Chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

07:01, 18/01/2018

Năm 2017, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Công tác phối hợp liên ngành được thực hiện tốt theo quy chế đã ban hành. Công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh. Các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát; xử lý các vấn đề nổi cộm như sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc BVTV trong chăn nuôi, quản lý thực phẩm chức năng, bếp ăn tập thể, sản xuất, kinh doanh rượu, sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình… Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) được tăng cường, đã góp phần hạn chế số vụ, số ca NĐTP, không để tử vong do NĐTP. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP đạt trên 75%, tăng 0,5% so với năm 2016. Tỷ lệ người sản xuất thực phẩm thực hành đúng vệ sinh ATTP đạt trên 70%. Năm 2017, toàn tỉnh không có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nào xảy ra.

Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định).

Đạt được kết quả trên, việc phân công quản lý Nhà nước về ATTP giữa các ngành Y tế, NN và PTNT, Công thương đã giải quyết được tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP. Nhận thức về đảm bảo ATTP của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người dân từng bước được nâng lên. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện pháp luật về ATTP được ban hành và thực hiện kịp thời. Năm 2017, tỉnh và các ngành chức năng đã ban hành 40 văn bản chỉ đạo thực hiện về công tác ATTP, trong đó UBND tỉnh ban hành 11 văn bản, 39 văn bản còn lại do các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng ban hành. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP được triển khai đồng bộ và phổ biến đúng đối tượng bằng nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thảo, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng pa-nô, áp phích… trong các dịp lễ, tết, trong Tháng hành động vì ATTP ở cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATTP đã có sự vào cuộc của các cấp chính quyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, nhân dân về tuân thủ và áp dụng các quy định của pháp luật về ATTP. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có sự nghiên cứu, áp dụng các quy định của pháp luật; có ý thức trong việc sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Trong công tác tuyên truyền, năm 2017, đã phát hàng nghìn lượt thông điệp truyền thông về ATTP trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ tỉnh đến cơ sở. Toàn tỉnh treo 2.575 băng rôn, khẩu hiệu, hơn 1.000 tờ tranh, áp phích tuyên truyền về ATTP tại 229 xã, phường, thị trấn; phát 20.600 tờ rơi, tờ gấp về ATTP, giết mổ, phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm cho người sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm vào các đợt cao điểm như: Tháng hành động vì ATTP, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu; thực hiện ký cam kết trách nhiệm đảm bảo ATTP với hàng nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tập huấn kiến thức ATTP cho hàng trăm giáo viên và nhà bếp một số trường mầm non, tiểu học, bếp ăn tập thể khu công nghiệp… Đặc biệt, hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác tuyên truyền, giáo dục, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chỉ đạo mạng lưới và giải quyết khắc phục các sự cố về ATTP được chú trọng. Chi cục ATVSTP tỉnh với chức năng cơ quan thường trực BCĐ liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh, đã tham mưu cho các ngành triển khai thực hiện tốt các thông tư liên Bộ: Y tế, NN và PTNT, Công thương về phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về ATTP và công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát ATTP trên địa bàn. Năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập trên 500 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành các tuyến từ tỉnh đến cơ sở; tiến hành thanh tra, kiểm tra ATTP hơn 8.000/11.957 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Qua kiểm tra, có hơn 75% cơ sở đạt, trên 24% cơ sở có vi phạm; xử lý, phạt các cơ sở vi phạm số tiền trên 400 triệu đồng. Nhiều vụ vi phạm bị các cơ quan chức năng phát hiện, tiêu hủy sản phẩm như: Bánh kẹo hết hạn sử dụng, không nhãn mác, không có hạn sử dụng, nhập lậu ở huyện Nghĩa Hưng; 60kg mì chính giả nhãn mác ở huyện Mỹ Lộc; Chi cục Quản lý thị trường tịch thu trên 500kg mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto và Miwon; Phòng PC 49 (Công an tỉnh) tiêu hủy 1,1 tấn táo quả tươi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ… Bên cạnh đó công tác phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn được quan tâm. Các ngành chức năng, các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định đảm bảo ATTP, ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP; vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh công bố quy trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATTP; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn… Sở Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm và chỉ đạo các địa phương bảo đảm vệ sinh ATTP trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn. Sở NN và PTNT tập trung chỉ đạo, bước đầu đã tạo chuyển biến rõ nét trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh đối với các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Sở Công thương tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả, kém chất lượng nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; bảo đảm ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại lớn của tỉnh. Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình điểm ATTP thức ăn đường phố, làng nghề, khu vực lễ hội và một số mô hình trồng rau an toàn, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP…

Những nỗ lực trong công tác ATTP năm 2017 đã góp phần nâng cao nhận thức về ATTP của cấp ủy Đảng, chính quyền các tầng lớp nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, phát hiện nhiều sai phạm và có biện pháp xử lý, rút kinh nghiệm kịp thời. Việc chủ động giám sát định kỳ mối nguy ô nhiễm thực phẩm và tiến hành giám sát các mẫu thực phẩm có nguy cơ cao đã đề ra được biện pháp cụ thể để phòng ngừa NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm. Ngoài ra, việc phân công và phối hợp trong quản lý, đưa danh mục các sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từng ngành đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện, tuân thủ các quy định về pháp luật ATTP, đã khắc phục được tình trạng chồng chéo trong quản lý về ATTP, giúp các cơ quan chức năng chủ động hơn trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của mình. Thời gian tới, công tác ATTP tập trung vào việc: Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19-7-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý về ATTP trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP, đặc biệt là các quy định trong đảm bảo ATTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết những vi phạm về ATTP. Đẩy mạnh hoạt động vận động, giám sát của các tổ chức chính trị xã hội trong công tác đảm bảo ATTP./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com