Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

08:04, 09/04/2019

Thời gian qua, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để tăng cường các giải pháp phòng chống và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại và bảo đảm quyền, lợi ích của trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16-5-2017. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo.

Lớp học vẽ ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thành phố Nam Định.
Lớp học vẽ ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thành phố Nam Định.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn triển khai Luật Trẻ em và định hướng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho các thành viên ban điều hành, tổ thư ký giúp việc Ban điều hành Chương trình bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, huyện. Tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng bảo vệ, phòng chống xâm hại bạo lực đối với trẻ em cho 1.505 học viên là cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại 2 huyện Nghĩa Hưng và Vụ Bản. Phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý, thông tin, báo cáo các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền trẻ em; quản lý chặt chẽ số liệu về trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng, làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp phòng, chống và can thiệp hỗ trợ hiệu quả cho trẻ em trước bạo lực, xâm hại trẻ em. Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát, đánh giá thực trạng bạo lực học đường và vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục. Phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng và nhân rộng các mô hình: “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”, cải tạo môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ em, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với một số địa phương triển khai thực hiện các mô hình: Kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS dựa vào cộng đồng tại huyện Giao Thủy và Thành phố Nam Định; hỗ trợ can thiệp về giảm thiểu lao động trẻ em tại xã Trung Thành (Vụ Bản); cung cấp kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các xã: Trung Đông, Trực Đại (Trực Ninh), Hải Quang, Hải Hưng (Hải Hậu). Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện biện pháp bảo vệ trẻ em; xây dựng môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, xâm hại trẻ em; đẩy mạnh các phong trào xây dựng trường học “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; kịp thời phát hiện trường hợp học sinh có dấu hiệu bị bạo lực, xâm hại, thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc điều tra, xử lý; tăng cường giáo dục kiến thức về giới, hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, phòng tránh bị bạo lực, xâm hại. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa; hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trách nhiệm của gia đình trong việc phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Sở Y tế hướng dẫn hệ thống y tế cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, tư vấn sức khỏe, hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực xâm hại; nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chức năng, công an các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Với nhiều biện pháp đồng bộ, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã có chuyển biến tích cực. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành chức năng, cấp chính quyền cơ sở trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cán bộ, nhân dân trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ em. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa đẩy mạnh truyền thông về Luật Trẻ em, ngăn chặn, phòng ngừa, làm giảm thiểu các nguy cơ làm trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, can thiệp, trợ giúp kịp thời trẻ em bị xâm hại, bạo lực, nhóm trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nhân rộng các mô hình cung cấp kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com