Người "gieo mầm" thiện lương

07:08, 26/08/2017

“Hôm ấy là ngày 20-10, một món quà thật ý nghĩa đến với tôi. Tôi đi thật nhanh về khu giam giữ, mở cửa buồng giam và nói: Chị Mẩy, chị đã được sống. Chủ tịch nước đã chấp thuận đơn của chị” - Ánh mắt rưng rưng, Trung úy Dương Thị Nghĩa, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh kể về trường hợp phạm nhân mang án tử Tẩn Lèng Mẩy, sinh năm 1947, trú tại Thị trấn Sìn Hồ (Lai Châu), phạm tội mua bán trái phép chất ma túy mà chị quản lý. Niềm hạnh phúc vô bờ bến được sống của Tẩn Lèng Mẩy cũng là niềm vui của chị Nghĩa. Vượt qua ranh giới cán bộ quản giáo, phạm nhân, bằng sự thấu cảm, sẻ chia, chính chị Nghĩa đã cảm hóa được Mẩy.

Trung úy Dương Thị Nghĩa, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh được vinh danh trong Lễ tuyên dương Thanh niên, phụ nữ Công an Nam Định tiêu biểu năm 2016.
Trung úy Dương Thị Nghĩa, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh được vinh danh trong Lễ tuyên dương Thanh niên, phụ nữ Công an Nam Định tiêu biểu năm 2016.

Sinh năm 1986 ở xã Cộng Hòa (Vụ Bản) trong một gia đình thuần nông nhưng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nghĩa đã nuôi mơ ước lớn lên được trở thành một chiến sĩ công an. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát 1, khoa Điều tra tội phạm về trật tự xã hội với tấm bằng khá, năm 2010, Nghĩa quay về Trại tạm giam Công an tỉnh tiếp tục công việc mà chị đã làm hợp đồng trước đó. Những ngày đầu đảm nhận nhiệm vụ, Nghĩa không tránh khỏi lo lắng, băn khoăn bởi công việc hằng ngày, hằng giờ của chị là phải tiếp xúc với các phạm nhân ở nhiều thành phần, lứa tuổi, mức độ phạm tội, diễn biến tâm lý phức tạp khác nhau. Tuy nhiên, chị luôn tâm niệm: “Mỗi phạm nhân có một hoàn cảnh riêng nhưng họ đều là con người; nếu cán bộ quản giáo biết đánh thức phần “người” trong họ, họ sẽ nhận ra điều sai trái mà ăn năn, hối cải. Và cuộc đời sẽ luôn rộng lượng cho những phạm nhân biết hướng thiện để tìm lại chính mình”. Trong gần 7 năm gắn bó với công việc quản giáo ở Trại tạm giam Công an tỉnh, Trung úy Dương Thị Nghĩa đã dành trọn tâm huyết của mình trong hành trình phục thiện, cảm hóa phạm nhân, trong đó có nhiều phạm nhân chịu án tử. Năm 2016, chị Nghĩa quản lý, giáo dục 60 lượt can phạm nữ, trong số đó có 4 phạm nhân bị án tử hình. Năm 2017, chị quản lý 24 phạm nhân. Đây đều là các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, có đối tượng nhiễm HIV giai đoạn cuối, sức khỏe yếu thường xuyên phải điều trị dài ngày tại các bệnh viện. Không những thế chị còn phải quản lý nhiều đối tượng khi bị bắt vào trại còn đang trong tình trạng “ngáo đá”, “vật” thuốc, hò hét, không chấp hành nội quy giam giữ.

