Khoảng cách thế hệ (!)

07:05, 24/05/2019

Chiều muộn, trong một quán bia hơi ở trung tâm thành phố, câu chuyện của mấy ông cán bộ hưu tuy trầm lắng nhưng vẫn thu hút sự chú ý của những người xung quanh. Ông mặc áo kẻ có gương mặt khắc khổ là người mở chuyện, giọng buồn buồn:

- Từ bài học thực tế của gia đình, tôi khuyên các ông đừng bao giờ nghĩ đến việc bán nhà đi ở với con (!).

Ông to béo, mặc chiếc áo vàng ngồi bên chia sẻ:

- Gia đình ông có chuyện gì sao? Tôi nghe nói các con ông ngoan, hiếu đễ lắm cơ mà?

Vẫn là giọng người mở chuyện:

- Ừ, tôi có phàn nàn hay trách cứ gì con cháu đâu?

Mới đầu tôi nghĩ đơn giản là kinh tế eo hẹp, bố mẹ, con cái phải tập trung vào một mối để hỗ trợ nhau trong cuộc sống nên bán căn nhà ở dưới này theo con lên Hà Nội sống. Nhưng rồi sau một thời gian, tôi cảm thấy sai lầm. Vấn đề ở đây là, dù là cha mẹ, con cái nhưng là hai thế hệ khác nhau về suy nghĩ, lối sống; thậm chí đồng hồ sinh học trong đời sống sinh hoạt thường ngày: Chẳng hạn mình rỗi thì chúng bận, mình ngủ sớm thì chúng thức khuya, mình ăn cơm sớm thì chúng ăn muộn, mình muốn tâm sự, chuyện trò thì chúng không có thời gian hoặc lảng tránh… Tóm lại là mình cảm thấy ở chung mình thì mất tự do, làm phiền con cháu hơn là làm chỗ dựa cho chúng (!).

Ông ngồi đối diện với hai người tỏ ra hiểu đời giờ mới lên tiếng, giọng tưng tửng:

- May mà ông còn có nhà của bố mẹ ở thành phố để mà về chứ mấy ông bạn tôi bán nhà đi ở với con được mấy năm, giờ phải về quê ở nhờ đất hương hỏa của cha ông…

Nghe chuyện của mấy cán bộ hưu trong quán bia, tôi bỗng cảm thấy buồn (!). Thực tế việc con em ở thành phố này đi học đại học rồi “bám trụ” ở Hà Nội là khá đông trong khi không phải ai cũng có điều kiện về nhà ở. Thương con phải ở nhà thuê, nhiều bậc cha mẹ đã tính đến chuyện bán nhà, mua một căn chung cư giá rẻ trên Hà Nội để sống cùng con cháu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, sự du nhập văn hóa, lối sống nước ngoài, mô hình gia đình ba thế hệ xem ra không còn phù hợp với một đô thị hiện đại (!). Bởi lẽ, thế hệ lớn tuổi vốn không thích sự ồn ào, sôi động, luôn coi trọng tình cảm gia đình, yêu thương, bao bọc con cái theo những tiêu chí truyền thống trong khi thế hệ trẻ hòa nhịp nhanh với nhịp sống hiện đại, coi trọng con người cá nhân, thích sự sòng phẳng, thực tế. Trong quá trình sống chung, dù mọi người đều rất yêu thương nhau nhưng khoảng cách, sự khác biệt giữa văn hóa, lối sống của hai thế hệ vẫn xuất hiện những cách ngăn, những “trục trặc” không đáng có, cả ngầm ẩn, cả công khai…

Thực tế vốn khắc nghiệt nhưng xưa nay, việc thế hệ đi trước chăm lo cho thế hệ sau; thế hệ sau kính trọng và quan tâm đến thế hệ đi trước là đạo lý truyền thống trong gia đình cũng như xã hội. Bởi vậy, không phải mọi khác biệt thế hệ đều dẫn đến mâu thuẫn, xung khắc. Nếu các bậc cha mẹ và con cháu biết tận dụng những ưu thế của mỗi thế hệ để thông hiểu, thích nghi và chấp nhận nhau thì sự khác biệt thế hệ sẽ được hóa giải. Khi ấy, sự hòa hợp, gắn kết trách nhiệm, tình cảm sẽ trở lại trong cuộc sống của mỗi gia đình./.

Ðức Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com