Chuyển biến sau đợt cao điểm lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ

07:10, 26/10/2017

Trước tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATGTĐB) diễn biến phức tạp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương tập trung thực hiện các biện pháp lập lại trật tự HLATGTĐB theo tinh thần Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đồng chí Trần Văn Công, Giám đốc Sở GTVT, sau hơn 2 tháng đồng loạt ra quân triển khai, công tác giải tỏa, lập lại trật tự HLATGTĐB tại 9 huyện và Thành phố Nam Định đã đạt được những kết quả rất cơ bản theo mục tiêu Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 4-8-2017 của UBND tỉnh.

Lực lượng chức năng huyện Trực Ninh tháo dỡ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ tại Thị trấn Cát Thành.
Lực lượng chức năng huyện Trực Ninh tháo dỡ vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ tại Thị trấn Cát Thành.

Ngành GTVT và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc triển khai thực hiện; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các đơn vị quản lý đường bộ xác định việc lập lại kỷ cương, quản lý HLATGTĐB là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong thời gian qua. Trước khi thực hiện giải tỏa vi phạm, Sở GTVT, các đơn vị quản lý quốc lộ phối hợp cùng UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê, lập biên bản cụ thể các hành vi vi phạm gồm: xây tấm trượt bằng bê tông từ mặt đường lên vỉa hè trùm rãnh dọc; xây dựng các công trình tường rào, mái vẩy, lán tạm làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và mất cảnh quan đô thị; lắp đặt, treo biển hiệu, biển cửa hàng, biển quảng cáo trái phép trong phạm vi lòng, lề đường; họp chợ, bán hàng hóa trong phạm vi mặt đường, lề đường; trồng cây tại lề đường làm che khuất tầm nhìn, mất an toàn trong mùa mưa bão. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, HLATGTĐB được các cấp, các ngành, các đơn vị thông tin, tuyên truyền thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, đã tạo nên sự đồng thuận, ủng hộ; tại một số địa phương nhân dân sinh sống dọc hai bên đường đã đồng loạt tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, phục hồi nguyên trạng lòng, lề đường để đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông và ATGT. Tiêu biểu về hiệu quả tác động của công tác tuyên truyền khiến người dân đồng thuận, tự giác tháo dỡ vi phạm phải kể đến các xã: Giao Phong, Giao Yến, Giao Châu, Giao Nhân, Hoành Sơn (Giao Thủy)... Để công tác giải tỏa đạt hiệu quả cao, các cấp chính quyền từ xã, phường, thị trấn đến huyện, thành phố đã lập kế hoạch, lập phương án ra quân cụ thể; đồng thời huy động các đơn vị quản lý đường bộ (Cty CP Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Cty CP Xây dựng Hoàng Nam, Cty Quản lý và xây dựng đường bộ 234) bố trí lực lượng, phương tiện để phối hợp thực hiện. Thực trạng vi phạm cho thấy hầu hết những vỉa hè có vỉa ba toa trên các tuyến đường đều bị người dân xây tấm trượt bê tông kiên cố để lên xuống; các hộ dân bám mặt đường xây dựng lán tạm, tường rào, mái che, mái vẩy, đặt biển quảng cáo, trồng cây trong phạm vi lề đường làm hạn chế tầm nhìn, vì vậy khối lượng phải giải tỏa rất lớn. Song nhờ sự phối hợp thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ giữa các địa phương và cơ quan, đơn vị chức năng nên đến nay các địa phương đã cơ bản giải tỏa vi phạm HLATGTĐB trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường đô thị và một số đường giao thông nông thôn (GTNT), đảm bảo hè đường thông thoáng, vệ sinh môi trường, thoát nước mặt đường, góp phần đảm bảo trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT đường bộ. Trong đợt cao điểm giải tỏa vi phạm HLATGTĐB, toàn tỉnh đã huy động khoảng 5.300 nhân công, 1.500 ca máy các loại (máy xúc, cẩu, ô tô vận chuyển, máy phá bê tông) giải tỏa 16.631 trường hợp vi phạm, tháo dỡ 296m2 nhà xây trái phép; 12.936m2 ki-ốt; 27.983m2 mái che; 1.868m2 tường rào; 9.610m dài tấm trượt lên xuống bằng bê tông; 5.725 biển quảng cáo; chặt, phát quang 55.887 cây làm ảnh hưởng tầm nhìn và 1.875 các trường hợp vi phạm khác (để vật liệu, buôn bán trong lòng lề đường, cột điện…). Kết quả giải tỏa vi phạm của các địa phương: huyện Trực Ninh 2.114 trường hợp; huyện Nghĩa Hưng 2.426 trường hợp; huyện Mỹ Lộc 575 trường hợp vi phạm; Thành phố Nam Định 2.914 trường hợp; huyện Hải Hậu 854 trường hợp; huyện Giao Thủy 1.781 trường hợp; huyện Nam Trực 2.515 trường hợp; huyện Xuân Trường 658 trường hợp; huyện Vụ Bản 1.550 trường hợp; huyện Ý Yên 1.226 trường hợp. Riêng huyện Trực Ninh còn đào 58.570m3 và ấp trúc 37.688m3 đất trong phạm vi HLATĐB và kênh mương thủy lợi. Qua đợt cao điểm đã nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ HLATGTĐB của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng dân cư sinh sống hai bên đường bộ. Một số tuyến đường được “tự quản” hành lang bằng trồng hoa trong phạm vi lề đường (tỉnh lộ 488B, tỉnh lộ 490C) tạo cảnh quan NTM, là tuyến đường kiểu mẫu cần được phát huy, nhân rộng.