Để gieo mầm thiện lương, cảm hóa, giáo dục phạm nhân chấp hành tốt các quy định của trại, chị Nghĩa cũng như những cán bộ quản giáo luôn quan tâm chia sẻ, động viên phạm nhân. Chính sự chân thành, gần gũi của chị đã khơi dậy những phần tốt đẹp còn tiềm ẩn trong mỗi phạm nhân, từ đó động viên, nâng đỡ, cảm hóa, giúp họ tiến bộ. Chị Nghĩa nhớ mãi những trường hợp phạm nhân nhận án tử mà chị dùng nhiều tâm sức giúp họ hối cải. Tháng 8-2015, dư luận xôn xao về vụ giết người của Mai Thị Vóc, sinh năm 1970, trú tại xã Hải Tân (Hải Hậu). Theo đó, Vóc dùng dao sát hại 3 bà cháu hàng xóm. Khi bị bắt, đối tượng Vóc không hợp tác với cơ quan công an, không ăn, không nói, không cho khám bệnh. Trong buồng giam, thị có nhiều biểu hiện không bình thường khiến các đối tượng cùng buồng giam sợ hãi. Nắm được hoàn cảnh và tâm lý của đối tượng, một mặt chị Nghĩa khéo léo gợi chuyện động viên, mặt khác bố trí cơ sở bí mật canh coi, trò chuyện, đề phòng đối tượng hoảng loạn dẫn đến hành động tiêu cực và gây hại đến các đối tượng khác trong cùng buồng. Sau thời gian dài kiên trì, thuyết phục, Mai Thị Vóc đã cởi mở hơn và khai báo toàn bộ quá trình phạm tội. Hay như thời gian chị quản lý bị án tử hình Tẩn Lèng Mẩy. Mẩy phạm tội với hành vi mua bán trái phép 13 bánh hê-rô-in. Ngày đầu vào trại, Mẩy rất hoang mang, buồn chán vì nghĩ việc làm của mình ảnh hưởng đến gia đình, con cái. Sau khi nghe tòa tuyên án tử hình, mặc dù đã lường trước mức án nhưng Mẩy vẫn rất sốc. Trong cơn “bĩ cực”, Mẩy có ý định tự sát. Nắm bắt tâm lý đối tượng, chị Nghĩa đã gọi Mẩy lên nói chuyện. Chị nói với Mẩy: “Trong chúng ta, không ai có thể chọn điều gì xảy đến với mình. Tuy nhiên, ta có thể chọn cách đối diện với nó. Thế nên, thay vì buồn chán thì tôi khuyên chị nên chấp nhận và chấp hành tốt nội quy, khai báo thành khẩn, tránh tiêu cực bản thân. Đó là con đường duy nhất để chị sửa chữa lỗi lầm, hướng thiện, hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đó cũng là cách để các con chị không phiền lòng về chị nữa”. Sau khi nghe chị Nghĩa giáo dục nhiều lần, Mẩy nhận ra lỗi lầm của bản thân đã chấp hành tốt nội quy của trại giam. Chị Nghĩa còn chỉ cho bị án biết thị vẫn còn hy vọng sống, có quyền viết đơn gửi Chủ tịch nước xin ân xá, giảm án tử. Cũng chính chị là người tư vấn, cùng với Mẩy viết đơn, thể hiện sự ăn năn, thành khẩn và nguyện vọng thiết tha được sống, được lao động cải tạo để chuộc lại lỗi lầm. Tin tưởng chị Nghĩa, bị án Mẩy còn gửi gắm nguyện vọng nhờ chị gửi 1 chiếc áo cũ về gia đình. Đây là phong tục của người dân tộc, để sau này, phòng khi Chủ tịch nước bác đơn, bị án phải chết thì có chiếc áo dẫn lối tìm về nhà. Và vào ngày 20-10-2016, niềm vui vỡ òa trong nước mắt của cả chị Nghĩa, Tẩn Lèng Mẩy khi Chủ tịch nước đã chấp thuận đơn xin ân xá của Mẩy. Hiện, Mẩy đã được chuyển tới trại cải tạo. Thỉnh thoảng bị án vẫn viết thư cho chị Nghĩa với những lời lẽ hết sức chân thành: “Năm nay tôi đã 71 tuổi, chắc khó có thể trở về xã hội để gặp cán bộ. Nhưng tôi sẽ nhớ mãi cán bộ. Tôi sẽ tiếp tục lao động, cải tạo thật tốt”... Trước tội ác của các tử tù, chị Nghĩa đã cảm hóa họ bằng sự chân thành, tình người. Không chỉ có những bị án tử, nhiều đối tượng “cộm cán” vào tù thường xuyên, qua sự quản lý của chị Nghĩa đều được cảm hóa, giáo dục để chấp hành tốt nội quy của trại, tìm thấy con đường hoàn lương, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Với sự chân thành, khéo léo, cán bộ quản giáo Dương Thị Nghĩa đã cảm hóa, giáo dục thành công nhiều đối tượng tội phạm. Với họ, chị trở thành “điểm tựa”, người mang đến ánh sáng, niềm tin giữa những ngày tăm tối. Nhiệt tâm với công việc liên tục nhiều năm liền, Trung úy Dương Thị Nghĩa đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, được Giám đốc Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh khen thưởng. Năm 2016, chị vinh dự được vinh danh là một trong 10 phụ nữ Công an tiêu biểu toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com