Xuân Trường lan toả phong trào hiến tặng giác mạc

09:08, 24/08/2018

Thời gian qua, ở huyện Xuân Trường có nhiều câu chuyện cảm động về việc hiến tặng giác mạc của những người không may mắc bệnh nan y hoặc rủi ro do tai nạn không thể tiếp tục duy trì sự sống. Những việc làm trên của những người hiến tặng giác mạc đã lan tỏa thành phong trào có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được nhiều người đang sống đăng ký thực hiện theo, nhân rộng thêm những hành động cao quý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

Cán bộ Hội CTĐ huyện tuyên truyền về phong trào hiến giác mạc tới người dân.
Cán bộ Hội CTĐ huyện tuyên truyền về phong trào hiến giác mạc tới người dân.

Như câu chuyện hiến giác mạc vô cùng xúc động của trường hợp anh Lương Văn Toán, 42 tuổi ở xóm 10, xã Xuân Tiến bị tai nạn giao thông khi đang trên đường đi làm về nhà. Biết anh Toán không thể qua khỏi, người nhà anh đã thực hiện theo di nguyện của anh lúc còn sống là làm một việc thiện gì đó cứu giúp cho đời. Mỗi khi nhắc tới người chồng của mình, chị Mai Thúy Nga, vợ anh Toán lại chực trào nước mắt vì nhớ chồng. Chị Nga cho biết: Lúc còn sống, đã rất nhiều lần chồng tôi chia sẻ về việc làm thiện nguyện của những người từng hiến giác mạc, hiến tạng cho y học. Nhất là chương trình ti vi gần đây chia sẻ câu chuyện về bé Hải An 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời đã cứu giúp 2 người mắc bệnh về mắt làm cho anh xúc động. Khi có việc đi ra ngoài, bắt gặp những người ăn xin, người có hoàn cảnh khó khăn cần trợ giúp anh đều sẵn sàng giúp đỡ khi có thể... Mỗi khi ở địa phương có chương trình thiện nguyện, anh Toán thường tiên phong và vận động người thân trong gia đình cùng tham gia để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhằm giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Nhiều lần đi kiểm tra sức khỏe trên Hà Nội, anh còn tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện và động viên người thân trong gia đình tích cực tham gia phong trào hiến máu của địa phương. Khi anh Toán qua đời, gia đình đã gọi điện cho Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành lấy giác mạc của anh để bảo quản và ghép cho người cần điều trị về mắt. Hay trường hợp của gia đình ông Ngô Văn Ân, ở xóm 5, xã Xuân Tiến, cách đây 3 năm, gia đình ông nhận được tin dữ khi bà Ngô Thị Ngân, vợ ông không may mắc bệnh K vòm họng. Biết bản thân khó qua khỏi, bà Ngân đã viết đơn tình nguyện hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho những người không may bị các dị tật về mắt. Thực hiện di nguyện của bà, khi bà mất, gia đình đã thông báo cho Bệnh viện Mắt Trung ương về tiếp nhận đôi giác mạc hiến tặng với mong muốn thêm một người bị bệnh về mắt được nhìn thấy ánh sáng, có cuộc sống ý nghĩa hơn. Ngay sau khi bà qua đời, giác mạc của bà đã được cấy ghép cho 2 người, đem lại ánh sáng cho cuộc đời họ.

Để phong trào hiến giác mạc phát triển, Hội CTĐ huyện Xuân Trường đã phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao, kiến thức kỹ năng, tuyên truyền, vận động hiến giác mạc cho các tầng lớp nhân dân trong huyện. Ngoài ra, Hội CTĐ cũng phát huy vai trò của các tình nguyện viên nhằm nắm chắc các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo để có phương pháp tiếp cận tuyên truyền, vận động họ và người thân cùng đăng ký hiến tặng. Đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên CTĐ, các cộng tác viên đã nhiệt tình hưởng ứng phong trào bằng cách đăng ký tham gia hiến tặng giác mạc. Cùng với đó, huyện tổ chức lễ tri ân đối với những gia đình có người hiến tặng giác mạc khi qua đời để tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp về hiến giác mạc cho những người không may mắn về thị lực có thể tìm lại được ánh sáng cho đôi mắt. Đồng chí Nguyễn Thị Điệp, Chủ tịch Hội CTĐ huyện cho biết:

Ban đầu công tác tuyên truyền, vận động người dân gặp nhiều khó khăn do phong trào còn khá mới mẻ, từ trước đến nay không có ai hiến giác mạc. Trong khi việc hiến tặng giác mạc không chỉ dựa vào sự tự nguyện của người hiến mà còn phụ thuộc vào tư tưởng của người thân, gia đình người hiến giác mạc. Hội CTĐ huyện tích cực vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đến từng nhà để nói chuyện, trao đổi giúp mọi người hiểu được ý nghĩa to lớn của phong trào. Bên cạnh đó, Hội CTĐ huyện còn tranh thủ phát huy uy tín, vai trò của các linh mục, các vị chức sắc tôn giáo lồng ghép trong mỗi bài giảng ở nhà thờ nói về tình yêu thương, lòng bác ái, qua đó tác động đến nhận thức của bà con giáo dân giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của phong trào đối với xã hội, từ đó số lượng người tham gia hiến giác mạc ngày càng tăng. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện đã có 127 người đăng ký hiến tặng giác mạc và 7 người đăng ký hiến xác cho y học khi qua đời.

Việc hiến tặng giác mạc, mô tạng là những món quà vô giá để lại cho những người còn sống, để lại cho cuộc đời giúp cho hàng nghìn người khác hồi sinh cuộc sống mới. Vì vậy, việc làm của những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương trong cuộc sống hôm nay, là động lực để những người sống học tập, làm theo và nhân rộng trong cộng đồng./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com