Dấu ấn hợp tác kinh tế quốc tế

08:02, 26/02/2015

Những tháng cuối năm 2014, các đoàn công tác Nhật Bản đã lần lượt sang gặp gỡ, làm việc với tỉnh, các ngành chức năng và các địa phương để xúc tiến triển khai chương trình hợp tác phát triển. Những sự kiện này tô đậm thêm dấu ấn một năm thành công trong hợp tác, hội nhập quốc tế để phát triển của tỉnh nhà. Năm 2014, cùng với việc lọt vào tốp 20 tỉnh, thành phố thu hút đầu tư tốt nhất trong cả nước, tỉnh ta đã mở rộng quan hệ hợp tác ở hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều đối tác mang tính chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ít-xra-en, Đức… trong lĩnh vực phát triển công nghiệp dệt may, công nghiệp chế tạo và nông nghiệp công nghệ cao… Đây được coi là bước đột phá không chỉ tạo nền móng vững chắc để vừa hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với công nghệ sản xuất mới mà còn tạo đà cho hợp tác kinh tế quốc tế phát triển lên tầm cao mới.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Để tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thành công, cùng với các lợi thế hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực dồi dào, tỉnh ta đã có nhiều chính sách, giải pháp phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để huy động vốn cho đầu tư phát triển. Cùng với việc củng cố Ban Hội nhập kinh tế quốc tế, tháng 7-2014, UBND tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (Sở KH và ĐT) để tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực; làm đầu mối hướng dẫn các dịch vụ có liên quan đến đầu tư, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành những cơ chế ưu đãi đầu tư mới như: Nhà đầu tư được lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp; được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ, trong đó có Khu kinh tế Ninh Cơ, các khu công nghiệp (KCN) và 4/10 huyện, thành phố thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư. Tỉnh sẽ hỗ trợ một phần chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đào tạo lao động, xây dựng nhà ở cho công nhân, chi phí quảng cáo, xúc tiến thương mại. Những dự án quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng sẽ được tỉnh phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách đặc thù. Tất cả thủ tục đầu tư được giải quyết tại một cơ quan đầu mối duy nhất, thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung. Nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào ngoài quy định của Chính phủ. UBND tỉnh cũng chủ động rà soát, cải tiến bộ thủ tục, quy trình đầu tư và thu hút đầu tư theo hướng tập trung ưu tiên công nghiệp dệt may, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, GD và ĐT, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết nối các nhà phân phối và thị trường nước ngoài. Bộ tài liệu giới thiệu tiềm năng của địa phương, cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư đều được biên soạn bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật. Ban Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh tranh thủ các cơ hội tiếp cận và giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các bộ, ngành Trung ương, các Đại sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế…, đề xuất các chương trình, dự án hợp tác giao thương, xúc tiến đầu tư, thương mại cho tỉnh; tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, đối thoại, trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan và các doanh nghiệp trong việc thực hiện đầu tư, đồng thời lắng nghe, tiếp nhận phản hồi từ phía các nhà đầu tư để tiếp tục cải tiến, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn, vừa tạo điều kiện để các doanh nghiệp của tỉnh vươn ra thị trường quốc tế. Thời gian qua, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế đã phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài mà trọng điểm là thu hút các tập đoàn đa quốc gia, các Cty lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thuộc các lĩnh vực sản xuất sản phẩm dệt, thời trang, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất dược liệu, cơ khí chế tạo, ô tô, xe máy, điện tử, tin học... Các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng đã tích cực phát huy nội lực từ đội ngũ cán bộ, con em quê hương học tập, công tác thành đạt ở nước ngoài để tìm kiếm, kêu gọi, thu hút đầu tư.

Sản xuất tại Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, tạo việc làm cho 2.000 lao động của huyện Vụ Bản và vùng lân cận.
Sản xuất tại Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, tạo việc làm cho 2.000 lao động của huyện Vụ Bản và vùng lân cận.

Trọng tâm đột phá để phát triển

Bằng những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, năm 2014 tỉnh ta đã thu hút được 9 dự án đầu tư nước ngoài với tổng giá trị đầu tư đạt 129 triệu USD, bằng 1/4 tổng giá trị thu hút đầu tư nước ngoài từ trước đến nay, đứng thứ 17 toàn quốc. Giá trị hàng xuất khẩu trong năm ước đạt 591 triệu USD, tăng 14,8% so với năm 2013. Đặc biệt trong năm 2014, tỉnh ta đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung KCN Dệt may Rạng Đông vào quy hoạch các KCN Việt Nam, giai đoạn I với diện tích 600ha; hoàn thành đàm phán về hợp đồng thuê đất với Cty Taekwang Power Holdings để chuẩn bị xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nam Định theo hình thức BOT; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy vào các khu, CCN, nhất là KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Trung. Ngoài việc thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh ta còn làm tốt việc tổ chức sự kiện hợp tác kinh tế quan trọng như: Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam và Ấn Độ” tại Thành phố Nam Định với sự tham gia của Đại sứ quán Ấn Độ, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) cùng trên 100 đại biểu doanh nghiệp Ấn Độ đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Hội thảo đã giới thiệu tiềm năng kinh tế, thế mạnh về ngành công nghiệp dệt may cũng như yếu tố văn hóa và đặc tính tiêu dùng của Ấn Độ giúp cộng đồng doanh nghiệp hai nước hiểu rõ lợi thế kinh tế và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh và đầu tư, mở ra cơ hội tăng trưởng thương mại về dệt may và đa dạng hóa thị trường cung ứng nguyên, phụ liệu cũng như những sản phẩm nổi tiếng của tỉnh như lụa, hàng may mặc và các loại khăn bông…

