Những vấn đề cần quan tâm trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở Ý Yên

05:05, 27/05/2017

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị sản xuất, huyện Ý Yên đang tích cực triển khai các giải pháp theo Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ðến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, bước đầu hình thành một số mô hình sản xuất an toàn, tích cực liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh cơ giới hóa...

Cửa hàng giới thiệu sản phẩm các mô hình khuyến nông của huyện Ý Yên tại Thị trấn Lâm.
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm các mô hình khuyến nông của huyện Ý Yên tại Thị trấn Lâm.

Trên cơ sở Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và điều kiện thực tế địa phương, năm 2015, Ý Yên đã xây dựng và triển khai Ðề án của huyện với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Ðể đạt mục tiêu đó, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xác định cây, con chủ lực để áp dụng vào sản xuất. Ðối với cây lúa, đưa các giống có thời gian sinh trưởng ngắn cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, tập trung vào các giống chủ lực như:

Bắc thơm số 7, BC15, Hương thơm số 1, Thái Xuyên 111... Ðồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất từ khâu làm đất, gieo sạ đến thu hoạch; tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh thực hành sản xuất tốt, khoa học công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Do đó đảm bảo duy trì năng suất lúa của huyện đạt trên 60 tạ/ha trong vụ xuân, 50 tạ/ha trong vụ mùa. Với việc chuyển đổi tích cực cơ cấu giống, mùa vụ nên huyện đã hình thành ổn định tập quán sản xuất 3 vụ/năm trên diện tích canh tác hằng năm. Ngoài lúa, cây lạc và khoai tây là cây màu chủ lực, huyện tiếp tục duy trì và phát triển 1.200-1.500ha cây lạc ở vụ xuân, 700-900ha khoai tây ở vụ đông. Do tích cực tiếp thu, nhiều hộ nông dân trong huyện đã chuyển đổi cơ cấu giống khoai tây từ các loại truyền thống như: KT3, Trung Quốc sang các giống khoai tây của Ðức, Hà Lan có năng suất, chất lượng cao như: Marabell, Solara… Chăn nuôi của huyện đang chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Huyện chỉ đạo khuyến khích các hộ chăn nuôi chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong năm qua, đã vận động thành lập được HTX Chăn nuôi Yên Lợi, được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN và PTNT) cấp giấy chứng nhận chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện HTX đã mở được cửa hàng “thịt lợn sạch Nam Sơn”. Ðây là bước khởi động tích cực để huyện từng bước nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, cung ứng ra thị trường sản phẩm rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng... Trong nuôi trồng thủy sản, ngoài các đối tượng cá truyền thống, huyện chỉ đạo các địa phương phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích nuôi công nghiệp, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP), từng bước áp dụng công nghệ cao đảm bảo an toàn dịch bệnh và môi trường. Huyện đã chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa - cá có hiệu quả kinh tế cao tại xã Yên Khánh, Yên Chính. Thành công bước đầu của mô hình là cơ sở để huyện từng bước nhân rộng mô hình có hiệu quả, mở rộng diện tích lúa - cá trên những chân đất trũng cấy lúa kém hiệu quả, tập trung ở các xã Yên Khánh, Yên Hồng và 13 xã ven đê đại hà.

Ðể đảm bảo thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Ý Yên còn tích cực chỉ đạo đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất và phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị. Ðến nay, các HTXNN trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành đại hội xã viên; thành lập mới được 2 HTX chuyên ngành là HTX Chăn nuôi Yên Lợi và HTX Nuôi trồng thủy sản Tây Chùa, xã Yên Trung. Các mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất mở rộng quy mô sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản xuất hiện ngày càng nhiều. Ðiển hình là HTX Yên Lộc (Yên Lộc) tích tụ 8,4ha; HTX Tây Thắng (Yên Thắng) tích tụ 7,4ha; bà Nguyễn Thị Tình (Yên Ninh) tích tụ 10ha… liên kết sản xuất gạo sạch với Cty TNHH Toản Xuân. Ngoài các mô hình trên, các mô hình liên kết sản xuất rau an toàn giữa các hộ nông dân xã Yên Dương với Cty TNHH Tuệ Hương; mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản giữa HTX DVNN Yên Cường (Yên Cường) với Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (Ninh Bình)… cũng là điểm sáng trong đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nhằm tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Ðể xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản chủ lực, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông xây dựng cửa hàng giới thiệu, cung cấp sản phẩm sản xuất theo mô hình rau an toàn trên địa bàn huyện. Kinh tế trang trại phát triển nhanh, hiện toàn huyện có 50 trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT. Các trang trại tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đồng thời tổ chức tốt việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nên sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Ðiển hình là trang trại nuôi 3.000 con lợn thịt của ông Cù Trung Lai ở xã Yên Hồng; trang trại nuôi 500 con lợn thịt của ông Nguyễn Việt Hùng, xã Yên Lợi; trang trại nuôi 200 con lợn nái của ông Phương, xã Yên Thọ…

Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở Ý Yên bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mặc dù đã phát huy hiệu quả song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, người sản xuất vẫn chưa quyết định được giá sản phẩm làm ra mà vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố trung gian dẫn đến lợi nhuận chưa tương xứng với công sức đầu tư. Trên địa bàn huyện còn rất ít cơ sở chế biến nông sản. Do hiệu quả và thu nhập nghề nông, nhất là nghề trồng lúa thấp nên đã và đang diễn ra tình trạng nông dân bỏ ruộng ở nhiều nơi như: Yên Ðồng, Yên Lương, Yên Ninh... Trong khi đó việc tích tụ ruộng đất vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi một số nông dân vẫn có tư tưởng giữ đất. Huyện chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn do việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp và ẩn chứa nhiều rủi ro. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy đã được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sản xuất hàng hóa.

Ðể thực hiện thành công tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với phát triển công nghệ bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ðổi mới bộ giống và cơ cấu giống lúa, lạc, ngô, khoai, rau theo hướng ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Quản lý và sử dụng linh hoạt trên 1.500ha đất trồng lúa. Ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các mô hình thu gom, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung. Hình thành các vùng trồng rau VietGAP tại các xã Yên Dương, Yên Ðồng, Yên Nhân. Xây dựng các vùng sản xuất tập trung như trồng lạc ở Yên Cường, Yên Lương, Yên Thắng; trồng khoai tây ở Yên Ðồng, Yên Cường, Yên Nhân. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất giống, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm. Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các doanh nghiệp với các trang trại, gia trại theo chuỗi giá trị. Ðưa các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao vào nuôi thủy sản như: cá trắm đen, cá chép V1, cá lóc, cá diêu hồng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com