Tăng cường hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

07:04, 26/04/2019

Sau những vụ bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây nhức nhối dư luận gần đây, nâng cao hiệu quả giáo dục kỹ năng sống cho học sinh càng trở nên một yêu cầu cần thiết trong môi trường trường học.

Thống kê từ phía cơ quan công an cho thấy, trong quý I-2019, lực lượng công an đã ghi nhận 310 vụ bạo lực học đường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trách nhiệm cũng được chỉ ra ở nhiều phía. Nhìn lại những sự việc xảy ra, có thể thấy ngoài vấn đề xem xét trách nhiệm của các bên liên quan, đã đến lúc cả nhà trường, gia đình và xã hội phải chung tay trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh một cách thiết thực và nghiêm túc.

Từ Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, nhiều địa phương đã cấp tập thực hiện tùy theo tình hình của địa phương mình. Kéo theo đó là việc ra đời hàng loạt trung tâm giáo dục kỹ năng. Các trường được chọn lựa trung tâm giáo dục kỹ năng và bố trí việc học cho học sinh trên tinh thần tự nguyện hưởng ứng của phụ huynh học sinh. Các trung tâm này sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng cho học sinh, như rèn luyện đạo đức, lối sống; văn hóa giao tiếp, ứng xử; các kỹ năng mềm; kích thích giác quan tư duy; khám phá, cải thiện nhân cách bản thân…

Một giờ học kỹ năng sống. Ảnh: HẢI ANH
Một giờ học kỹ năng sống. Ảnh: HẢI ANH

Tuy nhiên, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiện nay còn nhiều điều cần bàn. Đó là sự thiếu đồng bộ giữa các địa phương, vùng miền. Còn nhiều trường lồng ghép hoạt động này vào các môn học, hoặc đưa vào hoạt động chung theo hình thức ngoại khóa cho học sinh, vì thế thiếu chiều sâu, thiếu chuyên nghiệp. Phần lớn các nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết mà thiếu thực tế, ứng dụng. Việc học tập trung với số lượng quá đông học sinh khiến những buổi học kỹ năng giống như những buổi báo cáo chuyên đề. Nhiều chương trình học còn bất hợp lý, chưa phù hợp lứa tuổi học sinh.

Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận xét: “Tôi có hai đứa con, đứa học lớp 1 và đứa lớp 3. Khi xem chương trình học kỹ năng của hai cháu, tôi chẳng thấy khác nhau là mấy. Rất nhiều các bài học và bài nào cũng rất cần thiết nhưng tôi lo là kết quả đọng lại trong các cháu chẳng được là bao”.

Theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo): Thời gian qua, Bộ đã ban hành hơn 10 văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng bạo lực, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện và nhiều quy định về việc triển khai giáo dục kỹ năng sống. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nhà trường thì chưa đủ, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần sự hỗ trợ thường xuyên của gia đình và cộng đồng, bắt đầu từ những tình huống xảy ra hằng ngày.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Lại, Trung tâm Phát triển kỹ năng sống cho trẻ em và phụ nữ, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, người nhiều lần trực tiếp trò chuyện với học sinh nhận định: “Sự thẳng thắn, không né tránh các vấn đề, tình huống thực tế vốn được cho là nhạy cảm là cách phá vỡ nhanh nhất những rào cản về sự e ngại của học sinh. Khi nhận thức được những nguy cơ mất an toàn, các em sẽ biết cách xử trí hoặc tìm sự hỗ trợ chứ không im lặng như nhiều nạn nhân thời gian qua. Bởi vậy, người lớn đừng né tránh, chần chừ thêm nữa...”./.

Theo BÍCH NGỌC

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com