Giữa mênh mông đồng muối

07:02, 18/02/2015

Cuối năm, gió mùa đông vi vút trên những cánh đồng muối mênh mông của xã Hải Lý, Hải Hậu. Từ tháng 10 trở đi, diêm dân hầu như không làm được muối. Vài năm trở lại đây, cũng chính những diêm dân quanh năm quen tay gầu, tay gạt bỗng chốc trở thành… nghệ sĩ tạo hình cho một thú chơi mới, làm cây cảnh. Bởi vậy, bây giờ giữa mênh mông muối trắng là màu xanh mát của cây, sắc thắm của hoa đang tô điểm thêm cho những khu nhà vườn, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Những mùa xuân mới no đủ đang về.

Quả ngọt từ muối mặn

Quãng 20 năm trước, người Hải Lý có thói quen ươm cành để trồng cây bóng mát trong nhà, rồi nhiều người có con mắt tinh tế biết lựa chiều uốn để tạo thế, tạo dáng cho cây. Rồi nhân cây thành vườn, thành bãi. Thú chơi cây cảnh cũng bắt đầu từ đó. 10 năm trở lại đây, ươm trồng cây cảnh đã trở thành nghề, thành nghiệp của những diêm dân. Ông Mai Công Đĩnh, Hội trưởng Hội Sinh vật cảnh xã Hải Lý hồ hởi: “Diện tích cây cảnh của Hải Lý hiện là 65ha. Xóm nào trong xã cũng có người làm cây. Làng nghề cây cảnh Văn Lý được UBND huyện công nhận từ năm 2011. Xã có 2 nghệ nhân cấp huyện. Hải Lý còn hình thành được chợ cây Văn Lý để những người yêu thích thú chơi này có thể đến mua bán, thưởng lãm”.

Cận Tết, chúng tôi có dịp lang thang thăm những vườn sanh cảnh mênh mông ở Hải Lý. “Công xưởng” cây cảnh ở đây hoạt động nhộn nhịp và… vô cùng chuyên nghiệp. Xã có 3 thôn là Xương Điền, Tây Cát và Văn Lý thì cả 3 thôn đều có người trồng cây cảnh và có những vườn sanh tiền tỷ. Mỗi xóm gần như “phân chia” nhịp sản xuất cây khác nhau. Nếu Xương Điền chuyên về cây phôi (cây cảnh nguyên thủy) thì Tây Cát và Văn Lý giúp nâng tầm các loại cây này lên phôi cấp 2, cấp 3 hoặc cây hoàn thiện. Trong xã, cũng phân cấp người chơi cây theo các cấp độ khác nhau. Niềm tự hào của dân cây cảnh Hải Lý là đã có 2 nghệ nhân cấp huyện, anh Nguyễn Văn Mạnh, xóm Văn Lý và anh Nguyễn Hồng Phong, xóm Tây Cát. Hầu hết các cây “đỉnh của đỉnh” trong làng, ngoài xã đều ghi dấu ấn tư vấn hoặc bàn tay các anh tạo tác. Còn lại là những người chuyên làm cây cảnh cho dòng phổ thông, đại trà, những người chỉ buôn bán cây và làm nhiệm vụ vận chuyển cây cảnh. Hầu hết họ đều “sống khỏe” với nghề. Ở mỗi xóm lại có những vườn sanh làm người xem “mãn nhãn”. Những khu vườn rộng hàng héc-ta với nhiều cây quý có tuổi đời quá tuổi nghề là “gia bảo” của các gia đình. Có thể “vinh danh” một số cây: cây sanh dáng long mã hồi đầu của nghệ nhân Nguyễn Hồng Phong, già đến mức hóa thạch tại đầu mỗi búp hoa; cây sung thế song siêu của anh Nguyễn Văn Thanh, xóm Tây Cát; cây si thế trực cổ của ông Nguyễn Văn Đức, xóm Tây Cát đáng giá cả một gia tài; cây sanh dáng long bồ của anh Nguyễn Trường Định, xóm Văn Lý đã 90 tuổi đời; cây si thế trực siêu của anh Vũ Viết Văn, xóm Văn Lý vài ba năm trước được giới mộ điệu cây trả tới 10 tỷ đồng… Rồi những vườn cây mênh mông của ông Nguyễn Xuân Quang, xóm Tây Cát với khoảng 1.000 cây, trong đó có 300 tác phẩm đẹp. Vườn cây của ông Mai Công Đĩnh, rộng trên 1ha trưng cây si lão giả chi tôn giữa vườn đã qua bàn tay chăm sóc cẩn trọng của 3 thế hệ trong gia đình… Còn có nhiều vườn, nhiều bãi được trồng với mục đích chính là trao đổi, bán buôn. Những vườn, các cây cảnh quý trên đều được giới nghề yêu thích, ngưỡng mộ định giá hàng tỷ đồng. Cây cảnh của xã, vì vậy có cơ hội theo chân các thương lái đi đến nhiều vùng của đất nước từ Bắc vào Nam.

