Nhiều giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020

08:11, 09/11/2015

Ngày 31-8-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1075/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Quy hoạch trên quan điểm phát triển TTCN với nhiều hình thức tổ chức sản xuất; trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, khai thác hiệu quả nguồn lao động, tài nguyên, nguyên liệu sẵn có… để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn, góp phần xây dựng NTM… Mục tiêu phát triển ngành nghề TTCN giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10,5-11%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) chiếm 19-20% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp toàn tỉnh; hằng năm tạo việc làm mới cho khoảng 2.000-3.000 lao động. Trong giai đoạn 2020-2025 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nghề TTCN đạt khoảng 10%, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

“Quy hoạch phát triển các ngành nghề TTCN trên địa bàn tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” được UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì triển khai thực hiện. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tuân thủ nghiêm túc các quy trình; tập trung xây dựng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước về phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh và các địa phương; phù hợp, thống nhất với quy hoạch của các bộ, ngành và định hướng phát triển sản xuất công nghiệp của UBND tỉnh đã ban hành. Quy hoạch này là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, phát triển và tăng cường quản lý Nhà nước đối với sự phát triển ngành nghề TTCN trên địa bàn; góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, quy hoạch còn là căn cứ quan trọng để các sở, ngành và các huyện, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Để phấn đấu thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đó, quy hoạch đã định hướng rõ các nhóm ngành nghề TTCN của tỉnh ta gồm: nhóm ngành nghề chủ lực là cơ khí (rèn, đúc, chế tạo, gia công kim loại), mộc, chạm khảm gỗ; nhóm ngành khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là: dệt may, thêu ren, tơ tằm, mây tre đan - sơn mài và sơn mài mỹ nghệ, chế biến nông sản - thực phẩm; nhóm ngành nghề duy trì phát triển gồm: sản xuất gạch không nung, chế biến nhựa, giấy, thủy tinh… Đối với nhóm ngành nghề TTCN chủ lực, tỉnh chủ trương tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển cả về hạ tầng, thiết bị, nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm và thương hiệu cho sản phẩm đúc đồng và gỗ mỹ nghệ đến năm 2020. Nghề cơ khí tập trung phát triển 3 mũi nhọn chính là: chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng và phụ tùng; nghề đúc kim loại màu (đồng, nhôm, gang) và sản xuất phụ tùng xe đạp, xe máy, kết cấu thép xây dựng, công cụ cầm tay… Nghề mộc, chạm khảm gỗ tập trung phát triển các sản phẩm phục vụ dân dụng và xây dựng. Ở nhóm ngành nghề khai thác thế mạnh, tiềm năng của tỉnh từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung củng cố, khôi phục và phát triển các làng nghề dệt, ươm tơ truyền thống; nhân rộng nghề mây tre đan, cói lá và sơn mài mỹ nghệ; duy trì và phát triển các nghề: chế biến gạo, sản xuất bánh kẹo, chế biến thủy, hải sản và sản xuất thức ăn chăn nuôi… để làm tiền đề phát triển cho giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng sơn mài mỹ nghệ, thêu ren và mây tre đan. Duy trì phát triển nghề sản xuất vật liệu xây dựng (khuyến khích phát triển gạch không nung; gạch xi măng - cốt liệu) và các nghề sản xuất nhựa, giấy, thủy tinh… Quy hoạch cũng định hướng rõ phát triển ngành nghề TTCN phù hợp thực tế của từng địa phương.

Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ và dân dụng tại làng nghề mộc Đông Hữu, xã Hải Anh (Hải Hậu).
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ và dân dụng tại làng nghề mộc Đông Hữu, xã Hải Anh (Hải Hậu).

Để thực hiện hiệu quả quy hoạch, UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, Thành phố Nam Định triển khai đồng bộ 5 giải pháp trước mắt và 9 giải pháp lâu dài. Những giải pháp trước mắt là: tổ chức phổ biến thông tin, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục; tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho di dời các cơ sở sản xuất, đầu tư mở rộng và thu hút các dự án mới; rà soát lại các quy hoạch đã có trên các lĩnh vực, nhất là các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để cân đối lại quỹ đất dành cho phát triển sản xuất CN-TTCN; phát triển ngành nghề TTCN bền vững gắn với xây dựng NTM để tạo động lực, sức bật mới cho tiến trình CNH-HĐH nông thôn; khuyến khích phát triển ngành nghề TTCN nông thôn trên cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh của các ngành: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… Ngoài các giải pháp trước mắt nêu trên, nhóm giải pháp lâu dài để thực hiện quy hoạch là: triển khai đầu tư xây dựng, mở rộng các CCN theo lộ trình và tiếp tục quy hoạch, xây dựng các điểm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, tách khỏi khu dân cư, có đầy đủ hệ thống xử lý chất thải… để tận dụng lợi thế về nguồn lao động, nguyên liệu và kinh nghiệm, tay nghề của người lao động… làm hạt nhân phát triển; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp đầu mối trong các khu, CCN tập trung với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể trong các làng nghề làm vệ tinh để đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm làng nghề; chú trọng phát triển, phát huy tối đa kinh nghiệm tay nghề, kỹ thuật của đội ngũ nghệ nhân để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các làng nghề TTCN qua các hình thức dạy nghề, truyền nghề, “cầm tay chỉ việc”; đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề TTCN bằng các nguồn kinh phí khuyến công, Đề án 1956 theo nhu cầu thực tế, đặc điểm cụ thể của từng địa phương; xây dựng và hoàn thiện hệ thống cung ứng nguyên liệu đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cho các doanh nghiệp, hộ cá thể sản xuất ngành nghề TTCN; tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi, nguồn vốn lãi suất thấp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay trung hạn, dài hạn để phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, hiệp hội trong các làng nghề để tham gia đề xuất các nhu cầu, giải pháp phát triển bền vững của các ngành nghề TTCN…

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com