Nghị lực của những người lính xung phong trong thời bình

08:10, 24/10/2017

Sau những năm tháng xông pha ngoài chiến trường, xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều cựu TNXP vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất của người lính cách mạng, tiên phong trên mặt trận kinh tế. Không những vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình ngay tại mảnh đất quê hương, họ còn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn có công việc với thu nhập ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống.

Cựu TNXP Nguyễn Xuân Tập, ở số 18, phố Máy Tơ, phường Ngô Quyền (TP Nam Định) làm giàu từ kinh doanh vận tải du lịch.
Cựu TNXP Nguyễn Xuân Tập, ở số 18, phố Máy Tơ, phường Ngô Quyền (TP Nam Định) làm giàu từ kinh doanh vận tải du lịch.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang ở số 18, phố Máy Tơ, phường Ngô Quyền, cựu TNXP Nguyễn Xuân Tập (sinh năm 1948) bồi hồi nhớ lại quãng thời gian khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Năm 1964, ông lên đường nhập ngũ, tham gia đào đường, lấp hố bom trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Năm 1968, ông xuất ngũ và được điều động về Bộ Xây dựng, tham gia công tác tại đơn vị C67, D111, Cục Tiền phương. Sau đó, ông làm Đội trưởng đội thợ điện thuộc Công trường K6. Tháng 11-1984, ông về nghỉ chế độ. Trở về địa phương, cũng như bao TNXP khác, ông Tập gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế thời bao cấp nghèo nàn, lạc hậu, phải lo từng miếng cơm, manh áo. Có lẽ quãng thời gian vào sinh ra tử nơi chiến trường đã tôi luyện nên con người ông tinh thần quả cảm không nề hà gian khó, ông làm mọi việc để kiếm sống. Thời gian đầu, ông đi kéo xe thuê cho các chủ buôn vải từ Nhà máy Dệt Nam Định, chở vải đi giao ở các vùng lân cận. Số tiền công tích góp được ông mua xe tải, chở được nhiều vải đi xa và cũng đỡ vất vả hơn. Chở vải thuê một thời gian, ông Tập cũng tìm được “cửa” lấy vải từ nhà máy và bắt đầu nghề buôn vải. Ông lấy vải cân ở Nhà máy Dệt bán cho các chủ sạp hàng ngoài chợ. Dần dần, ông buôn vải thành phẩm các loại. Số tiền vốn 20 triệu đồng lúc đầu chỉ đủ để ông nhập vải bán cho các cửa hàng nhỏ lẻ trong thành phố. Ông Tập tìm cách xoay vốn để “làm ăn to”. Buôn bán quen mối, được khách hàng tin tưởng, ông ứng tiền của khách trước, dùng tiền đó làm vốn lấy vải trong nhà máy giao lại cho khách. Ông Tập kể, thời gian đầu, kiếm được đồng lãi không dễ dàng gì, có lần ông bị mất hàng, lỗ cả vài trăm triệu. Không nản chí, năm 1985, ông mở xưởng và thuê công nhân may. Năm 1990, ông thành lập tổ hợp Nam Giang, chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động, xuất cho các đơn hàng ở xa như Lạng Sơn, Lào Cai… Năm 2000, nhận thấy nhu cầu xã hội từ dịch vụ cho thuê xe du lịch khá lớn, ông Tập thành lập Cty TNHH Thành Đạt, chuyên kinh doanh các dịch vụ vận tải du lịch. Hiện nay, Cty có vốn điều lệ là 8 tỷ đồng và có 7 xe các loại. Cùng với việc điều hành Cty, ông Tập vẫn duy trì việc buôn bán vải sợi từ Nhà máy Dệt Nam Định và mở thêm các sạp hàng bán vải tại chợ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tập còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 15 công nhân với mức lương từ 3,2-4,5 triệu đồng/người/tháng. Gặp bao gian nan thử thách nhưng không nhụt chí, từ 2 bàn tay trắng, ông Tập đã vươn lên trở thành một doanh nhân thành đạt, làm chủ một Cty, mỗi năm, trừ chi phí, ông thu về từ 500-700 triệu đồng. Có điều kiện về kinh tế, ông Tập thường xuyên tham gia các hoạt động của địa phương. Hằng năm, ông ủng hộ hàng triệu đồng làm từ thiện, giúp đỡ các gia đình khó khăn, tặng quà cho các cháu thiếu nhi, học sinh nghèo vượt khó. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu TNXP, tham gia tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng nếp sống văn hóa mới, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Cũng mang trong mình ý chí, nghị lực phi thường của người lính trở về từ mưa bom bão đạn, cựu TNXP Bùi Văn Bình (sinh năm 1953), ở tổ dân phố số 8, Thị trấn Lâm (Ý Yên) đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên khi ấy vừa tròn 18 tuổi hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông được phân công công tác tại đơn vị C217, đội 37, binh trạm 9, đoàn 559 cùng với đồng đội làm nhiệm vụ mở đường. Tháng 2-1974, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về địa phương. Những ngày đầu khi mới trở về, cuộc sống của ông gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của bom đạn nơi chiến trường khiến ông thường xuyên bị ốm đau bệnh tật. Sức khỏe yếu, hoàn cảnh kinh tế lại khó khăn nên nhiều năm liền gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của thị trấn. Với bản lĩnh của người lính xung phong, không chịu khuất phục trước mọi thử thách, ông hưởng ứng phong trào thi đua “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo vì nghĩa tình đồng đội”, từ số tiền trợ cấp 1 lần cho người có công với cách mạng (1,5 triệu đồng) và vay mượn thêm anh em, bè bạn ông Bình đã đầu tư lắp đặt dây chuyền máy may công nghiệp. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm sản xuất cộng với nguồn nhập nguyên vật liệu chưa ổn định, chưa tìm được mối bán hàng lâu dài nên việc sản xuất gặp không ít khó khăn. Sau một thời gian tìm hiểu thị trường, ông Bình dần tìm được hướng kinh doanh bạn hàng, có được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhờ đó mà cơ sở ngày càng phát triển. Ông trả hết nợ và bắt đầu có vốn để tái đầu tư cho sản xuất. Từ một hộ nghèo của thị trấn, đến nay, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống gia đình ngày càng khá giả hơn. Mặc dù công việc tại xưởng bận rộn, thường xuyên phải đi lại để tìm mối hàng, nguồn hàng và tìm hiểu nhu cầu của thị trường để đổi mới sản xuất nhưng ông Bình vẫn giành thời gian tham gia các hoạt động của Hội Cựu TNXP và các hoạt động xã hội của địa phương.

Trở về từ chiến trường, những người lính xung phong vẫn mang trong mình tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm. Dù ở chiến trường hay trong cuộc sống thời bình, ở họ luôn có niềm tin, sự lạc quan vào tương lai phía trước, xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo./.

Bài và ảnh: Bùi Huế

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com