 Chuyển đổi từ những diện tích đất làm muối kém hiệu quả, những vườn cây cảnh của Hải Lý hiện đang mang về cho dân nghề ở đây nguồn thu đáng kể. Diện mạo đời sống của thợ nghề vì thế cũng khởi sắc. Nhiều nhà sắm được ô tô, xây nhà lầu cũng từ cây cảnh. Đồng chí Vũ Ngọc Ân, Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ xã Hải Lý cho biết: “Hải Lý hiện có 1.000 hộ dân thì có 500 hộ trồng sanh cảnh. So với hai, ba năm trước, mặc dù cây cảnh có dấu hiệu chững lại, nhưng giá trị thu nhập từ những vườn sanh này vẫn đạt từ 100-120 triệu đồng/ha/năm, là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của xã, chỉ đứng sau nuôi trồng thủy, hải sản”. 

Chợ cây giữa mênh mông đồng muối

Cũng độ gần chục năm trước, từ lúc người Hải Lý bắt đầu thú chơi cây cảnh là khi nhu cầu giao thương loại hàng hóa này hình thành xuất hiện. Ban đầu chỉ một vài hộ gia đình quan tâm đến việc bán buôn các loại cây. Dần dà con số đó đông hơn. Chợ cây Văn Lý xuất hiện từ đó. 3, 4 năm trở lại đây, chợ cây được mở rộng về quy mô, chất lượng. Tại đây có 36 bãi cây của các hộ gia đình trong xóm trưng bày buôn bán. Các loại cây ở chợ rất đa dạng, có dòng rễ, có dòng cấy đá lại cũng có cả những dòng cảnh là cây ăn quả, cây giống... Có thể bắt gặp ở đây những cây sanh cảnh được uốn tỉa công phu nhưng cũng rất dễ dàng tìm một vài cây nho nhỏ, xinh xinh dùng bài trí trên bàn uống nước. Có những cây giá hàng tỷ đồng nhưng cũng có những cây giá chỉ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Nghệ nhân Nguyễn Văn Mạnh có bãi cây nằm ngay giữa chợ với khoảng 1.000 cây các loại. Hằng ngày, ngoài việc tạo thế cho cây, anh còn đi đánh, mua thêm các loại cây về bán. Anh Mạnh cho biết: “Khách hàng có thể theo nhu cầu mà lựa chọn các loại cây khác nhau trong chợ. Có những cây phôi cấp 2, 3 hoặc cây hoàn thiện. Ở đây chúng tôi vừa trồng, tạo thế vừa mua thêm cây phôi từ những nơi khác về hoàn thiện rồi bán. Chúng tôi đi khắp nơi trong huyện, đến các xã như Hải Sơn, Hải Đông, Hải Chính, Thị trấn Cồn, lên cả những nơi như Điền Xá (Nam Trực)… để nhập cây. Khách hàng của chúng tôi ở khắp nơi, Sài Gòn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Nam… đều có cả”.

Ông Nguyễn Xuân Quang, xóm Tây Cát, xã Hải Lý (Hải Hậu) có vườn sanh rộng 1ha với khoảng 1.000 cây cảnh.
Ông Nguyễn Xuân Quang, xóm Tây Cát, xã Hải Lý (Hải Hậu) có vườn sanh rộng 1ha với khoảng 1.000 cây cảnh.

