi ở Xuân Hòa đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo về số lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên trong HTX.

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, hiện toàn tỉnh có 34 HTX chuyên ngành, gồm: 14 HTX trồng trọt, 8 HTX chăn nuôi, 8 HTX nuôi trồng thủy sản, 4 HTX khai thác thủy sản. Mô hình HTX chuyên ngành đã phát huy vai trò tập hợp, vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, nhận thức rõ hơn quá trình chuyển từ sản xuất hộ đơn lẻ, manh mún sang nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, thích ứng với cơ chế thị trường. Đây cũng là nơi các hộ nông dân được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả. Đồng thời, mở ra khả năng liên kết với doanh nghiệp và liên kết lẫn nhau để đáp ứng yêu cầu thương mại hội nhập. Mô hình HTX chuyên ngành đã và đang tạo ra động lực “kép”, thực hiện những cải cách mạnh mẽ để tạo đột phá trong việc khai thác tối đa lợi thế của mỗi địa phương. Hầu hết các HTX chuyên ngành được thành lập sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tập trung vào từng lĩnh vực trong nông nghiệp và thường lựa chọn một số loại sản phẩm chính như: Trồng rau sạch, nấm, dược liệu, hoa và cây cảnh; chăn nuôi; nuôi thủy sản, đánh bắt cá… Một số HTX mới thành lập hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu là: HTX Nấm Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu); HTX dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam, xã Hải Trung (Hải Hậu); HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản); HTX thủy sản Tây Chùa, xã Yên Trung (Ý Yên)… Mặc dù số lượng các HTX chuyên ngành thành lập mới và hoạt động đúng theo Luật còn ít, chưa có nhiều thành viên tham gia, cùng với đó là những khó khăn như: Quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu, hoạt động tài chính còn yếu, chính sách hỗ trợ chưa nhiều... Nhưng có thể nói, hoạt động của các HTX chuyên ngành đang góp phần tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh nhờ khắc phục được những bất cập của kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, thiếu bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com