Chuyện bây giờ mới kể (!)

08:06, 28/06/2019

Buổi chiều, về đến đầu ngõ, thấy mấy bà trung tuổi với vẻ mặt bất bình, xôn xao bàn tán, tôi hiểu ngay khu dân cư lại "có chuyện". Chưa kịp định thần đoán định, tôi đã nghe những âm thanh chát chúa, hỗn tạp của loa đài vọng ra. Hóa ra đây là cuộc "đấu loa" giữa nhà ông Thịnh và nhà bà Thục.

Khu phố tôi có hơn tám chục hộ, chủ yếu là dân lao động tự do và làm nghề buôn bán. Ông Thịnh làm nghề sửa chữa đồ điện tử nên nhà lúc nào cũng có mấy người "chầu rìa" vừa chờ lấy hàng, vừa nghe đài. Ở tuổi ngoài sáu mươi nhưng tâm hồn ông vẫn trẻ, thích hát hò. Bộ karaoke của ông ngoài âm ly, loa, vang số, còn có cả cục trầm đánh "tức ngực" được xem là "đỉnh" nhất khu phố. Còn gia đình bà Thục mới mua nhà về đây. Chồng bà là chủ thầu xây dựng, thường xuyên đi công trình, cuộc sống nay đây, mai đó. Con cái đi học xa; thương bà ở nhà một mình, ông sắm bộ karaoke đắt tiền để thi thoảng bà hát cho đỡ buồn… Thói đời “con gà tức nhau tiếng gáy” (!). Mỗi khi bà Thục bật loa hát, ông Thịnh cũng mở nhạc thật to để khẳng định vị thế “độc tôn” về âm thanh của mình. Ban đầu thì bà Thục cũng nhường nhịn, vặn nhỏ chiết áp âm ly nhưng rồi sau vài lần, thấy ông Thịnh không biết điều, bà “tăng xông”, mở loa to hết cỡ…

Thấy “cuộc đấu” thầm lặng về âm thanh giữa hai nhà kéo dài, chưa có dấu hiệu kết thúc, tôi tìm đường “giải vây” bằng cách vào vai “khách không mời” của bà Thục. Nhìn thấy tôi, bà Thục vẫn trong trạng thái căng thẳng, giọng đầy thách thức: “Anh định bảo em thôi không hát nữa chứ gì?”. Tôi nhẹ nhàng: “Anh rảnh nên sang cô chơi thôi. Lâu rồi anh em mình chưa sang nhà nhau”. Nghe tôi nói vậy, giọng bà Thục có dịu hơn: “Anh thông cảm ngồi chơi, để em hát mấy bài”. Kiên nhẫn ngồi nghe chừng nửa bài, tôi chào bà rồi về. Dường như thấy ngượng trước thái độ điềm tĩnh của tôi, bà Thục hát nốt phần lời còn lại rồi dừng hẳn. Khoảng dăm phút sau, loa bên nhà ông Thịnh cũng tắt.

Ngay buổi tối hôm ấy, ông Thịnh chủ động sang tôi chơi, nói như thanh minh: “Anh ở đây lâu, chắc hiểu em luôn tôn trọng hàng xóm; khi vui cũng chỉ hát nửa tiếng là cùng. Cái nhà cô Thục mới đến ở nên không biết điều; hát hò gì mà kéo dài mấy tiếng liền, ảnh hưởng đến sinh hoạt của mọi người (!).

Giờ thì khu phố tôi đã trở lại bình yên. Nói ra chuyện này để biết rằng: Trong cuộc sống hàng ngày, những va chạm, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống sinh hoạt giữa những con người trong cộng đồng là điều bình thường. Dân gian có câu: “Trăm cái lý không bằng một tí cái tình” (!) - Nếu mọi người trong cộng đồng có trách nhiệm, biết tôn trọng, nhường nhịn nhau thì những mâu thuẫn, thậm chí xung đột cũng sẽ được hóa giải./.

Đức Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com