Sáng sáng, như mọi phiên chợ ở các làng quê khác, chợ cây Văn Lý mở cửa đón chào khách giao thương. Tuy nhiên vào những ngày chẵn (theo quan niệm của thương lái là ngày tốt họ sẽ chọn để cẩu cây, bốc hàng), không khí trong chợ, ngoài làng tấp nập hơn. Từng đoàn xe bán tải nhỏ nối đuôi nhau nườm nượp khắp làng trên, xóm dưới. Thương lái cây đổ về từ nhiều vùng miền chuẩn bị bốc hàng. Vào những ngày này, những bãi may mắn có thể xuất được vài chục cây với đơn hàng lên đến hàng trăm triệu đồng. Theo ước tính của anh Mạnh, với những bãi cây lớn như nhà anh, tháng nhiều bù tháng ít, trừ chi phí, mỗi tháng thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Những bãi cây nhỏ hơn, ít nhất cũng được từ 10-15 triệu đồng/tháng.

Từ khoảng cuối tháng 11 âm lịch trở đi là thời kỳ chợ cây “đắt khách” nhất trong năm, trong đó dòng cây hoàn thiện được người chơi hướng tới trong dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc. Mang được một bộ cây cảnh ưng ý về trưng trong nhà là mang theo hy vọng về một mùa xuân tốt lành, làm ăn khấm khá, sức khỏe, thịnh vượng. Những năm trở lại đây, thợ cây cảnh Hải Lý nhạy bén hơn, chọn uốn những cây cảnh ăn quả để bán dịp Tết. Trên những bình gốm mộc màu của đất hoặc chất liệu sứ vẽ hoa văn cầu kỳ, những cây sung, cây lựu chục năm tuổi ngẩng cao đầu uốn thế trực; có cây mai khoe sắc hoa trắng khiết tinh mềm mại mà quả quyết lựa dáng song siêu; cây ổi thân gầy nhẳng nhưng nảy lộc đầy cành… Bàn tay, tư duy của những nông dân chỉ quen với muối mặn đồng chua đã thành nghệ sĩ để thể hiện những triết lý sâu xa. Thả tâm hồn vào “tác phẩm” của mình, đối với họ có lúc tiền bạc chưa phải là điều kiện tiên quyết: “Vườn của tôi có rất nhiều cây nên người đến hỏi mua cũng nhiều. Chơi cây, gắn bó với vườn tược lâu năm, tôi học được nhiều thứ. Có được chữ “nhẫn” khi chăm sóc hằng ngày, thậm chí một đời cho cây. Giữ được “tâm” bình lúc nhìn những đứa con tinh thần lớn lên. Lại có chữ “phúc” do chính mình tạo ra khi được ngắm nhìn sản phẩm của mình… Do vậy, bán buôn đôi khi cũng chỉ là chuyện nhẹ nhàng, “thứ yếu”, ông Nguyễn Xuân Quang, xóm Tây Cát thành thực.

Nghề chơi cũng lắm công phu, ông Mai Công Đĩnh trầm ngâm khi nghĩ về thú chơi cây cảnh của người Hải Lý. Để tạo tác thành phẩm yêu cầu người chơi phải có vốn hiểu biết nhất định về nhiều lĩnh vực. Ngoài hoa tay trời cho, khi làm cây cũng đòi hỏi phải đầu tư một chút hiểu biết các yếu tố hội họa, điêu khắc... Cổ, kỳ, mỹ những tưởng là… tiêu chí xa vời đâu đó, mà là những giá trị có thực được tác tạo nên bởi bàn tay của những người nông dân chai sần, quanh năm chân lấm tay bùn, quẩn quanh với mảnh ruộng, hạt muối. Cú “lột xác” ấy chỉ có được từ tình yêu với cái đẹp và một ý thức chịu khó học hỏi, thay đổi nền nếp tư duy để làm giàu, để vươn lên./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com