Việc thực hiện Kế hoạch 77/KH-UBND ngày 4-8-2017 của UBND tỉnh bước đầu được triển khai có hiệu quả, được đông đảo nhân dân đánh giá cao nhưng thực tế vẫn còn nhiều tồn tại như: Công tác phối hợp, bố trí lực lượng, phương tiện giữa một số địa phương với các đơn vị quản lý đường bộ chưa được tốt dẫn đến việc giải tỏa tại một số xã, thị trấn hiệu quả chưa cao. Cụ thể là sự phối hợp giữa Cty Quản lý và xây dựng đường bộ 234 với địa phương theo Kế hoạch giải tỏa HLATGTĐB trên Quốc lộ 10 qua địa bàn 2 huyện Ý Yên và Vụ Bản; một số địa phương chưa xác định việc quản lý, bảo vệ, giải tỏa HLĐB thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của địa phương mà coi đây là trách nhiệm của đơn vị quản lý đường bộ dẫn đến phối hợp chưa nhịp nhàng; mới chỉ tập trung giải quyết các vi phạm HLATGTĐB trên các tuyến đường trọng điểm, chưa xử lý được nhiều trên các tuyến đường GTNT. Việc quản lý, bảo vệ kết quả giải tỏa ở một số địa phương chưa tốt nên để xảy ra tình trạng ngay sau đợt cao điểm giải tỏa một số hộ dân tái xây dựng các tấm trượt bê tông lên xuống như ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), Thị trấn Lâm (Ý Yên); tình trạng họp chợ, buôn bán trên mặt đường, mặt cầu tiếp tục tái diễn như ở chợ Mụa, xã Yên Dương, chợ Yên Mỹ (Ý Yên), chợ Dần trên Quốc lộ 38B địa phận xã Trung Thành (Vụ Bản). Một bộ phận người dân chưa tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ HLATGTĐB, gây khó khăn trong công tác giải tỏa. Các tuyến đường trong tỉnh được đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp trong chương trình NTM, phần giải phóng mặt bằng thực hiện theo cơ chế NTM (người dân tự nguyện hiến đất làm đường) do đó chưa thu hồi đủ phần đất bảo trì, bảo vệ đường bộ theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật của đường; phần lớn phần đất thuộc sở hữu các hộ dân sát phạm vi chân ta-luy đắp hoặc mép ngoài rãnh dọc; phạm vi đất bảo trì đường bộ và HLATĐB chưa được cắm mốc theo Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý HLATĐB. Khối lượng thực hiện giải tỏa rất lớn, trong khi các đơn vị tham gia thực hiện kế hoạch không được bố trí bổ sung kinh phí mà sử dụng nguồn vốn của đơn vị dẫn đến khó khăn cho các đơn vị thực hiện giải tỏa.

Để duy trì công tác quản lý HLATGTĐB, chống tái lấn chiếm, đảm bảo ổn định kết cấu hạ tầng đường bộ, Sở GTVT tiếp tục đôn đốc, phối hợp các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT 3 tháng cuối năm và bảo vệ, chống tái lấn chiếm sau đợt cao điểm. Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nghiêm thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB, trong đó đặc biệt là các hành vi lấn chiếm, xâm phạm HLATGTĐB, gây nguy cơ mất ATGT, hư hỏng kết cấu hạ tầng GTĐB… trong phạm vi địa phương quản lý. Tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi HLATĐB. Các đơn vị quản lý đường bộ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, tăng cường công tác tuần đường, tuần kiểm, phát hiện kịp thời các vi phạm HLATĐB, phối hợp UBND cấp huyện, cấp xã để giải quyết; bố trí đủ nhân lực, thiết bị, phương tiện để phối hợp chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa HLATĐB đường bộ khi cần huy động. Để tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện công tác lập lại trật tự HLATGTĐB, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Uỷ ban ATGT quốc gia, Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 137/2013/TT-BTC ngày 7-10-2013 theo hướng để lại 100% nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT để địa phương có kinh phí chủ động thực hiện các hoạt động đảm bảo ATGT. Đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bố trí kinh phí để cắm các mốc phạm vi bảo trì đường bộ và phạm vi HLATĐB; giải phóng các điểm hạn chế sử dụng đất có nguy cơ mất ATGT theo tiến độ thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm bố trí kinh phí để bổ sung xử lý cục bộ hệ thống thoát nước dọc và hệ thống ATGT trên các tuyến quốc lộ nhằm đảm bảo ATGT và chống tái lấn chiếm HLATGTĐB. Đề nghị Tổng Cty Đường sắt Việt Nam báo cáo Bộ GTVT bố trí kinh phí để cải tạo các điểm giao cắt với đường bộ và làm đường gom để đóng các đường ngang trái phép nhằm đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, đường bộ./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com