Hợp tác kinh tế quốc tế trong lĩnh vực NN và PTNT được tỉnh ta quan tâm đặc biệt nhằm nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và quan trọng hơn là cải thiện tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phụ thuộc quá nhiều vào hóa chất trong cả quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản là điều kiện quyết định thành công đưa nông nghiệp tỉnh ta tiếp cận với công nghệ cao và thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu ngành. Không dừng lại ở đó, hợp tác thành công trong lĩnh vực nông nghiệp còn có tác động rất lớn đến các ngành công nghiệp khác của tỉnh. Do đó, tỉnh ta đã xây dựng các quan hệ hợp tác với đối tác Mỹ, Ít-xra-en, Nga, Nhật Bản để hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thiết bị mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Trong đó mới đây nhất là mối quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh I-ba-ra-ki, Mi-a-gia-ki (Nhật Bản) nhằm đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ; xây dựng các khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao… Tháng 10-2014, ông Ha-si-mô-tô Ma-sa-ru, Thống đốc bang I-ba-ra-ki cùng gần 100 thành viên là đại diện các ban, ngành chức năng địa phương ở mọi lĩnh vực, chủ các doanh nghiệp uy tín đến thăm, làm việc với tỉnh ta. I-ba-ra-ki là bang có nền nông nghiệp rất phát triển, đặc biệt là các nghiên cứu nông nghiệp với công nghệ tiên tiến nhất và có nhiều điểm tương đồng với điều kiện canh tác, quan điểm chỉ đạo phát triển nông nghiệp ở tỉnh ta. Do đó, hai bên hoàn toàn có thể có một cơ chế hợp tác tối ưu để hướng tới nền nông nghiệp bền vững. Ông Ha-si-mô-tô Ma-sa-ru, Thống đốc bang I-ba-ra-ki cũng khẳng định quan điểm hợp tác lâu dài với Nam Định và bày tỏ mong muốn của các doanh nghiệp Nhật Bản được tạo điều kiện để có thể hợp tác đầu tư tại tỉnh trên ba lĩnh vực gồm: Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cơ khí và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, hai bên sẽ hợp tác, phối hợp trong việc thực hiện quy trình sản xuất khép kín, chặt chẽ trên cơ sở áp dụng kỹ thuật, giống cây trồng của Nhật Bản vào canh tác để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, sau đó xuất khẩu sản phẩm trở lại Nhật Bản. Trước mắt để hỗ trợ Nam Định thực hiện quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến mục tiêu đào tạo lực lượng lao động có trình độ, tay nghề, chuyên nghiệp, giảm số lượng lao động trên từng đơn vị diện tích canh tác nhưng vẫn đảm bảo năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội, phía đối tác Nhật Bản xác định sẽ ưu tiên xúc tiến triển khai ngay việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Đoàn công tác Nhật Bản đã đến thị sát vùng lúa và cơ sở chế biến, bảo quản hạt giống của Cty TNHH Cường Tân và thăm vùng sản xuất rau xã Yên Nhân (Ý Yên) để có thực tế rõ nét về quá trình sản xuất, chế biến nông sản tại Nam Định và đưa ra những định hướng, ưu tiên thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian tới. Cũng với đối tác Nhật Bản, ngoài bang I-ba-ra-ki, tỉnh ta còn có quan hệ hợp tác với tỉnh Mi-a-gia-ki và Trường Đại học Minami Kyushu trên 3 lĩnh vực chính: Đào tạo nguồn nhân lực, thành lập các trung tâm thực nghiệm và phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Dự kiến ngay trong giai đoạn 2015-2017 mỗi năm sẽ có 15-20 sinh viên được đào tạo đại học; 3-4 sinh viên tham gia khóa đào tạo thạc sĩ; giai đoạn 2018-2025 mỗi năm sẽ có 30-40 sinh viên được đào tạo đại học; 5-7 sinh viên tham gia khóa đào tạo thạc sĩ. Trong giai đoạn 2016-2019, tỉnh Mi-a-gia-ki và Trường Đại học Minami Kyushu sẽ đưa các cán bộ, kỹ sư nông nghiệp của tỉnh sang học tập, làm việc và nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản của Nhật Bản, đồng thời cử chuyên gia sang đào tạo, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong canh tác, chế biến bảo quản một số nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, đối tác cũng giúp tỉnh ta hoàn thiện các quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy hoạch ngành hàng chủ lực của tỉnh; xây dựng Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp hoàn chỉnh; tổ chức diễn đàn kêu gọi doanh nghiệp, Hiệp hội nông nghiệp của tỉnh Mi-a-gia-ki liên kết hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản…

Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy phát triển kinh tế là yêu cầu, xu hướng tất yếu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt đối với tỉnh ta, để có thể tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương nỗ lực nâng cao năng lực nội tại, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ tài nguyên và môi trường... Đồng thời tăng cường trao đổi ngoại giao đoàn và thành lập các tổ hợp tác chuyên đề như tổ hợp tác Nam Định - Nhật Bản; Nam Định - Hàn Quốc, Nam Định - Ít-xra-en… với sự tham gia của cơ quan quản lý, các chuyên gia nghiên cứu về các quốc gia và vùng lãnh thổ để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, đời sống kinh tế, chính trị, thói quen tiêu dùng của đối tác, từ đó tham mưu cho tỉnh những quyết sách phù hợp, đảm bảo hợp tác thành công và bền vững. Ngay trong những ngày đầu năm mới 2015, UBND tỉnh đã cử các đoàn công tác sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản để xúc tiến triển khai cụ thể hóa những thỏa thuận khung để có thể triển khai các hoạt động hợp tác ngay trong những tháng đầu, quý đầu của năm 2015./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com